Quốc gia “Không còn gì để mất” quyết đấu với Trung Quốc
Quốc gia này không còn gì để mất và thậm chí còn đang đầu tư vào Trung Quốc gấp 10 lần so với số tiền Trung Quốc đầu tư từ trước đến nay.
Vì sao Litva xung đột với Trung Quốc?
Cuộc đọ sức ngoại giao giữa Litva và Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia.
Tất cả bắt nguồn vào tháng 8, khi Vilnius cho phép thành lập “văn phòng đại diện Đài Loan” tại nước này, điều mà Bắc Kinh coi là sự vi phạm đối với chính sách “Một Trung Quốc”.
Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ – một hình thức phản đối ngoại giao đã không sử dụng trong nhiều năm – cũng như khăng khăng yêu cầu Litva rút đại diện của mình.
Các dịch vụ tàu chở hàng kết nối Vilnius trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đã bị đình chỉ; giấy phép xuất khẩu thực phẩm Litva xin cấp cũng ngừng lại. Kỳ vọng Litva trở thành một điểm đến quan trọng đối với các nhà đầu tư fintech Trung Quốc cũng đã tiêu tan.
“Điều đó tương ứng với câu nói quen thuộc của Trung Quốc: Giết gà dọa khỉ”, một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên của EU tại Trung Quốc mô tả.
“Bắc Kinh đang gửi đi một thông điệp rằng bất cứ ai noi theo tấm gương của Litva, dám đứng lên chống lại họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề. Và thông điệp như vậy được thử nghiệm tốt nhất đối với một quốc gia nhỏ.
Bắc Kinh hiện đang theo dõi xem “con khỉ” – Liên minh châu Âu – sẽ đứng về phía “con gà” hay “người làm thịt”.
Mỹ cho đến nay đã ủng hộ Vilnius khi Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh “sự hỗ trợ không hề nhỏ của Mỹ đối với Litva khi đối mặt với sức ép từ Trung Quốc”.
EU thể hiện sự trung lập hơn khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã bảo vệ Litva nhưng cũng cố gắng trấn an Bắc Kinh.
Vì sao Litva – quốc gia dân số 2,8 triệu – lại đối đầu với Trung Quốc trong một số vấn đề nhạy cảm mà châu Âu đã không nhắc đến trong nhiều năm?
Không có gì để mất
Litva không phải là quốc gia EU đầu tiên vướng vào tranh cãi với Bắc Kinh – nhưng điều khác biệt nhất đến từ việc nước này có rất ít thứ để mất.
Các quốc gia như Pháp và Đức có mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc, khiến các nhà lãnh đạo thường bồi đắp quan hệ dung hòa, hạn chế phán xét Trung Quốc. Các chính phủ khác, như Hy Lạp hay Hungary, lại phụ thuộc vào đầu tư đến từ quốc gia châu Á.
Ngược lại, Litva có ít quan hệ kinh doanh với Trung Quốc. “Bạn có tin rằng chúng tôi đã đầu tư vào Trung Quốc gấp 10 lần so với việc họ đầu tư cho chúng tôi?”, một quan chức cấp cao ở Vilnius, nói với điều kiện giấu tên.
“Đã có khoản đầu tư của Trung Quốc trị giá 3 triệu euro. Đúng vậy, chỉ có 3 triệu euro từ Trung Quốc. Trong khi các công ty của chúng tôi đã đầu tư gần 40 triệu euro vào họ”, quan chức này nói thêm.
Một ví dụ khác là cảng nước sâu Klaipėda, cách thủ đô Vilnius 300 km về phía Tây, Litva cũng đã ngừng cho phép Trung Quốc đầu tư vì lo ngại về an ninh.
“Trung Quốc quan tâm đến việc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác vốn nhạy cảm với an ninh quốc gia”, Tổng thống Litva Gitanas Nausėda nói. “Nhưng chúng tôi có một hệ thống sàng lọc các khoản đầu tư chiến lược như vậy”.
Là một nước thành viên của EU và NATO, Litva tự tin sẽ được đồng minh hậu thuẫn. Kể từ thời hậu Chiến tranh Lạnh đến nay, Litva vẫn được biết đến là một quốc gia thẳng thắn, hiếm khi né tránh những lời chỉ trích và thường xuyên đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc.
Mới đây, Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis tuyên bố Litva sẽ rút khỏi nền tảng ngoại giao “17 + 1” của Trung Quốc với Trung và Đông Âu.
Nước này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ an ninh liên quan đến điện thoại di động Xiaomi do Trung Quốc sản xuất.
Thứ trưởng Ngoại giao Litva Mantas Adomėnas thậm chí còn nhận xét: “Trung Quốc đang ngày càng nguy hiểm hơn”, đồng thời kêu gọi EU phải thoát ra khỏi các chính sách thương mại phòng thủ chống lại Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Nausėda, tiếp tục thúc ép những người đồng cấp EU tham gia một mặt trận chung hướng tới Bắc Kinh.
Đối với ông Nausėda, mặc dù các nhà lãnh đạo khác đang đối phó song phương với Trung Quốc là điều hoàn toàn bình thường, nhưng điều quan trọng là phải chú trọng đến sức mạnh địa chính trị thống nhất của EU.
“Sẽ hiệu quả và vững chắc hơn nhiều nếu các nhà lãnh đạo có chung một tiếng nói”, ông Nausėda nhấn mạnh.
Khai Tâm