+
Aa
-
like
comment

Quốc gia hưởng lợi từ ‘cuộc chia tay’ của Nga – Mỹ vì Ukraine

19/03/2022 16:11

Đại sứ Nga tại New Delhi nhấn mạnh các công ty Ấn Độ có thể thay thế vị trí của một số doanh nghiệp dược phương Tây đã dừng hoạt động ở Nga.

Chia sẻ với kênh truyền hình Rossiya 24 hôm 18/3, đại sứ Nga tại Ấn Độ Denis Alipov cho rằng các công ty dược của Ấn Độ có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh mới ở Nga, do nhiều công ty châu Âu và Mỹ hợp tác làm ăn trên lãnh thổ Nga đã dừng hoạt động sau khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Quốc gia hưởng lợi từ ‘cuộc chia tay’ của Nga – Mỹ vì Ukraine
Ấn Độ tăng cường nhập dầu của Nga do được mua với giá chiết khấu. (Ảnh: AP)

Ông Alipov nhấn mạnh Ấn Độ hiện là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thuốc gốc của nhiều hãng thuốc nổi tiếng. Đại sứ Nga còn nhận định Ấn Độ hiện là “thế giới dược phẩm”.

“Việc nhiều công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga đã tạo ra chỗ trống trong nhiều ngành công nghiệp mà các công ty Ấn Độ có thể lấp đầy cụ thể là dược phẩm”, ông Alipov nhấn mạnh thêm, Ấn Độ “đã có thời gian dài và tích cực hiện diện ở thị trường Nga” bao gồm các doanh nghiệp liên doanh sản xuất thuốc.

Lời bình luận của đại sứ Alipov được đưa ra sau khi hàng loạt công ty dược phẩm phương Tây như Pfizer, Eli Lilly và Sanofi thông báo dừng hoạt động “không thiết yếu” tại Nga do cuộc chiến ở Ukraine.

Một tập đoàn từng hoạt động ở Nga cho hay họ sẽ “không tiến hành các cuộc thử nghiệm y khoa mới tại Nga” do cuộc chiến của Nga ở Ukraine và “tình trạng chết chóc mà Nga tạo ra”.

Song một số công ty khẳng định sẽ không hoàn toàn rút khỏi Nga. Điển hình, Pfizer nói vẫn duy trì cam kết “cung cấp các loại thuốc cần thiết cho những bệnh nhân đang tham gia vào quá trình thử nghiệm y khoa”.

Hay Eli cũng cho biết tiếp tục chuyển một số loại thuốc cho Nga, dù tập đoàn đã cho dừng “toàn bộ hoạt động đầu tư, quảng cáo và thử nghiệm mới”.

Trong khi đó, New Delhi đang chịu sức ép từ phương Tây về việc cắt đứt mối quan hệ thương mại với Moscow. Song thực tế, hồi đầu tuần này, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận nhập khẩu dầu thô của Nga với giá chiết khấu, bất chấp Mỹ và nhiều nước châu Âu đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt.

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc cũng được yêu cầu tránh xa Nga. Song Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích và cho rằng làn sóng áp đặt lệnh trừng phạt sẽ không có ý nghĩa và vi phạm luật pháp quốc tế.

Liên quan tới thỏa thuận mua bán dầu thô giữa Nga và Ấn Độ, Tập đoàn dầu khí Hindustan (HPCL) thuộc sở hữu của chính phủ Ấn Độ đã đặt mua 2 triệu thùng dầu của Nga giao trong tháng Năm. Đây là số dầu được nhà buôn Vitol châu Âu bán.

Cũng vào đầu tuần này, Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ (IOC) đã đặt mua 3 triệu thùng dầu thô Urals của Nga với mức chiết khấu từ 20 – 25 USD/thùng để giao hàng vào tháng Năm.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, một công ty khác của Ấn Độ là Mangalore Refinery and Petrochemicals Ltd (MRPL) cũng được cho đã mua 1 triệu thùng dầu thô của Nga với mức giá chiết khấu tương tự.

Trái lại, một số quốc gia đang tránh mua dầu của Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Trong khi đó, Nga đã cho giảm giá bán dầu.

Trong bài phát biểu hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga do cuộc chiến ở Ukraine.

Trước đó một ngày, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả “khủng khiếp” đối với thị trường toàn cầu. Bởi giá dầu có thể tăng lên đến 300 USD/thùng.

Bất chấp áp lực từ phía Washington, New Delhi đã từ chối yêu cầu dừng mua dầu của Nga. Cụ thể, trong tuyên bố hôm 18/3, Ấn Độ cho rằng sự phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu năng lượng của nước này không nên bị “chính trị hóa”, bởi ngay cả các nước độc lập về dầu mỏ hoặc vẫn nhập khẩu các sản phẩm của Nga cũng “không thể chắc chắn về chuyện hạn chế kinh doanh với Nga”.

Ấn Độ hiện là khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn thứ 3 trên thế giới khi nhập khẩu khoảng 80% dầu thô để sử dụng trong nước. Nhưng chỉ khoảng 3% tổng khối lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Nga.

Trong tuần này, OPEC dự đoán nhu cầu dầu của Ấn Độ có khả năng tăng hơn 8% vào năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế nước này tăng trưởng ổn định. Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất, OPEC cũng cho biết giá năng lượng tăng xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị gần đây có thể tạo thêm áp lực lên cán cân của Ấn Độ.

Do đó, Ấn Độ cho biết họ sẽ “rất vui” khi mua được dầu cũng như nhiều mặt hàng khác từ Nga với mức giá chiết khấu lớn, sử dụng đồng nội tệ của Ấn Độ và Nga để thực hiện giao dịch nhằm tránh phải sử dụng đồng USD, cũng như các lệnh trừng phạt liên quan, Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Ấn Độ.

Một quan chức ở Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng cho biết New Delhi “đang tận dụng mọi khả năng” để đảm bảo an ninh năng lượng.

Minh Tuấn

 

Bài mới
Đọc nhiều