Quét sạch tội phạm nước ngoài khỏi Việt Nam
Thời gian qua, An ninh Việt Nam đã bắt được nhiều đối tượng truy nã đỏ của Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) là tội phạm công nghệ cao, tội phạm ấu dâm, và thậm chí cả các phần tử khủng bố nguy hiểm. Đã đến lúc siết chặt công tác đăng ký tạm trú cho người nước ngoài, để gánh nặng trên vai ngành an ninh bớt nặng nề.
Ít ai biết rằng, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, một số đối tượng tội phạm nước ngoài mới bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt được và giao cho nhà chức trách của nước có tội phạm bị truy nã.
Nhiều tội phạm nước ngoài lợi dụng các chính sách khuyến khích đầu tư, đã đến Việt Nam với tư cách doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài…và được một số doanh nghiệp trong nước bảo lãnh, gây khó khăn cho việc xác định danh tính thật, nhận diện tội phạm của cơ quan an ninh.
Đặc điểm của các tội phạm nước ngoài khi đến Việt Nam là di chuyển rất nhiều, thay đổi địa bàn liên tục, hoặc dùng giấy tờ giả để giao dịch. Tuy vậy, do được nhìn dưới lăng kính khách du lịch hay nhà đầu tư, nên người dân và các cơ quan quản lý hành chính ở nhiều địa phương ít khi nghi vấn.
Một ví dụ điển hình là vụ việc công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ “Yêu râu xanh” Divers Kenneth sau 2 năm lẩn trốn ở Hội An. Được biết, Scotland và châu Âu đã phát lệnh truy nã người này từ năm 2016, sau cáo buộc tấn công tình dục các bé trai trong những năm 1960 – 1970.
Ngoài các đối tượng đến Việt Nam trốn nã, một số khác đến Việt Nam để mở rộng mạng lưới tội phạm, đặc biệt là cờ bạc, mại dâm, ma túy, buôn bán người… Mới nhất là vụ bắt giữ 3 người Hàn Quốc bị Interpol truy nã đỏ hồi đầu tháng 6. Nhóm người này được một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM bảo lãnh, hợp thức hóa hồ sơ xin cấp thị thực và thẻ tạm trú. Căn cứ vào hồ sơ của Interpol, đây là những trùm tội phạm công nghệ cao đã tạo lập và điều hành trang web đánh bạc, cá cược online, vận hành hệ thống trò chơi “Slot” trên Internet.
Nguy hiểm hơn, thời gian qua, thậm chí đã xuất hiện một số phần tử khủng bố vượt biên trái phép, và trà trộn với cư dân địa phương, gây ra nhiều vụ xâm hại an ninh quốc gia, như vụ tấn công Đắk Lắk vừa qua.
Nhìn nhận một cách nghiêm túc, công tác quản lý tạm trú đối với người nước ngoài nhiều năm nay tồn tại không ít lỗ hổng, đặc biệt trên các địa bàn phức tạp, đông dân cư, nhiều hoạt động kinh tế đa dạng như TP.HCM. Dù công an Thành phố đã triển khai việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua internet từ năm 2007, nhưng số lượng cơ sở lưu trú khai báo online vẫn chưa nhiều, và chưa chủ động.
Điều đó cho thấy ý thức của người kinh doanh lưu trú, và các dịch vụ liên quan còn chưa cao, cần được chấn chỉnh thông qua các hoạt động phổ biến quy định cùng chế tài cụ thể đối với việc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài.
Thay vì chịu phạt từ 20 – 40 triệu đồng, chủ cơ sở lưu trú chỉ cần hướng dẫn khách đăng ký tạm trú online trên điện thoại cá nhân theo đường link của cơ quan công an, để nhận được sự chấp thuận và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp trong vòng 7 ngày làm việc.
Đường link này, cùng với quy định phạt tiền hay trục xuất khi không đăng ký tạm trú nên được giới thiệu ngay tại những vị trí dễ nhìn thấy nhất ở: sân bay, nhà ga, bến tàu, khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch…để tạo thành thói quen có điều kiện cho du khách khi đặt chân đến Việt Nam.
Để một hành vi văn minh, có ý nghĩa về an ninh trở thành thói quen của người dân và du khách, cần kết hợp giữa tuyên truyền quy định pháp luật và sự kiên quyết trong công tác xử lý sai phạm.
Được vậy, thì những nguy cơ bất ổn từ các nhân tố bên ngoài sẽ được ngăn chặn, phát hiện từ sớm, và xã hội sẽ an toàn hơn.
Phạm Khoa