+
Aa
-
like
comment

Quảng Ninh: Dấu ấn 10 năm bứt phá, phát triển

21/01/2021 10:05

Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn thuộc tốp đầu về phát triển kinh tế – xã hội, nhờ khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế nổi trội bằng 3 đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và cải cách hành chính. Nhiều mô hình, bài học thành công của Quảng Ninh đã được nhân rộng ra toàn quốc. “Con tàu” Quảng Ninh vẫn đang tiến nhanh, mạnh mẽ về phía trước, vẫn bằng 3 đột phá chiến lược đó.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính (Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015) kiểm tra tiến độ xây dựng cầu Triều nối Quảng Ninh và Hải Dương tháng 10.2020.Ảnh: VOV

Sáng tạo và quyết đoán

5 năm gần đây, kinh tế Quảng Ninh luôn tăng trưởng bứt tốc mạnh mẽ, với mức tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng Quảng Ninh vẫn đạt tăng trưởng hơn 10% – thuộc nhóm cao nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700USD – gấp đôi mức trung bình cả nước.

Chia sẻ với bạn bè về thăm, làm việc, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, chỉ vài năm nữa thôi, Quảng Ninh sẽ phát triển hơn nữa, dù hiện nay, từ người dân đến du khách cũng đều ngỡ ngàng trước sự thay đổi mạnh mẽ của địa phương này.

Nhiều người dân Quảng Ninh đều khẳng định rằng, Quảng Ninh bắt đầu bứt phá và tăng tốc từ giai đoạn 2011-2015 – thời kỳ ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy, với cách làm sáng tạo, quyết liệt trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và cải cách hành chính.

Quảng Ninh hôm nay được kết nối nhanh và thông suốt với các địa phương trong cả nước và thế giới, bằng các tuyến cao tốc, cảng biển và sân bay quốc tế là một câu chuyện chắc chắn sẽ còn tiếp tục được nhắc tới về sau. Bởi, tất cả đều là những siêu dự án, nhưng Quảng Ninh chỉ phải bỏ ra số vốn nhỏ; phần còn lại đều là sự đóng góp, đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hình thức đầu tư B.O.T, có tổng mức đầu tư 7.462 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 500 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Cầu Bạch Đằng, thuộc cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, có tổng vốn đầu tư 7.600 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 488 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương, tổng vốn đầu tư trên 15.500 tỉ, đồng trong đó vốn nhà nước tham gia 3.100 tỉ đồng…

Theo ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – vào thời điểm hơn 10 năm trước, chưa có khung pháp lý cho các mô hình huy động tư nhân cùng nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. “Nếu không quyết liệt, mạnh dạn và cứ trông chờ vào nguồn ngân sách, chờ Trung ương thì Quảng Ninh không có hệ thống hạ tầng giao thông tốt như hôm nay” – ông Huy chia sẻ.

Các công trình giao thông động lực hoàn thành không chỉ góp phần kết nối nhanh, thuận tiện Quảng Ninh với các địa phương trong nước và thế giới, mà còn là những kinh nghiệm, bài học cho cả nước. Kết quả thí điểm của Quảng Ninh là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc Chính phủ ra Nghị định 15/2015/NĐ-CP, ngày 14.2.2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư.

“Cơ chế, chính sách dù có đầy đủ, nhưng nếu người đứng đầu mà không quyết liệt, lăn xả vào thực tiễn thì chưa chắc công việc đã chạy” – ông Trần Hồng Sơn, TP.Hạ Long nhận xét – “Bộ máy hành chính dưới thời Bí thư Phạm Minh Chính từ cấp xã cho tới tỉnh đều hoạt động hết công suất và đến nay vẫn vậy”.

Một góc TP. Hạ Long hôm nay (Ảnh: Đỗ Phương)

Định vị lại Quảng Ninh

Cùng với việc đột phá về hạ tầng giao thông động lực, từ năm 2011, Quảng Ninh đã mời các nhà làm quy hoạch hàng đầu thế giới về giúp tỉnh này xây dựng 7 quy hoạch chiến lược. Trong đó có: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực…

Đây được coi là chỉ dẫn quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phân bố không gian phát triển theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai điểm đột phá”, làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá.

Trong những cuộc trò chuyện với Lao Động, nhiều người dân Quảng Ninh cho rằng, ngành than vẫn sẽ còn có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội ở Quảng Ninh, nhưng Quảng Ninh còn có rất nhiều tiềm năng khác về du lịch, cảng biển, giao thương biên giới. Quảng Ninh đã chuyển hướng phát triển toàn diện, vượt bậc, bền vững.

Những năm gần đây, Quảng Ninh luôn dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Thành quả đó cũng bắt nguồn từ nhiệm kỳ 2011-2015 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, với mô hình Trung tâm hành chính công đầu tiên của cả nước. Từ 2 mô hình cấp huyện ban đầu, sau này lần lượt các Trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện khác và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại tại cấp xã ra đời, tạo sự đồng bộ, liên kết đến cấp xã gắn với việc xây dựng mô hình một cửa liên thông hiện đại. Nhờ đó, không chỉ tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp và người dân, mà còn hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu.

Quảng Ninh hôm nay vẫn tiếp tục những dự án hạ tầng giao thông lớn, nhằm kết nối thuận tiện hơn nữa các địa phương, các KCN, Khu kinh tế trong toàn tỉnh và với tỉnh, thành khác. Phương thức đầu tư vẫn được kế thừa từ thành công của giai đoạn 2010-2015, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”.

Các quy hoạch với tầm nhìn chiến lược được đặt ra từ trước đang dần hình thành, kỳ vọng không chỉ đưa Quảng Ninh cất cánh cao hơn nữa, mà còn là một cực tăng trưởng quan trọng của quốc gia.

Định vị chính xác, xây dựng chiến lược phù hợp

Trao đổi với Lao Động, bà Đỗ Thị Lan – Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội – chia sẻ: “Khi bắt tay vào thực hiện quy hoạch sau định vị, mới thấy được nhiều bất cập của cơ chế, chính sách. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc đề nghị Trung ương sửa đổi cơ chế, chính sách. Ví dụ như sửa đổi Nghị định 15, góp ý sửa đổi hàng loạt luật trong đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế để thu hút đầu tư, mở rộng các đối tượng dự án đầu tư theo hình thức công – tư, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương phê duyệt thẩm định các dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư… Những hiệu quả ấy cho thấy tầm nhìn, dám nghĩ dám làm để thu hút đầu tư và tạo nguồn lực. Không chỉ tạo động lực thúc đẩy kinh tế, hàng loạt các vấn đề xã hội khác cũng được giải quyết như công ăn việc làm, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… đều được đầu tư mạnh mẽ. Những thành tựu của Quảng Ninh hôm nay, quan trọng nhất, chính là nhờ định vị chính xác, sau đó xây dựng chiến lược phù hợp với tinh thần, xu hướng hội nhập. Tiếp đến, chính là công tác cải cách thể chế phù hợp”.

*Nhất thể hóa chức danh, hình mẫu tinh giản biên chế

Đến nay, Quảng Ninh đã giảm 5 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 195 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh và các địa phương.

Thực hiện nhất thể hóa chức danh ở cấp huyện: Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân tại 3/14 huyện; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân tại 3/14 huyện; trưởng ban (hoặc phó ban) tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 14/14 huyện. Ở cấp xã: bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân tại 111/186 xã; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân tại 24/186 xã…

*Cô Tô có điện lưới quốc gia

18h, ngày 16.10.2013 sẽ mãi là thời khắc lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Cô Tô, khi dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60km, qua các đảo đá và biển cả mênh mông, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu này của Tổ quốc.

(Theo LDO)

Bài mới
Đọc nhiều