Quang Hải được mệnh danh là một trong những “cầu thủ nóng bỏng nhất lục địa”
Sau Covid-19 và chiến tranh, xung đột về thương mại được xem là đám mây đen tiếp theo đe dọa kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, nguy cơ này đã được xóa bỏ khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đều mong muốn ổn định mối quan hệ song phương.
Động lực nào đã khiến quan hệ Mỹ – Trung được hâm nóng?
Kết thúc chuyến thăm tới Trung Quốc hôm 9/7 vừa qua, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định “Tổng thống Joe Biden và tôi không nhìn nhận quan hệ Mỹ – Trung trong khuôn khổ cạnh tranh quyền lực nước lớn. Thế giới đủ lớn cho Mỹ và Trung Quốc phát triển“.
Trong buổi phát biểu bà Yellen cũng nhấn mạnh: “Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chia tách sẽ khiến kinh tế toàn cầu bất ổn và việc này hầu như không thể xảy ra”, “Mỹ không tìm cách phân ly khỏi Trung Quốc, thay vào đó là đa dạng hóa các chuỗi cung ứng quan trọng hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia có mục tiêu“.
Quan hệ Mỹ-Trung trước đó đã ở mức rất thấp vì nhiều vấn đề về an ninh quốc gia như Đài Loan và lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ. Hai bên tìm cách ăn miếng trả miếng với nhau trong các vấn đề thương mại. Trong màn sương mù đó, nhiều bên đã tin rằng quan hệ Mỹ – Trung sẽ không thể vãn hồi, vì trong khi Hoa Kỳ muốn giữ vững vị thế thống trị toàn cầu, thì Trung Quốc lại liên tục thách thức vị thế này. Thế nhưng với những tuyên bố của bà Yellen tại Bắc Kinh hôm 9/7, đã cho thấy một tình hình rất khác.
Mỹ không thể tách khỏi Trung Quốc. Mỹ không muốn cùng Trung Quốc sa lầy vào một cuộc cạnh tranh quyền lực nước lớn. Như vậy, tuyên bố của bà Yellen đã phần nào cho thấy cả hai nền kinh tế đều phụ thuộc vào nhau và rất khó vì vấn đề an ninh để mà tách rời về thương mại. Thực tế, nước Mỹ có khả năng sẽ suy thoái trầm trọng nếu cố gắng tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc, câu chuyện tương tự cũng sẽ diễn ra với chiều hướng ngược lại. Cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều đang gặp phải những thách thức trong nước. Nếu Mỹ gặp vấn đề về lạm phát, thì Trung Quốc cũng đang rơi vào tình trạng giảm phát. Cả hai đều đứng trước mối lo suy thoái. Nếu tiếp tục đối đầu, vị thế cường quốc của cả hai sẽ không được suy giảm. Do đó lấy lại đà ổn định là rất quan trọng và chuyến thăm của bà Yellen đã phần nào đạt được điều đó. Thủ tướng Lý Cường cũng cho biết ông tin rằng chuyến công du của bà Yellen giúp quan hệ Mỹ – Trung “thấy cầu vồng sau cơn mưa”.
Hiểu một cách khác, vấn đề an ninh quốc gia chưa lớn đến nỗi để khiến hai quốc gia này phải hy sinh kinh tế và trở nên thù địch với nhau, tranh giành nhau vị thế thống trị toàn cầu.
Trong ngắn hạn, quan hệ Mỹ – Trung được cải thiện sẽ mang lại động lực phục hồi cho nền kinh tế thế giới. Lấy ví dụ điển hình như Việt Nam, nếu các doanh nghiệp Mỹ duy trì được thị trường tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Câu chuyện tương tự cũng sẽ diễn ra với các quốc gia có quan hệ kinh tế với Mỹ – Trung.
Tuy nhiên về dài hạn, vấn đề an ninh, vị thế quốc tế vẫn sẽ là ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Cả hai hợp tác với nhau để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhưng sẽ không một ai trong cả hai muốn đối phương vượt mặt mình. Do đó nguồn vốn đầu tư lẫn chuỗi cung ứng vì vậy vẫn sẽ đổ sang những quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Những lợi ích cho Việt Nam có được xung đột thương mại Mỹ – Trung năm 2018 vẫn sẽ còn kéo dài trong tương lai. Do Việt Nam luôn duy trì được mối quan hệ cấp cao với cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen (trái) gặp Thủ tướng Lý Cường ngày 7/7.
Bài học cho kiểu suy nghĩ “dựa Mỹ chống Trung Quốc”
Thật khó tưởng tượng được hậu quả ra sau nếu những năm trước đây Việt Nam không xử lý khéo léo trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Bởi, chuyến thăm đến Bắc Kinh đã một lần nữa cho thấy nước Mỹ coi trọng vị thế của Trung Quốc đến mức nào. Washington đã là bên chủ động tìm cách đưa quan hệ với Trung Quốc trở lại quỹ đạo sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng chứ không phải ngược lại.
Như lời khẳng định rằng thế giới đủ lớn để cả Mỹ và Trung Quốc phát triển. Đồng nghĩa sẽ chẳng có một cuộc đối đầu nào ở đây. Nước Mỹ đã ưu tiên vấn đề kinh tế trong nước họ thay vì lợi ích của các quốc gia tại biển đông. Thậm chí họ còn đã gác lại nỗi lo đến vị thế toàn cầu của nước Mỹ để tìm kiếm sự ổn định với Trung Quốc. Với người Mỹ giờ đây, Trung Quốc là đối tác và cùng lắm là đối thủ cạnh tranh, hoàn toàn không phải là kẻ thù ý thức hệ theo kiểu người sống kẻ chết.
Sự kiện vừa qua là cú tát tỉnh mộng cho những ai kêu gọi Việt Nam theo Mỹ để chống Trung Quốc. Vì thực tế nước Mỹ cũng không hề chống Trung Quốc, và do đó họ cũng không có nghĩa vụ phải bảo vệ bất kỳ quốc gia nào có ý định cực đoan chống lại Trung Quốc.
Huy Hoàng