Quảng Bình: Lũ chưa có dấu hiệu rút
Người dân sống trong vùng lũ đang gặp rất nhiều khó khăn, hàng hóa cứu trợ được gấp rút chuyển đến Quảng Bình.
Mưa lũ ở tỉnh Quảng Bình mấy ngày qua đã làm sáu người chết, chín người bị thương. Nhiều nơi giao thông bị chia cắt, nhiều trạm y tế, bệnh viện (BV) bị ngập sâu trong nước. Việc cứu chữa cho các bệnh nhân ở các BV gặp nhiều khó khăn.
Bệnh viện bị cô lập
Trưa 20-10, ông Trần Văn Thanh (ngụ thôn Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) mới được đưa đến BV để điều trị. Trước đó, khi lũ dâng cao, ông Thanh tranh thủ cứu lúa nhà mình tránh ngập đã bị trượt chân ngã. Tuy nhiên, khu vực ông Thanh ở là nơi lũ cao, những ngày qua gió lớn nên thuyền nhỏ không thể tiếp cận để đưa ông đi BV. Ông Thanh đành cố gắng chịu đau chờ cứu hộ.
Trưa cùng ngày, công an nhận tin một cụ bà 73 tuổi lên cơn đau tim nên ngay lập tức dùng canô nhanh chóng đưa cụ đến BV. Rất may bà đã qua cơn nguy hiểm.
Cũng trong ngày 20-10, thai phụ Hoàng Thị Ái (33 tuổi, ngụ xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) chuyển dạ, chuẩn bị sinh con thứ ba. Khu vực chị Ái đang ở bị ngập sâu, cần phải di chuyển bằng thuyền nhưng chồng chị bị thoái hóa khớp, không tự đi được nên phải gọi trợ giúp. Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đang túc trực tại huyện Lệ Thủy phối hợp cùng Công an huyện Lệ Thủy đưa canô nhanh chóng đến nhà chị Ái và đưa về BV an toàn sau đó. Công an cũng đưa chồng thai phụ này đến BV điều trị thoái hóa khớp.
Trên đây chỉ là một số trường hợp người dân bị bệnh ở Quảng Bình mà PV ghi nhận được trong tình hình lũ hiện nay, vẫn còn nhiều người bị thương nhưng phải vất vả lắm mới đến được BV để chữa trị.
Tuy nhiên, tình hình trở nên khó khăn hơn khi BV huyện Lệ Thủy cũng đang ngập sâu trong nước. Tại chân cầu thang tầng trệt, bệnh nhân, người nhà đứng mong chờ hàng cứu trợ như thức ăn, nước uống… Còn bệnh nhân được chuyển lên các tầng trên để điều trị.
Theo BS Thái Văn Công, Giám đốc BV đa khoa huyện Lệ Thủy, tại BV có 200 bệnh nhân đang điều trị, 30 người dân đến tránh lũ cùng nhiều người thân của bệnh nhân. Ngoài ra, có 50 y, bác sĩ tham gia túc trực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
BS Công cho hay BV đang mất điện và bị cô lập hoàn toàn, nước sinh hoạt cũng phải sử dụng chắt chiu. Việc ăn uống của tất cả y, bác sĩ, người dân đều trông chờ vào cứu trợ từ bên ngoài. “Khi nào có ca mổ chúng tôi mới chạy máy phát điện để thực hiện. Ba ngày qua BV đã chạy máy thực hiện thành công ba ca mổ” – BS Công thông tin.
Dân tiếp tục chống chọi
Ngày 20-10, tại Quảng Bình có mưa đặc biệt to với lượng phổ biến 150-300 mm, có nơi lên đến 601 mm. Mưa lũ đã làm hơn 100.000 căn nhà của tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt. Một số vùng nước chảy xiết, sóng lớn khiến công tác tiếp cận cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Dự báo trong ngày 21-10, mưa tiếp tục ở mức cao nên lũ chưa thể rút, người dân tiếp tục phải chống chọi với lũ.
Quảng Bình đã thiết lập mạng lưới phân phối lương thực, thực phẩm đến vùng ngập lụt, trong đó ưu tiên những thực phẩm đơn giản, dễ vận chuyển như lương khô, mì gói, nước mắm… Tuy nhiên, lũ lụt kéo dài khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Ở những vùng bị chia cắt, do ngập sâu đã xuất hiện tình trạng người dân hết lương thực dự trữ.
Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh vừa cứu trợ cho người dân ở vùng lũ các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Đồng thời huy động lực lượng, phương tiện tàu, canô của các lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng để ứng cứu các địa phương. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương quán triệt thực hiện có hiệu quả “bốn tại chỗ” để cứu dân, giảm thiệt hại do lũ gây ra.
Chiều 20-10, lũ tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh lại lên ngang đỉnh hôm trước. Công tác cứu hộ, cứu trợ tại các địa phương này đang được thực hiện rất khẩn trương và gấp rút.
133 người chết và mất tích do mưa lũ, tính đến 15 giờ chiều 20-10. Hiện còn 16 tuyến quốc lộ (hơn 160 km quốc lộ, hơn 160 km đường giao thông địa phương) bị ngập, sạt lở, hư hỏng. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây, tỉnh Quảng Bình còn bảy vị trí ngập, sạt lở và nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, bị chia cắt…
Có hơn 370 ha lúa, gần 7.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại; gần 700.000 gia súc, gia cầm bị chết, nước cuốn trôi.
HẢI HIẾU – BÙI TOÀN/PL