Quán vỉa hè có thể trở thành những ổ dịch không thể kiểm soát
Chưa có nơi nào trên thế giới như Việt Nam, khi đi bất kì đâu, đến bất kì địa phương nào chúng ta đều có thể bắt gặp những những quán nước ven đường (quán vỉa hè) mọc lên như nấm.
Quán ven đường rất đơn giản từ cách bày bố cho đến các mặt hàng bày bán. Vì thế bất kì địa điểm nào ven đường quốc lộ, các góc phố, ngõ ngách đều có thể biến thành địa điểm để người dân mở quán. Chính vì nó đơn giản, dễ bày biện mà mạng lưới các quán bán nước mọc lên ở khắp mọi nơi.
Cũng vì lý do này mà đây là chỗ nghỉ ngơi lý tưởng cho hành khách qua đường dừng chân những lúc mệt mỏi. Vài chén trà đá, dăm điếu thuốc lá, thuốc lào, mấy gói bánh kẹo và dăm ba câu chuyện qua lại giữa chủ và khách cũng làm tiêu tan những phút giây mệt mỏi. Những quán nước bên đường thường rất đơn giản, chỉ cần một cái bàn, mấy cái ghế và những thứ cần thiết bày bán để trên bàn.
Vì quán tạm bợ nên công tác vệ sinh của quán vì thế cũng không được bảo đảm. Ở những chỗ có điều kiện, người chủ quán có lương tâm thì sau mỗi lượt khách ấm chén còn được rửa qua loa bằng nước để trong xô với lượng nước ít ỏi. Ở những nơi xa khu dân cư, nước nôi khó khăn thì phần lớn ấm chén không được vệ sinh khi khách đi khỏi. Chủ quan chỉ việc đổ đi những chén nước thừa úp ngay lên khay đựng là xong khỏi rửa. Người sau đến bà chủ lại lấy ra những chén đó ra rót nước bán cho khách. Cứ như thế một ngày trôi qua không biết bao nhiêu người qua lại uống chung một cái chén, hay một cái chén được dùng cho rất nhiều người mà không hề biết. Chưa hết, mỗi quán còn có thêm cái điếu cày để phục vụ nhu khách có nhu cầu hút thuốc lào. Điếu dùng để hút thuốc lào thì ai cũng biết rất ít khi được rửa, miệng điếu là nơi mà ai có nhu cầu cũng phải ngậm miệng vào để châm lửa hút. Nhiều người hút xong còn bị khói thuốc làm cho ho sặc sụa. Dân lái xe, bác thợ hồ, kể cả một số công chức, thuốc lào là thứ không thể thiếu trong cuộc sống mỗi khi họ lên cơn nghiện. Những người nghiện thuốc lá thì mỗi người đều có thuốc riêng, nếu quên thì ghé quán luôn sẵn sàng phục vụ. Nhưng thuốc lào khi có công việc đi đường chẳng ai mang theo điếu cày, lí do vì nó hơi cồng kềnh với lại khi lên cơn nghiện lên chỉ cần ghé quán nước bên đường độ vài phút hút nhờ cái điếu cày là cơn nghiện sẽ được giải quyết ngay.
Trong điều kiện bình thường, quán nước vỉa hè, ven đường đã là nơi không được vệ sinh. Những người qua đường thì đủ thành phần, người khỏe có, người ốm có vì vậy nếu dùng chung các ấm chén, đặc biệt là điếu cày sẽ là nơi có khả năng lây bệnh rất cao. Trong điều kiện dịch Covid vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, khi thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội thì việc đầu tiên người ta cấm là quán trà đá vỉa hè sau đó mới đến các dịch vụ khác. Thực tế trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua, đã có những trường hợp có người dương tính với Covid-19 đã cùng nhiều người khác dùng chung một cái điếu cày. Điều này quả thực quá nguy hiểm khi những người mắc bệnh vẫn vô tư không biết mình đang nhiễm Covid-19.
Hiện nay trong điều kiện dịch Covid vẫn đang hoành hành và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ những quán nước vỉa hè. Đừng vì quy mô nhỏ, ở những vị trí thông thoáng về mặt giãn cách mà sinh ra chủ quan. Bởi những vật dụng như điếu cày, chén uống nước tuy là những vật dụng thông thường đơn giản nhưng nếu mất vệ sinh, đặc biệt là điếu cày dùng chung sẽ rất dễ trở thành công cụ truyền bệnh.
Một điều đáng chú ý nữa là những người mở bán quán nước vỉa hè đa số là những người có hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ ngày nào là sẽ không có thu nhập ngày đó. Vì vậy chính quyền các các cấp phải có chính sách tuyên truyền vận động hỗ trợ họ, để họ hiểu và hợp tác với chính quyền trong việc phòng chống dịch trong cộng đồng. Đừng vì lợi ích nhỏ mà để những quán nước vỉa hè biến thành những ổ dịch, mà khi đã thành ổ dịch thì cả xã hội sẽ phải trả giá đắt, thậm chí là rất đắt.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả