+
Aa
-
like
comment

Quân tinh nhuệ Ấn Độ được huấn luyện “ghê gớm” ra sao?

28/06/2020 12:24

Chiến tranh ở vùng cao nguyên như biên giới Trung – Ấn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và địa hình. Tuy nhiên, trong bất cứ trận chiến nào, con người luôn là yếu tố quyết định làm nên chiến thắng, theo Indian Express.

Huấn luyện khắc nghiệt giúp binh sĩ Ấn Độ tác chiến tốt ở vùng cao (ảnh: India Today)

Theo binh pháp chiến tranh vùng cao của Ấn Độ, huấn luyện thích nghi cho binh sĩ và hậu cần luôn được đặt lên hàng đầu. Sự khắc nghiệt của địa hình, khí hậu khu vực biên giới đòi hỏi binh sĩ phải được trang bị tốt và có sức chống chịu cao.

Tương tự như các nước châu Âu có lữ đoàn chuyên tác chiến ở vùng núi, Ấn Độ cũng đào tạo lực lượng tinh nhuệ chuyên đánh ở vùng cao.

“Bài học nhập môn của binh sĩ Ấn Độ thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới là phải biết leo núi. Binh sĩ Ấn Độ sẽ được dạy các kỹ thuật leo núi nhà nghề. Việc huấn luyện leo núi cho binh sĩ kéo dài 1 tháng và do các giảng viên giỏi nhất chỉ dạy”, Sonam Wangchuk – đại tá quân đội Ấn Độ – cho biết.

Theo Indian Express, Ấn Độ được coi là “cái nôi” đào tạo kỹ năng tác chiến vùng cao cho binh sĩ. Khu vực Ladakh đang tranh chấp với Trung Quốc được xem là địa điểm lý tưởng để binh sĩ Ấn Độ được huấn luyện kỹ năng.

“Người lính hoạt động ở vùng cao cần biết cách nắm được tư duy đối phương. Nhìn nhận toàn diện khu vực và chọn cho mình một con đường dễ tiếp cận mục tiêu nhất. Ở địa hình có những vách đá dựng đứng, vị trí càng khó tiếp cận thì quân địch càng dễ mất cảnh giác. Các binh sĩ cần phải triệt để tận dụng sơ hở đó”, ông Sonam nói.

Theo đại tá Sonam, một trong những điểm khó khăn nhất đối với binh sĩ hoạt động ở biên giới là tấn công vào vị trí cao, nơi quân địch đã lập chốt phòng phủ.

“Một khi địch đã chiếm được cao điểm, sẽ rất khó để đánh bật họ ra khỏi vị trí đó. Ở khu vực như thung lũng Galwan, cây cỏ không mọc được, rất khó để ngụy trang. Điều này dễ khiến binh sĩ ở khu vực thấp hơn trở thành mục tiêu của địch.

Thông thường khi đánh trận ở vùng núi, một người chiếm được cao điểm có thể đối phó với 6 người. Tuy nhiên, ở thung lũng Galwan, tỷ lệ này có thể là 1 chọi được với 10. Vì thế, việc huấn luyện cho binh sĩ Ấn Độ thể lực, cách di chuyển nhanh, lựa chọn chính xác vị trí cần chiếm giữ là rất quan trọng”, đại tá Sonam phân tích.

Đại tá Sonam cho biết, binh pháp đánh trận vùng cao của Ấn Độ luôn đòi hỏi binh sĩ phải di chuyển nhanh, tiêu tốn nhiều thể lực. Người lính cần chiến đấu và chế ngự kẻ địch trong đêm, trước khi mặt trời kịp chiếu tia sáng đầu tiên.

“Trong tình huống binh sĩ không đủ khả năng chiếm được vị trí thuận lợi trước bình minh, họ sẽ trở thành bia tập bắn cho quân địch”, ông Sonam nhận định.

Theo ông Sonam, binh sĩ Ấn Độ ở biên giới leo núi rất giỏi nhưng vẫn luôn phải rèn thể lực, khả năng thông thuộc địa hình và thích nghi với thời tiết.

Binh sĩ Ấn Độ được huấn luyện để làm quen với việc hoạt động nhiều trong môi trường oxy loãng. Di chuyển trên núi vô cùng chậm chạp và việc điều động mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, những vị trí chiến thuật luôn phải được người chỉ huy xác định từ trước và tính toán thời gian hành quân.

Binh sĩ Ấn Độ luyện tập lội nước (ảnh: Indian Express)

Thông thường, một binh sĩ chuyên nghiệp có thể vác đồ dùng cần thiết (khoảng 30-35 kg gồm cả vũ khí, đạn dược, thiết bị liên lạc,…) để sử dụng trong khoảng 48-72 tiếng. Tuy nhiên ở địa hình cao, hiểm trở, mang vác nặng thực sự rất vất vả.

Một thách thức khác đối với binh sĩ Ấn Độ là tình trạng vũ khí bị kẹt khi sử dụng ở vùng núi cao lạnh giá. Binh sĩ phải lau chùi và bôi dầu cho vũ khí ít nhất một tuần một lần. Phương tiện di chuyển cũng rất khó vận hành nếu động cơ bị kẹt.

Nhằm khắc phục tình trạng phương tiện di chuyển bị kẹt, quân đội Ấn Độ sử dụng cả những con la để vận tải.

Để các máy liên lạc hoạt động, binh sĩ Ấn Độ phải mang theo rất nhiều pin vì ở vùng cao dùng pin hao rất nhanh. Ví dụ pin chạy máy liên lạc ở điều kiện bình thường dùng được 24 tiếng thì ở vùng cao chỉ dùng được 1 – 2 tiếng.

Vương Nam/DV

Bài mới
Đọc nhiều