Quan tham lớn nhất Trung Quốc lẩn trốn 17 năm ở Mỹ
Gần đây, các công tố viên Trung Quốc đã buộc tội một cựu giám đốc của một ngân hàng quốc doanh với số tiền tham ô lên tới 6,7 tỷ NDT, trở thành vụ tham nhũng lớn nhất Trung Quốc.
Hôm 25/2, tòa án thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án tham ô, chiếm đoạt công quỹ của Hứa Siêu Phàm, nguyên Giám đốc Chi nhánh Khai Bình của Ngân hàng Trung Quốc.
Các công tố viên đã cáo buộc Hứa Siêu Phàm từ năm 1993 đã biển thủ 622 triệu USD và 129 triệu đô la Hồng Kông (HKD) bằng cách sử dụng các khoản vay giả để lấy tiền ngân hàng, chiếm dụng các khoản thanh toán khoản vay thông thường của công ty hoặc chuyển khoản trực tiếp… ; đồng thời chiếm đoạt 356 triệu NDT, 20 triệu HKD và 124 triệu USD công quỹ.
Tờ Daily Economic News của Trung Quốc cho biết số tiền liên quan trong vụ án tham nhũng này lên tới 6,7 tỷ NDT tính theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm xảy ra vụ việc.
Trong quá trình xét xử, Hứa Siêu Phàm đã được phép phát biểu lần cuối, ông ta thừa nhận tội lỗi và bày tỏ hối hận. Phiên tòa sơ thẩm kết thúc, nhưng mức án chưa được tuyên.
Hứa Siêu Phàm sinh năm 1965 trong một gia đình bình thường, làm nhân viên cho vay ở ngân hàng từ khi 17 tuổi. Đến những năm 1990, khi 30 tuổi đã trở thành Giám đốc chi nhánh Khai Bình của Ngân hàng Trung Quốc tại tỉnh Quảng Đông.
Bắt đầu từ năm 1993, Hứa Siêu Phàm đã lợi dụng chức vụ của mình để thực hiện các giao dịch ngoại hối dưới chiêu bài giúp khách hàng mua, bán ngoại hối để tham nhũng. Cùng với phó giám đốc Dư Chấn Đông và giám đốc công ty con Hứa Quốc Tuấn, Phàm đã liên tiếp chuyển một lượng lớn tiền từ các tài khoản ngân hàng cho Tanjiang Industrial Co., Ltd. – công ty riêng của ba người ở Hồng Kông. Cả ba đã thông đồng với nhau chuyển 485 triệu USD tiền vốn ra nước ngoài trong 10 năm.
Hứa Siêu Phàm rất hào phóng trong việc phung phí tiền công. Theo báo cáo, Phàm nghiện cờ bạc và đã thua hơn 60 triệu NDT chỉ trong bốn giờ đánh bạc ở Ma Cao. Lái xe riêng kết hôn, Phàm bận không dự được đã gửi mừng 660.000 NDT.
Năm 2001, Phàm bỏ trốn sang Mỹ và bị Interpol truy nã đỏ. Năm 2003 bị bắt, năm 2009 bị tòa án Mỹ kết án 25 năm tù. Ngày 11/7/2018, được dẫn độ về Trung Quốc sau 17 năm lẩn trốn.
Vào tháng 10/2001, khi Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Quảng Đông tiến hành kiểm tra mạng lưới kinh doanh điện tử, phát hiện ra rằng chi nhánh Khai Bình có một khoản chi 480 triệu USD không rõ ràng, yêu cầu giám đốc Hứa Quốc Tuấn giải trình thì phát hiện Tuấn và hai người tiền nhiệm Hứa Siêu Phàm và Dư Chấn Đông đều đã biến mất. Hóa ra Phàm và đồng bọn đã tự sắp xếp “đường lui” cho mình và gia đình.
Ngay từ năm 1994, vợ của ba quan tham nay đã chọn cách ly hôn giả, sau đó kết hôn với công dân Mỹ để nhận được thẻ xanh. Sau đó, các mụ vợ của ba người đã giúp chồng lấy được thẻ xanh thông qua việc tái hôn. Năm 1997, Phàm, Đông và Tuấn đến Hồng Kông bằng căn cước giả và lấy được hộ chiếu Hồng Kông giả.
Trong hai năm kể từ tháng 3/1998, Phàm và những người khác đã 16 lần chuyển khoản tiền bằng cách sử dụng các khoản vay giả mạo cho Tanjiang Industrial, sau đó chuyển đến các tài khoản tư nhân mở ở Hồng Kông hoặc nước ngoài, với tổng số tiền là 75 triệu USD.
Năm 2001, khi biết Ngân hàng Trung Quốc đã phát hiện ra một khoản thiếu hụt lớn và mở cuộc điều tra, Phàm ngay lập tức thông báo cho Tuấn và Đông, cả ba đã bỏ trốn đến Hồng Kông, sau đó bay đến Canada.
Tại Canada, Phàm trốn trong một ngôi nhà do một người bạn thuê cho ông ta, sống với mẹ, vợ và ba đứa con. Ông ta không ngờ tháng 11/2001, Bộ Tư pháp Trung Quốc yêu cầu Mỹ và Canada hỗ trợ tư pháp và thông qua hợp tác với các cơ quan hành pháp Mỹ, Canada và Hồng Kông, ngay lập tức đóng băng tất cả các tài khoản ngân hàng của cả ba người.
Tài khoản bị đóng băng, vì không có nhiều tiền mặt nên bọn Phàm ở Canada rơi vào tình trạng hoảng loạn, 6 tháng sau, cả ba bỏ trốn đến Los Angeles, trong túi chỉ còn 10.000 đến 20.000 USD, nên không dám ở Los Angeles lâu. Tháng 11/2001, Trung Quốc phối hợp Mỹ thu thập bằng chứng ở Trung Quốc. Sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ phát lệnh truy nã trên toàn quốc, ba người phai bỏ trốn theo các ngả khác nhau.
Vào tháng 12/2002, Văn phòng Biện lý Bang Nevada của Mỹ đã ban hành lệnh bắt giữ ba người. Tháng 10/2004, Hứa Siêu Phàm và vợ bị bắt tại một thị trấn nhỏ ở Oklahoma. Ngày 6/5/2009, Tòa án Liên bang ở Las Vegas đã kết án Hứa Siêu Phàm 25 năm tù về tội rửa tiền, chuyển tiền xuyên quốc gia, gian lận hộ chiếu và thị thực, đồng thời yêu cầu bị cáo trả lại 4,82 tỷ USD tang vật vụ án. Vợ của Phàm là Quảng Uyển Phương cũng bị kết án 8 năm tù.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc bắt Hứa Siêu Phàm để xét xử theo luật pháp trong nước. Tháng 6/2014, Văn phòng Truy bắt tội phạm bỏ trốn trung ương được thành lập, gồm 8 đơn vị thành viên. Vụ việc của Phàm được đưa vào chương trình trao đổi với Mỹ.
Tháng 9/2015, vợ của Phàm, Quảng Uyển Phương, đã bị Mỹ cưỡng chế hồi hương sau khi chấp hành xong bản án tại Mỹ. Điều này giáng một đòn nặng nề đối với Hứa Siêu Phàm vốn hy vọng sẽ được ở lại Mỹ sau khi thụ án.
Tháng 11/2015, Phàm đã đề nghị bằng văn bản ông ta sẵn sàng trở lại Trung Quốc để chịu xét xử. Năm 2016, Phàm bày tỏ với luật sư muốn gặp lại nhóm công tác Trung Quốc và có ý định chấp nhận hồi hương. Sau cuộc nói chuyện này, Phàm đồng ý trở về Trung Quốc để hầu tòa. Tòa án Mỹ đã thay đổi bản án đồng ý ban hành lệnh trục xuất.
Ngày 11/7/2018, sau khi chạy trốn đến Mỹ 17 năm, Hứa Siêu Phàm đã bị cưỡng chế về nước. Điều đáng chú ý là trong một cuộc phỏng vấn với CCTV vào năm 2019, khi được hỏi sẽ làm gì nếu được tự do vào một ngày nào đó, Hứa Siêu Phàm nói: “Trả nợ, tôi đã gây ra thiệt hại lớn cho xã hội, các đồng nghiệp cũ và gia đình. Tôi phải trả khoản nợ này”. Liệu Hứa Siêu Phàm có cơ hội để trả món nợ đó không, hãy chờ xem!
(Theo Daily Economic News)