Quản lý một miếng thịt
Tôi mới hay, hai liều thuốc giải độc cuối cùng do WHO tài trợ đã phải chia ra để cấp cứu ba nạn nhân ngộ độc patê chay, nay không còn gì để cứu nữa.
Tôi mới tình cờ gặp một chuyên gia của Bộ Y tế và được nghe nhiều chuyện lạ.
Riêng chuyện ngộ độc patê chay, rất đáng lo. Hơn 30 năm qua, Việt Nam không ghi nhận ca ngộ độc Botulinum nào nên không dự trữ thuốc giải độc. WHO đã cứu trợ khẩn cấp 10 liều với giá 8.000 USD mỗi lọ. Đây là độc tố mạnh nhất, phải điều trị khó khăn nhiều tháng và rất tốn kém mới cứu được nạn nhân.
Vấn đề là với cách chế biến thực phẩm hiện nay, mối nguy do vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum chết người này gây ra rất có thể còn kéo dài. Không ít người đang dùng lọ nhựa bịt kín để chế biến và bảo quản thực phẩm, tạo môi trường cho vi khuẩn này phát triển.
Nhưng qua vị chuyên gia, tôi còn biết chuyện rất lạ về giám sát an toàn thực phẩm – vấn đề đại sự ở nước ta. Rằng patê chay nhiễm độc hay một miếng thịt, mớ rau ngậm hóa chất bán ngoài chợ đang do ba bộ khác nhau quản lý.
Bộ Y tế chỉ quản lý rất ít những đơn vị sản xuất thực phẩm không liên quan trực tiếp đến nuôi trồng. Còn các thực phẩm từ sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Và các thực phẩm sau khi đã chế biến, lưu thông trên thị trường lại do Bộ Công thương quản lý. Nhưng nếu ai bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật và gặp vấn đề với thực phẩm sẽ do các bác sĩ của Bộ Y tế lo chuyện cứu chữa.
Con lợn từ khi được sinh ra, nuôi trong chuồng cho tới khi bị mổ, sơ chế và bán ở chợ do bộ Nông nghiệp quản lý. Nhưng nếu được chế biến thành thịt hộp xuất khẩu, hay kể cả thịt hộp được nhập vào Việt Nam, bộ Công thương sẽ quản lý. Sau khi bạn mua thịt về, nấu lên, từ lúc bạn ăn vào bụng, Bộ Y tế sẽ “quản lý”, cứu chữa nếu bạn bị ngộ độc thực phẩm.
Kể cả với thức uống. Rượu chứa nồng độ methanol quá cao gây chết người lưu hành trên thị trường do Bộ Công thương quản lý. Nhưng rượu sau khi đã nằm trong dạ dày người uống là do bộ Y tế “chuyên trách”.
Trong các quy định trên, tôi tự hỏi, tại sao chuyện tày đình như việc nhập số lượng lớn thuốc trừ sâu, hóa chất và liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư rất cao ở Việt Nam lại không liên quan đến ngành Y tế – ngành chuyên lo bảo vệ sức khỏe nhân dân – mà được giao Bộ Nông nghiệp quản lý?
Thật kinh khủng với con số mỗi năm Việt Nam sử dụng tới khoảng 70.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Gần đây, 85% đến 90% doanh nghiệp nhập nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất của thế giới, chiếm tới 40% tổng sản lượng toàn cầu.
Nhưng vị chuyên gia vẫn tiếp tục làm tôi ngỡ ngàng. “Chuyện có tới ba bộ quản lý an toàn thực phẩm thật quá vô lý, sao không sửa đổi lại?”, tôi hỏi. Anh cười và nói: “chính giáo sư hồi đó bỏ phiếu thông qua luật này ở Quốc hội đấy”.
Tôi giật mình. Hóa ra mình cũng góp phần chịu trách nhiệm về chuyện vô lý này.
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 hiệu lực từ 1/7/2011. Trong đó, điều 55 ghi rõ: Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Công thương quy định cụ thể việc thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Theo điều 63, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và rau, củ, quả, trứng, sữa, mật ong, thực phẩm biến đổi gene, muối và các nông sản khác.
Điều 64 ghi, ngành Công thương có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm tinh bột và các thực phẩm khác.
Nghe có vẻ hợp lý. Nhưng thực tế lại chưa. Ở các xã, phường, chỉ ngành Y tế có người chuyên trách việc vệ sinh an toàn thực phẩm, còn hai ngành Nông nghiệp và Công thương không có ai lo chuyện này.
Patê chay chế biến từ sản phẩm nông nghiệp và lưu hành tại các cơ sở thương mại, nhưng ngành Nông nghiệp và Công thương không can thiệp được trực tiếp vào quy trình nhiễm độc nghiêm trọng này. Đơn giản là vì hai ngành này không có người có thể theo dõi, giám sát, phân tích để tìm ra vi khuẩn và độc tố, nhờ thế mới biết thực phẩm có độc mà can gián kịp thời. Cũng vì khúc mắc ở đây mà chúng ta liên tục có thêm nạn nhân bị ngộ độc.
Chuyện an toàn thực phẩm lẽ ra trách nhiệm chính thuộc chuyên môn của ngành Y tế, nhưng với Luật An toàn thực phẩm, hóa ra ngành Y tế lại ít việc nhất. Trong khi đó, hai ngành Nông nghiệp và Công thương lại có trách nhiệm quá nặng và không có nhân lực, chuyên môn sâu và điều kiện thực hiện chức trách của mình.
Luật chưa thích hợp cần được bổ sung, sửa đổi càng sớm càng tốt để tương thích với cuộc sống. Đây còn là việc liên quan tới sức khỏe và tính mạng toàn dân.
Miếng ăn, thức uống vào người là chuyện không thể coi thường. Sức khỏe nhân dân là điều hệ trọng nhất.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng