Quản lý livestreams: Tự do trong khuôn khổ
Có lẽ cho đến thời điểm này cái tên Nguyễn Phương Hằng, bà chủ KDL Đại Nam với những màn livestreams chấn động vẫn khiến rất nhiều người không thể quên. Yêu ghét là cảm xúc mỗi cá nhân nhưng không thể phủ nhận sự thật rằng, bà Nguyễn Phương Hằng là một điển hình của thực trạng nhiều buổi livestream trên mạng xã hội với nội dung mang tích chất làm nhục, xúc phạm, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều tổ chức, cá nhân.
Livestream đã trở thành công cụ quen thuộc, không thể phủ nhận những tiện ích của nó. Song việc lạm dụng tính năng livestream vào những mục đích không lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Người trẻ đang bị cuốn theo thế giới ảo mà không lường trước được những hậu quả có thể xảy đến.
Trong suốt thời gian qua, việc livestream nói xấu, “bóc phốt” đã trở thành tiêu điểm, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường mạng xã hội. Việc livestream sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội, tạo ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, nhất là khi đó là phát ngôn của người được dư luận quan tâm. Hành vi này góp phần cổ xuý cho hiện tượng nói tục, chửi bậy, thoá mạ lẫn nhau trên không gian mạng ngày càng phổ biến, đặc biệt là hiện tượng thách đố nhau tìm ra thông tin, tìm cách xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để đánh cắp dữ liệu dần, xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân của người khác; xu hướng dùng mạng xã hội để xúi giục, kích động, tẩy chay và trả đũa nhau, xâm phạm cuộc sống đời tư người khác để chửi rủa mà bất chấp đúng sai.
Có thể nói, chưa bao giờ việc “khoe thân” của các bạn trẻ trên các trang mạng xã hội lại nhiều và dễ dàng như hiện nay. Chỉ cần một nút bấm là hình ảnh của người dùng được phát sóng trực tiếp đến hàng triệu người xem xa lạ qua màn hình điện thoại thông qua một ứng dụng trên Bigo hay Facebook. Nhiều nội dung phản cảm, dung tục tràn lan trên các mạng xã hội này.
Những điều này làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tạo ra tâm lý, suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ, vốn là những đối tượng dễ bị tác động bởi thông tin trên mạng xã hội.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc livestream trên mạng xã hội dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực như: bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo. Tháng 6 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thực hiện cuộc “tổng tấn công” quy mô lớn vào 8 kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên, thu giữ 40 tấn hàng với hàng trăm ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được kinh doanh chủ yếu thông qua livestream…
Chính vì thế, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề xuất bổ sung quy định về quản lý livestream.
Theo đó, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).
Quy định này được đưa cho thấy mạng xã hội là ảo nhưng trách nhiệm và hệ quả để lại là thật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc và không ai có quyền đứng trên pháp luật. Đồng thời là sự cảnh tỉnh rõ nhất cho bất cứ cá nhân nào coi thường pháp luật, tự cho mình quyền xúc phạm, thóa mạ, bôi nhọ, đưa tin sai sự thật, không có căn cứ về người khác”.
Công Luân