+
Aa
-
like
comment

Quan hệ ‘thâm giao’ giữa ông Đinh La Thăng và Út ‘trọc’

04/09/2020 11:07

Ông Đinh La Thăng và Út “trọc” có liên lạc trao đổi với nhau 22 cuộc gọi trong tháng 10 và 11-2013, 50 cuộc gọi, 35 tin nhắn trong năm 2016.

Quan hệ 'thâm giao' giữa ông Đinh La Thăng và Út 'trọc'

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án sai phạm tại cao tốc TP.HCM-Trung Lương, chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 20 bị can. Trong đó có ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT, đang chấp hành án trong vụ án khác), Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT)…

Liên quan tới vụ án, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc Phòng) bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu cầm đầu cùng 12 đồng phạm và tội lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng và Út “trọc” có liên lạc trao đổi với nhau 22 cuộc gọi trong tháng 10, 11 năm 2013, 50 cuộc gọi, 35 tin nhắn trong năm 2016.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ trì việc lập, hoàn thiện đề án bán quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương theo hình thức bán đấu giá với giá khởi điểm 2.004 tỉ đồng. Công ty Yên Khánh (của Út “trọc” lập) trúng đấu giá với giá bằng giá khởi điểm.

Quan hệ 'thâm giao' giữa ông Đinh La Thăng và Út 'trọc' - ảnh 1
Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và Đinh La Thăng. Ảnh: PLO

Sau khi giành được quyền thu phí, Út “trọc” sử dụng hành vi gian dối, thay đổi phần mềm nhằm mục đích giảm doanh thu trên sổ sách, qua đó, chiếm đoạt 725 tỉ đồng của Nhà nước.

Ở cương vị là Bộ trưởng, ông Thăng đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện một số hành vi trái pháp luật giúp công ty Yên Khánh chiếm đoạt quyền thu phí tuyến đường cao tốc trên.

Để làm rõ mối quan hệ giữa ông Thăng và người của công ty Yên Khánh, CQĐT đã thu thập thư tín, điện tín. Dữ liệu thu thập được từ mạng viễn thông xác định ông Thăng và Út “trọc” có liên lạc trao đổi với nhau 22 cuộc gọi trong tháng 10, 11 năm 2013, 50 cuộc gọi, 35 tin nhắn trong năm 2016.

Ông Thăng và Dương Tuấn Minh (cựu tổng giám đốc công ty Cửu Long) có liên lạc với nhau 3 cuộc gọi trong tháng 2-2012. Còn Út “trọc” và Dương Minh Tuấn đã liên lạc với nhau 24 cuộc gọi trong thời gian năm 2016-2017. Từ tháng 6-2016 đến 7-2017, Út “trọc” đã liên hệ với các nhân viên công ty Yên Khánh 1981 cuộc gọi, 2103 tin nhắn.

Tại CQĐT, bị can Minh thừa nhận bản thân có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, có một phần trách nhiệm của Bộ GTVT khi đã không yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi công ty Yên Khánh vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Thực tế, ngày 13-2-2014, Minh ký văn bản gửi Bộ về việc công ty Yên Khánh mới thanh toán được một nửa số tiền phải thanh toán đợt đầu tiền trúng đấu giá mua quyền thu phí và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, sau đó vài ngày, ông Thăng đã gặp và mắng Minh tại trụ sở Bộ GTVT: “Anh làm việc quan liêu lắm, 800 tỉ chứ không phải nhỏ, nhà đầu tư người ta cũng có khó khăn nên để họ từ từ đóng”.

Từ đó, Minh không ký văn bản báo cáo mà giao cho cấp dưới ký báo cáo. Đến ngày 19-6-2015, công ty Cửu Long mới có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng. Sở dĩ công ty này không đề nghị sớm chấm dứt hợp đồng vì Út “trọc” có mối quan hệ thân thiết với ông Thăng và bị ông Thăng mắng vì yêu cầu thanh toán đúng hợp đồng.

Út “trọc” triệt để tận dụng mối quan hệ với lãnh đạo

Về nguyên nhân xảy ra vụ án, CQĐT xác định Út “trọc” đã triệt để khai thác, lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo, các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước.

Thông qua chức phó tổng giám đốc tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng ), Út “trọc” đã thành lập nhiều công ty giao người thân, họ hàng đứng tên. Tuy nhiên, hầu hết các công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm để đủ tư cách tham gia đấu thầu, đấu giá, liên kết.

Do đó, Út “trọc” đã chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ để đủ tư cách, năng lực, quan hệ với các tổ chức tín dụng vay vốn, tham gia đấu thầu, đấu giá, liên danh, liên kết chiếm đoạt tài sản.

HOÀNG YẾN/PLO

Bài mới
Đọc nhiều