+
Aa
-
like
comment

Quan hệ bí ẩn giữa ông Trần Bắc Hà và Công ty Trung Dũng

27/10/2020 14:01

Ông Đoàn Hồng Dũng, cựu giám đốc Công ty Trung Dũng, im lặng trước câu hỏi vì sao cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà “nhiệt tình” cho công ty này vay tiền.

Sáng 27/10, TAND Hà Nội xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi cấp tín dụng và mở phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng gây thiệt hại cho BIDV hơn 864 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, Công ty Trung Dũng đề nghị BIDV tái cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng để mua bán thép và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng. Trung Dũng sau đó sử dụng tiền không đúng mục đích, tự ý bán tài sản đảm bảo L/C dẫn đến thiệt hại cho BIDV.

Trước tòa, bị cáo Đoàn Hồng Dũng, 59 tuổi, cựu giám đốc Công ty Trung Dũng, khai có quan hệ tín dụng với BIDV chi nhánh Hà Thành từ 2007 và thanh toán cả gốc lẫn lãi “sòng phẳng”. Chỉ đến thời điểm đề nghị cấp hạn mức tín dụng năm 2011, công ty mới bị dư nợ xấu 31 tỷ đồng.

Năm 2011, ông căn cứ phương án kinh doanh hàng năm để làm đề nghị cấp hạn mức tín dụng chuyển cho cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Thành. Khi được cấp tín dụng 700 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng sử dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, trả nợ cho các đối tác dẫn đến thất thoát vốn.

“Bị cáo làm vậy là sai hay đúng?”, Chủ toạ hỏi. Ông Dũng cho rằng đã nhận thấy sai phạm nhưng không phải chiếm dụng tiền của BIDV mà do thị trường sắt thép khủng hoảng, kinh tế suy thoái dẫn đến công ty bị thua lỗ, không đủ để thanh toán cho ngân hàng.

Bị cáo Đoàn Hồng Dũng. Ảnh: Phạm Dự.
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng.

Về đề nghị mở thư tín dụng L/C, ông Dũng khai công ty đã có sẵn tài khoản ở BIDV chi nhánh Hà Thành nên tự mình đề xuất. Khi làm công văn đề nghị, công ty ông Dũng gửi đến cả BIDV Hội sở và chi nhánh. Khi ngân hàng có công văn đồng ý cấp L/C, ông “làm theo đúng các thủ tục nhà băng yêu cầu”.

Trả lời về điều kiện để cấp L/C, ông Dũng cho hay L/C mở theo món nên hàng hoá nhập khẩu về đều phải thế chấp để làm tài sản đảm bảo cho ngân hàng. Tiền bán hàng chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dũng mở tại BIDV chi nhánh Hà Thành để họ quản lý và thu hồi nợ. Tuy nhiên khi hàng về vào năm 2011, thị trường thép bắt đầu suy thoái, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) lại đề nghị mua hàng nhưng trả bằng thép thành phẩm thay tiền mặt.

“Nếu nhận thép thành phẩm lúc đó sẽ bị lỗ nặng, không đủ tiền thanh toán cho ngân hàng. Làm việc với TISCO bất thành, bị cáo báo cáo với BIDV nhưng họ không chấp nhận thanh toán bằng thép thành phẩm thay cho tiền mặt. Để tự cứu lấy mình, bị cáo đành bán lô hàng thế chấp này cho các doanh nghiệp khác để lấy tiền”, ông Dũng trình bày và cho hay không cho bên mua biết đây là lô hàng đang thế chấp.

Ông Dũng vừa dứt lời, thẩm phán Trương Việt Toàn lớn giọng nói: “Theo luật dân sự, người bán phải đảm tính hợp pháp của tài sản. Bị cáo bán cho công ty của vợ, con mà lại nói không biết.Cái gì nên giấu thì giấu, cái gì không giấu được thì khai ra, đừng xúc phạm sự thông minh của HĐXX”.

“Tại sao bị cáo không bàn giao luôn lô hàng thế chấp L/C đó cho ngân hàng khi không có khả năng trả nợ?”, ông Toàn hỏi tiếp. Ông Dũng cao giọng đáp “thế thì khác gì đóng luôn cửa kinh doanh của mình”.

Bị cáo này khai làm ăn nhiều năm và phải dựa vào ngân hàng nên muốn giữ chữ tín. Tất cả tiền thu về từ việc bán lô hàng thế chấp, ông dùng để nộp thuế, trả công nợ, thanh toán các chi phí khác. Sau khi BIDV xử lý các tài sản đảm bảo, ông Dũng còn dư nợ L/C hơn 263 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.

“Bị cáo có quan hệ thế nào với ông Hà?”, HĐXX hỏi. Ông Dũng cho rằng chỉ là khách hàng bình thường, doanh nghiệp của bị cáo “chưa đủ tuổi để đến lượt quan hệ với chủ tịch HĐQT”.

“Khách hàng bình thường trong hàng vạn khách hàng mà ông Hà lại có hẳn công văn riêng, chỉ đạo sát sao đến tận chi nhánh để phê duyệt, giải ngân?”, thẩm phán Toàn hỏi song ông Dũng vẫn im lặng.

Tại toà sáng nay, các bị can từng làm việc ở BIDV chi nhánh Hà Thành là Ngô Duy Chính (nguyên giám đốc), Nguyễn Xuân Giáp (nguyên phó giám đốc), Phạm Hồng Quang (nguyên trưởng phòng khách hàng), Đặng Thanh Nam đều thừa nhận có sai phạm khi giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ dẫn đến hậu quả mất vốn hơn 800 tỷ đồng của BIDV. Cả bốn đều khai “bị áp lực từ ông Hà và BIDV hội sở nên đành phê duyệt, giải ngân”.

Ông Chính cho hay BIDV chi nhánh Hà Thành từng từ chối mở L/C với khoảng hơn 22 triệu USD. Tuy nhiên, chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà nói đã xem xét và bút phê vào văn bản gửi xuống chi nhánh nên ông Chính đành làm theo. L/C phát hành theo món và khoản vay 700 tỷ là khác nhau nhưng tài sản đảm bảo có trùng nhau không, ông không rõ.

Bị cáo Ngô Duy Chính. Ảnh: Phạm Dự.
Bị cáo Ngô Duy Chính.

Theo cáo trạng, ông Trần Bắc Hà đã gây áp lực để nhóm bị can ở BIDV chi nhánh Hà Thành phê duyệt, giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 700 tỷ đồng và mở phát hành L/C theo món với số tiền hơn 22 triệu USD. Sau khi giải ngân, nhóm cán bộ BIDV cũng không kiểm tra dòng tiền, tài sản đảm bảo gây thiệt hại cho BIDV hơn 864 tỷ đồng.

Ông Hà phải chịu trách nhiệm chính song đã tử vong trong quá trình tạm giam do bệnh lý nên cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra bị can. Bốn bị can Chính, Giáp, Quang, Nam bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo khoản 3 điều 179 Bộ luật hình sự 1999.

Ngoài ra, ông Hà còn bị cáo buộc thành lập công ty sân sau là Bình Hà để vay vốn của BIDV, thực hiện dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh. Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng nhưng quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện.

Từ 2015 đến tháng 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân cho Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng. Quá trình giải ngân, BIDV không kiểm soát được dòng tiền có được sau kinh doanh để các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân. Hậu quả, BIDV bị thiệt hại gần 800 tỷ đồng.

Chiều nay phiên toà tiếp tục..

Phạm Dự/ VNE

Bài mới
Đọc nhiều