+
Aa
-
like
comment

Quân đội TQ có động thái lạ giữa căng thẳng biên giới: Mở loa cho binh sĩ Ấn Độ nghe hát

Hoài Nam - 17/09/2020 14:10

Theo truyền thông Ấn Độ, quân đội Trung Quốc đã đặt nhiều loa phóng thanh tại khu vực Finger 4, dọc đường Kiểm soát thực tế (LAC), gần bờ bắc hồ Pangong Tso và phát các bài hát tiếng Punjab (một ngôn ngữ của Ấn Độ). Nhiều người thắc mắc về mục đích của động thái lạ này.

Tờ Live Mint hôm 17/9 dẫn nguồn tin quân đội giấu tên cho biết, vị trí mà quân đội Trung Quốc đặt loa phóng thanh được giám sát 24/7 bởi binh sĩ Ấn Độ. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc có thể đang sử dụng “màn kịch” này để đánh lạc hướng quân đội Ấn Độ hoặc cũng có thể chỉ để giảm bớt căng thẳng tại khu vực biên giới tranh chấp.

Theo Hindustan Times, không chỉ kéo loa phát thanh tới bờ bắc hồ Pangong để phát các bài hát tiếng Punjab, quân đội Trung Quốc còn đưa một dàn loa phóng thanh tới nhà tù Moldo ở làng Chushul để nhắc nhở quân đội Ấn Độ rằng những gì mà Ấn Độ tuyên bố về lãnh thổ tranh chấp là thiếu sáng suốt về chính trị.

Biên giới Trung – Ấn vẫn chưa hết căng thẳng. Ảnh minh họa: Reuters

Ở bờ phía nam hồ Pangong, loa phát thanh của Trung Quốc cũng xuất hiện và phát bằng tiếng Hindi về sự vô ích khi quân đội Ấn Độ triển khai quân lên các cao điểm ở đây. Theo Hindustan Times, mục đích của động thái lạ từ quân đội Trung Quốc là nhằm làm suy sụp tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ấn Độ và tạo ra sự bất mãn trong binh sĩ ở các cao điểm vào mùa đông (sắp tới) khi họ phải chịu đựng điều kiện khắc nghiệt.

Theo một cựu Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ, quân đội Trung Quốc từng sử dụng chiến thuật “loa phóng thanh” tại cuộc chiến biên giới năm 1962 và cuộc giao tranh Nathu La năm 1967. “Nhưng quân đội Ấn Độ thừa hiểu về động thái bật những bài hát tiếng Punjab của Trung Quốc tại Finger 4 và không dễ bị lay chuyển”, cựu Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ nhận định.

Ấn Độ và Trung Quốc đã có ít nhất 3 cuộc đụng độ (tất cả đều có nổ súng) giữa binh sĩ 2 bên tại phía đông Ladakh chỉ trong 20 ngày qua.

“Lần đụng độ đầu tiên xảy ra khi quân đội Ấn Độ ngăn chặn binh sĩ Trung Quốc chiếm các cao điểm gần bờ phía nam hồ Pangong vào các ngày 29 và 31/8. Vụ đụng độ thứ hai xảy ra gần cao điểm Mukhpari hôm 7/9”, nguồn tin quân đội cho hay.

Trong vụ đụng độ lần thứ 3, xảy ra hôm 8/9 gần bờ bắc Hồ Pangong, binh sĩ hai bên đã bắn hơn 100 phát đạn khi phía Trung Quốc hành xử “hung hăng”, theo nguồn tin quân đội Ấn Độ.

Động thái lạ của Trung Quốc xuất hiện tại biên giới Trung – Ấn sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng 2 nước tại thủ đô Moscow, Nga, bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, để trao đổi về vấn đề tranh chấp biên giới.

Ngoài kế hoạch 5 điểm, hai bên được cho là sẽ tổ chức các cuộc hội đàm cấp Tư lệnh quân đoàn nhưng ngày giờ vẫn chưa được phía Trung Quốc xác nhận cho đến nay. Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức nhiều vòng đàm phán kể từ tháng 4 và tháng 5 ở cả cấp độ quân sự và ngoại giao nhưng chưa tìm được tiếng nói chung.

India Today cho biết đã có ít nhất 3 vụ nổ súng cảnh cáo lẫn nhau giữa Trung-Ấn ở khu vực đông Ladakh trong 20 ngày qua, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.

“Vụ việc đầu tiên xảy ra khi quân đội Ấn Độ ngăn chặn Trung Quốc chiếm các điểm cao ở bờ nam hồ Pangong vào ngày 29-30/8, vụ thứ hai diễn ra gần điểm cao Mukhpari ngày 7/9,” nguồn tin quân đội Ấn Độ nói.

Vụ việc thứ ba hôm 8/9 cũng xảy ra ở Finger 4 với hơn 100 loạt đạn cảnh báo được đôi bên bắn ra. Vụ căng thẳng diễn ra ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ tới Moskva tham dự hội nghị của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và có cuộc gặp song phương, đi đến nhất trí về 5 điểm quan trọng để hòa dịu tình hình biên giới.

Kể từ tháng 4 và tháng 5, Trung-Ấn đã tổ chức nhiều vòng đối thoại ở cấp chỉ huy quân sự và cả về ngoại giao, song chưa thu được kết quả thực chất nào. Ấn Độ nói quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của họ ở LAC và làm thay đổi nguyên trạng, trong khi Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc và tuyên bố PLA hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đã củng cố lực lượng ở dọc LAC, sẵn sàng cho kịch bản đối đầu trên dãy Himalaya kéo dài sang mùa đông.

Hoài Nam (t.h)

Bài mới
Đọc nhiều