+
Aa
-
like
comment

Quân đội siêu quyền lực ở Myanmar và sự chi phối của “nhân tố” Bắc Kinh

03/02/2021 20:00

Quân đội vẫn là cơ quan quyền lực nhất ở Myanmar kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này giành độc lập từ Anh vào năm 1948.

Quân đội siêu quyền lực ở Myanmar và sự chi phối của "nhân tố" Bắc Kinh
Quân đội siêu quyền lực ở Myanmar và sự chi phối của “nhân tố” Bắc Kinh

Cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2/2020

Đầu giờ sáng ngày 1/2, Quân đội Myanmar (Tatmadaw) tiến hành bắt giữ một số nhà lãnh đạo chính trị cấp cao, gồm một số bộ trưởng và các nhà hoạt động ở Thủ đô Naypyidaw cùng nhiều địa bàn khác trên khắp đất nước.

Trong số những người bị bắt có Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint, cả hai đều thuộc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 8/11/2020.

Ngay sau chính biến, kênh truyền hình Myawaddy thuộc sở hữu của Quân đội Myanmar tuyên bố các lực lượng vũ trang đã nắm quyền kiểm soát thể chế chính trị của đất nước và Phó Tổng thống thứ nhất U Myint Swe, người hiện đang giữ chức Tổng thống lâm thời, đã chuyển giao toàn quyền – hành pháp, lập pháp và tư pháp – cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing trong vòng một năm.

Quân đội Myanmar biện minh cho cuộc đảo chính của mình bằng cách cáo buộc đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, đồng thời tuyên bố họ được Hiến pháp trao quyền tiếp quản đất nước trong tình trạng khẩn cấp.

Hành động của Quân đội Myanmar đã đánh dấu sự kết thúc giai đoạn dân chủ ngắn ngủi bắt đầu vào năm 2011 khi Tatmadaw, lực lượng nắm quyền từ năm 1962, thực hiện bầu cử quốc hội cùng một số cải cách khác.

Nhiều lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế đã nhanh chóng lên án cuộc đảo chính hôm thứ Hai, yêu cầu Quân đội Myanmar thả ngay lập tức những người bị giam giữ và tôn trọng kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, Quân đội Myanmar tự coi họ là người bảo vệ sự thống nhất quốc gia chắc chắn sẽ không sớm chú ý đến những lời kêu gọi này. Họ đã quen với những chỉ trích quốc tế và tin rằng mình có thể cai trị đất nước theo ý muốn.

Vậy điều gì đã giúp quân đội giành được quyền kiểm soát lâu dài đối với hệ thống chính trị của Myanmar?

Quân đội siêu quyền lực ở Myanmar và sự chi phối của nhân tố Bắc Kinh - Ảnh 1.
Quân đội Myanmar hôm thứ Hai đã trao quyền lực cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Ảnh: EPA

Một đất nước sinh ra “đã bị quân đội chiếm đóng”

Quân đội là tổ chức quyền lực nhất ở Myanmar (trước đây gọi là Miến Điện, cho đến khi chính phủ quân sự đổi tên đất nước vào năm 1989) kể từ khi đất nước này giành độc lập khỏi Anh năm 1948.

Tướng Aung San, kiến ​​trúc sư của nền độc lập Myanmar và là cha của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, đã thành lập Quân đội Quốc gia Miến Điện với sự giúp đỡ của Nhật Bản vào đầu những năm 1940.

Năm 1947, tướng Aung San bị ám sát nhưng di sản của ông vẫn tồn tại trong quân đội và Tatmadaw tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng trong những năm sau đó với tư cách là tổ chức giải phóng quốc gia khỏi áp bức thuộc địa.

Như vậy, Quân đội Myanmar đã được hưởng quyền cai trị không bị kiểm soát với nền chính trị của đất nước ngay từ những ngày đầu. Nhà sử học nổi tiếng người Miến Điện Thant Myint-U từng nhận xét trong cuốn sách mới xuất bản gần đây của ông: “Nhà nước Miến Điện hiện đại sinh ra đã bị chiếm đóng quân sự”.

Sau một thời gian bán dân chủ ngắn ngủi, Quân đội do Tướng Ne Win lãnh đạo đã nắm quyền kiểm soát Miến Điện thông qua một cuộc đảo chính năm 1962.

Sau cuộc đảo chính, Quân đội Myanmar cũng ngay lập tức cấm tất cả các đảng phái đối lập và quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và doanh nghiệp lớn của đất nước. Họ cũng áp dụng chính sách cô lập gần như hoàn toàn Myanmar với cộng đồng quốc tế.

Năm 1988, người dân Miến Điện do các nhà hoạt động sinh viên lãnh đạo, đã tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại sự quản lý kinh tế yếu kém của chính quyền quân sự và yêu cầu cải cách dân chủ. Các cuộc biểu tình đã vấp phải một cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội với hơn 5.000 người thiệt mạng.

Mặc dù Quân đội Myanmar đã kiềm chế thành công các cuộc biểu tình nhưng họ thất bại trong việc ngăn chặn những tiếng nói kêu gọi dân chủ ngày càng tăng và gần như mất tất cả sự ủng hộ của công chúng. Trong cùng năm đó, bà Aung San Suu Kyi thành lập NLD và bắt đầu gây sức ép buộc chính phủ quân sự tổ chức bầu cử.

Đứng trước các áp lực trong nước và quốc tế, Quân đội Myanmar đã đồng ý tổ chức một cuộc bầu cử với thắng lợi áp đảo thuộc về NLD. Tuy nhiên, chính quyền từ chối công nhận kết quả và thay vào đó, quản thúc bà Aung San Suu Kyi.

Tatmadaw hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới và giao lại quyền lực cho một chính phủ dân sự sau khi soạn thảo hiến pháp mới, nhưng không thực hiện được trong 18 năm.

Quân đội siêu quyền lực ở Myanmar và sự chi phối của nhân tố Bắc Kinh - Ảnh 2.
Tướng Min Aung Hlaing được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar vào năm 2011. Ảnh: AFP

Sau khi cai trị đất nước bằng “quả đấm sắt” trong gần hai thập kỷ, Tatmadaw đã một mình soạn thảo hiến pháp mới vào năm 2008. Sau đó, họ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp gây tranh cãi mà không có sự tham gia của bất kỳ nhóm đối lập nào, và chỉ hai ngày sau khi Cơn bão Nargis càn quét qua Myanmar.

Mặc dù NLD tố cáo cuộc trưng cầu dân ý là “gian lận” và cộng đồng quốc tế đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của nó, Tatmadaw vẫn thông báo dự thảo đã được chấp nhận với sự ủng hộ của đa số công chúng và nhanh chóng có hiệu lực.

Hiến pháp mới duy trì quyền kiểm soát của quân đội đối với chính phủ bằng cách mặc định trao 25% tổng số ghế trong cả quốc hội địa phương và quốc gia cho các quan chức quân đội. Sự sắp xếp này cũng trao cho Tatmadaw quyền phủ quyết trên thực tế bất kỳ cải cách hiến pháp nào do các nhà lập pháp dân sự đưa ra.

Theo hiến pháp mới vẫn còn hiệu lực hiện nay, Quân đội Myanmar cũng duy trì quyền kiểm soát đối với các ngành khai thác, dầu và khí đốt của đất nước, do đó đảm bảo dòng chảy liên tục của các nguồn tài nguyên.

Thỏa thuận này đã mang lại cho Tatmadaw sự độc lập hoàn toàn về tài chính và cho phép họ dễ dàng chống lại mọi lời kêu gọi cải cách trong nước và quốc tế suốt nhiều năm.

Một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế vào năm 2020 tiết lộ rằng Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL) đã thu được 18 tỷ đô la từ năm 1990 đến năm 2010 thông qua các doanh nghiệp do quân đội kiểm soát, đầu tư phần lớn doanh thu trở lại cho ngân sách quân đội.

Quân đội siêu quyền lực ở Myanmar và sự chi phối của nhân tố Bắc Kinh - Ảnh 3.
Bà Suu Kyi và tướng Min Aung Hlaing trong bức ảnh chụp ngày 30/3/2016. Ảnh: AFP

Nhân tố Trung Quốc trong nền chính trị Myanmar

Do vị thế của Myanmar trên trường quốc tế nên bà Aung San Suu Kyi ngày càng có xu hướng dựa vào Bắc Kinh để nhận được sự ủng hộ ngoại giao tại Liên Hợp Quốc. Chính phủ của bà cũng đã dựa vào các khoản đầu tư từ Trung Quốc để hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở trong nước.

Tuy nhiên, Quân đội Myanmar từ lâu vẫn nghi ngờ về ý định của Trung Quốc, chủ yếu do ảnh hưởng của họ đối với các nhóm vũ trang thiểu số ở miền Bắc đất nước cũng như hàm ý địa chiến lược của các dự án cảng do Trung Quốc đầu tư đối với chủ quyền của Myanmar. Do vậy, hiện chưa rõ liệu sau cuộc đảo chính, Quân đội Myanmar có xích gần Bắc Kinh hay không.

Mặc dù vậy, chắc chắn Quân đội Myanmar sẽ cần đến một mức độ hỗ trợ quốc tế nhất định để duy trì quyền lực và có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sẵn sàng đảm nhận vai trò “người bảo vệ” cho Tatmadaw.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar chỉ vài tuần trước cuộc đảo chính và tổ chức một cuộc gặp với tướng Min Hlaing. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có được thông báo trước về kế hoạch nắm chính quyền của Tatmadaw hay không?

Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar trong việc bảo vệ chủ quyền, phẩm giá quốc gia và các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Đây có thể được coi là một cái gật đầu đồng ý cho quân đội theo đuổi một cuộc đảo chính.

Mặc dù chúng ta có thể không bao giờ biết liệu Trung Quốc nắm được kế hoạch của Quân đội Myanmar dẫn đến cuộc đảo chính hôm thứ Hai hay không nhưng Bắc Kinh đã ra dấu hiệu cho thấy họ sẽ không lên án hành động của Tatmadaw và gọi việc tiếp quản là “một cuộc cải tổ nội các lớn” và coi Myanmar là một “láng giềng thân thiện”.

Các tướng lĩnh ở Naypyidaw có khả năng cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar bất kể ai đang nắm quyền và họ có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trong tương lai.

Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Joe Biden ở Washington đến ngày 2/3 vẫn từ chối coi các sự kiện hôm thứ Hai ở Myanmar là “một cuộc đảo chính”, có thể là do họ sợ mất ảnh hưởng với Naypyidaw trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đe dọa sẽ thực hiện “hành động thích hợp”. Chính quyền Biden có khả năng đang xem xét mở rộng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các thành viên cấp cao của Quân đội Myanmar, gia đình họ và các tổ chức kinh doanh thuộc sở hữu của quân đội.

Thế nhưng, những biện pháp đó có thể chỉ nhằm mục đích sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với ban lãnh đạo quân sự của Myanmar.

Tất cả các dấu hiệu hiện tại đều cho thấy Tatmadaw khó có thể sớm quay trở lại nền dân chủ ở Myanmar. Họ đã cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới trong vòng một năm và cho biết sẽ tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử và chuyển giao quyền lực cho người chiến thắng.

Tuy nhiên, mốc thời gian một năm này có vẻ mong manh, để ngỏ khả năng quân đội sẽ trì hoãn cuộc bầu cử một lần nữa và nắm quyền lâu hơn.

Với việc tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc và chỉ vấp phải chỉ trích hạn chế từ Mỹ cùng các nước hàng đầu khác trong cộng đồng quốc tế, Quân đội Myanmar có rất ít lý do để nhượng bộ và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự chắc chắn sẽ hành động để hạn chế quyền lực của họ.

Anh Tú

Bài mới
Đọc nhiều