Quân đội nhân dân Việt Nam – Nhân tố quyết định chính trong thời khắc khó khăn

Đất nước đã trải qua những tháng ngày không thể nào quên, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Quân đội gần như là một phần lá chắn bảo vệ đất nước và người dân không thể thiếu, là động lực, là niềm tin, là hy vọng để chiến thắng dịch bệnh. Chính trong thời khắc khó khăn ấy, chúng ta đã chứng kiến những hình ảnh xúc động, sâu sắc, những nghĩa cử cao đẹp của các anh bộ đội cụ Hồ với Nhân dân.

Với tinh thần “tìm đến nhân dân để biết nhân dân cần gì, không để nhân dân phải tìm đến bộ đội”, thời gian qua, các đơn vị toàn quân đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, huy động tối đa nguồn lực vừa chống dịch Covid -19 vừa bảo đảm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Toàn quân triển khai hơn 1.900 tổ, chốt phòng chống dịch với trên 13.000 người tiến hành tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép.

Ở giai đoạn đầu chống dịch, có lẽ chúng ta cũng chưa quên hình ảnh những chiến sỹ bộ đội dầm mưa dải nắng, nhường nơi ăn chốn ở cho người dân cách ly, còn các anh nằm lán trại. Đã có thời thời điểm, quân đội phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của trên 22.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch. 190 điểm cách ly với hơn 270.000 người, tổ chức 7 bệnh viện dã chiến với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y, cùng người dân vượt qua ranh giới sinh tử, bệnh tật, nhất là ở thời điểm số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, gây áp lực lớn đến hệ thống y tế.

Năm 2021 có lẽ là một năm đáng nhớ với lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Đã rất lâu rồi, quân đội phải điều động hơn 133.000 bộ đội, dân quân hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Riêng lực lượng quân y được tăng cường triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với 6.600 giường bệnh, thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ vắc xin, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm, tăng cường xuống cơ sở thực hiện truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa, tư vấn sức khỏe và điều trị F0 tại nhà có hiệu quả.

Không cần biết, số lượng quân nhân có mặt tại TPHCM là bao nhiêu. Cái chính là sự xuất hiện của các chiến sĩ trong hoàn cảnh người dân đang vật lộn với dịch bệnh nguy hiểm là điểm tựa tinh thần vô cùng to lớn, tạo ra động lực giúp người dân phấn chấn vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Toàn quân đã huy động hơn 6.200 chuyến xe tải, 3 chuyến tàu thủy, 156 chuyến máy bay để vận chuyển gần 25.500 tấn hàng hóa; thu hoạch nông sản giúp nhân dân và vận chuyển hơn 15.000 túi an sinh đến từng hộ gia đình. Ở đâu có bộ đội là ở đó có niềm vui và hy vọng như chính màu áo các anh đang mặc.

“Cơn bão” Covid-19 khốc liệt vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 22.000 người dân, không ai khác chính lực lượng quân đội được chính quyền tin tưởng, gửi gắm trách nhiệm đưa đồng bào đã mất vì Covid-19 trở về quê nhà. Quân đội chức khâm liệm, hỏa táng người tử vong, tiếp nhận, bảo quản, bàn giao tro cốt cho gia đình có người thân bị mất chu đáo. Đây là việc làm chưa từng có trong tiền lệ nhưng cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, coi người mất như người thân của mình, phục vụ với tinh thần tận tâm, tận tình, đưa tiễn những nạn nhân xấu số đoạn đường cuối cùng một cách trang trọng và thành kính nhất.

Có thể thấy, quân đội không chỉ thể hiện phẩm chất gần dân, sẵn sàng sát cánh, chiến đấu, bảo vệ, an ủi người dân đúng tinh thần là “con đẻ của nhân dân, hiếu với dân” mà trong đợt dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, sự huy động lực lượng quân đội chống dịch đã góp phần rất lớn giúp chính quyền kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Phát biểu tại chương trình giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình quân dân” nhân 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về “sức mạnh nội sinh” của lực lượng quân đội Việt Nam đã góp phần giúp đất nước đi qua những thời khắc khó khăn của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Chia sẻ về việc Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng quân đội phối hợp với lực lượng vũ trang thành phố giúp người dân chống dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã xúc động nói rằng: “Trong đại dịch, bộ đội không chỉ chiến đấu bằng mệnh lệnh của người chỉ huy mà còn bằng mệnh lệnh của trái tim, lúc người dân khó, người dân khổ, người dân đau bệnh, người dân đối diện với sống chết và lo cho người dân khi không may mất đi. Lịch sử quân đội có thêm những trang mới rất đáng tự hào về bộ đội giúp dân chống dịch, một hình ảnh sáng đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ”.

Nhớ lại vào khoảng thời điểm tháng 3, tháng 4, hàng trăm tàu Trung Quốc dàn đội hình xuất hiện ở đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam. Ngoài việc, Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam thì chúng ta cũng thấy tàu cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư đội lốt “tàu cá” của Việt Nam cũng có mặt tại đá Ba Đầu. Các chiến sĩ gần như bám sát thực địa 24/7, luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện các phương án bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đã có thời điểm chịu vô vàn áp lực từ phía Trung Quốc và cả áp lực của những thành phần chống đối, kích động, kêu gọi người dân biểu tình, thậm chí có lúc tình hình trên biển vô cùng căng thẳng, phức tạp nhưng lực lượng quân đội vẫn kiên định thực hiện theo chủ trương. Đó là giữ vững chủ quyền biển, đảo, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, không để xảy ra xung đột. Qua đó càng chứng minh chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Bên cạnh việc có mặt kịp thời ở những đảo đá thuộc chủ quyền Việt Nam để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trước hành vi xâm phạm chủ quyền thì bao năm nay quân đội vẫn bám trụ nhà giàn DK1, bám trụ bờ biển để bảo vệ từng hải lý. Bởi trong tâm niệm của các chiến sĩ, nhà giàn, đồn đảo chính là thứ đánh dấu chủ quyền mà không được phép để mất. Thế nên, dù có bao nhiêu khó khăn từ thiên nhiên lẫn tác động từ bên ngoài thì họ vẫn kiên định với trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó.

Để góp phần nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo, những năm qua, chúng ta cũng đã chứng kiến các chiến sĩ quân đội nỗ lực rèn luyện rất nhiều. Không chỉ đơn thuần là vượt qua những bài huấn luyện mà các chiến sĩ đã mạnh dan bước ra đấu trường quốc tế để cọ xát năng lực. Như việc tham gia môn thi “cúp biển” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) năm 2021. Đây là một điểm sáng, là một cách mà quân đội ta định vị vị thế, khẳng định bản lĩnh Việt Nam thời hội nhập, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo chắc chắn hơn.

Cũng tại chương trình kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta cùng nhau tôn vinh những giá trị, những con người đã viết tiếp truyền thống nghĩa tình quân dân. Đó là những cán bộ, chiến sỹ đang có mặt trong hội trường này, cùng những Bộ đội cụ Hồ trên đang ngày đêm thực hiện sứ mệnh bảo vệ vùng biển, vùng trời, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… và đang làm nghĩa vụ quốc tế ở xa Tổ quốc. Tất cả vì cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân và vì giá trị con người Việt Nam trên trường quốc tế”.

Năm vừa qua là một năm đánh dấu sự thay đổi đặc biệt ở vị trí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đầu tiên đó là việc Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay cho nguyên Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đến tuổi về hưu. Sự thay đổi này dựa trên sự thay đổi của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng có thêm 2 Thứ trưởng mới là Thượng tướng Lê Huy Vịnh, cũng đi lên từ vị trí phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và từng là giữ nhiều chức vụ ở Quân chủng phòng không – không quân. Và vị Thứ trưởng thứ hai là trung tướng Võ Minh Lương, từng là tư lệnh Quân khu 7. Với hơn 40 năm binh nghiệp cùng với vô số kinh nghiệm thực chiến của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và sự dày dặn kỹ thuật nhà binh của các vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng mới thì nhân dân kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Và thực tế cũng đã chứng minh trong đợt dịch Covid-19 vừa, quân đội đã huy động lực lượng rất nhanh chóng, quyết liệt và xuất quân với khí thế hừng hực vào miền Nam hỗ trợ người dân chống dịch.

Dù vị trí lãnh đạo Bộ Quốc phòng có thay đổi nhưng chung quy lại vẫn mang tính kế thừa, tiếp nối truyền thống, mục tiêu của quân đội nhân dân Việt Nam bao đời nay. Đó không chỉ là “binh hùng tướng mạnh”, “quân cốt tinh, không cốt đông” mà còn là chủ trương xây dựng quân đội nhân dân từng bước hiện đại và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội trong đổi mới công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Một đất nước hiện đại sẽ luôn có một lực lượng quân đội hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng nhắn nhủ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, Cánh Cò xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng quân đội vì tinh thần lăn xả, cống hiến hết mình trong thời gian vừa qua. Hy vọng quân đội sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt, luôn đồng hành và giúp đỡ người dân trong mọi hoàn cảnh, tình huống, xứng đáng với danh hiệu là “bộ đội cụ Hồ”.

Thực hiện: Đặng Trường

Đồ họa: M.N