Quân đội Mỹ theo dõi ông già Noel và ‘quà Giáng sinh’ từ Triều Tiên
Quân đội Mỹ vừa theo dõi hành trình của ông già Noel như truyền thống từ năm 1955, vừa để mắt đến những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên gửi “quà Giáng sinh”.
Trong khi cảnh giác trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên phóng tên lửa – điều mà các quan chức ở Bình Nhưỡng đã mô tả là một “món quà Giáng sinh”, Bộ tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) cũng đang theo dõi nhân vật huyền thoại tặng quà cho trẻ em trên khắp thế giới như truyền thống hàng chục năm qua.
Có trụ sở tại Colorado Springs, bang Colorado, NORAD là bộ chỉ huy quân sự kết hợp giữa Mỹ và Canada, có nhiệm vụ đưa ra các cảnh báo cũng như kiểm soát hàng không vũ trụ và hàng hải trên khắp Bắc Mỹ.
Trong hơn sáu thập kỷ, NORAD cũng đã cung cấp đồ họa hành trình của ông già Noel, còn được gọi là Kris Kringle, theo thời gian thực, khi chiếc xe trượt tuyết do tuần lộc kéo của ông đi khắp thế giới để tặng quà Giáng sinh cho trẻ em, theo Reuters.
“Trong khi NORAD thực hiện sứ mệnh chính của mình là bảo vệ Bắc Mỹ trước các mối đe dọa, chúng tôi tự hào tiếp tục truyền thống theo dõi hành trình của ông già Noel trên khắp thế giới”, NORAD cho hay trong một thông báo.
Trang web theo dõi ông già Noel của NORAD www.noradsanta.org có gần 15 triệu khách truy cập từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, cơ quan này cho biết.
Trong những năm gần đây, NORAD đã theo dõi các vụ thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng cảnh báo Washington hồi đầu tháng này về một “món quà Giáng sinh” mà họ có thể “gửi tặng”.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un yêu cầu Mỹ đến cuối năm phải đề xuất những nhượng bộ mới trong cuộc đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, xoa dịu căng thẳng giữa hai đối thủ lâu năm.
Theo trang web của cơ quan, truyền thống theo dõi ông già Noel của NORAD bắt đầu vào năm 1955 khi một trung tâm thương mại ở Colorado Springs in nhầm số điện thoại gọi đến Bắc Cực trong một quảng cáo trên báo.
Cuộc gọi đầu tiên đến từ một cô bé và được chuyển đến đại tá không quân Harry Shoup, giám đốc của cơ quan khi đó có tên là Bộ tư lệnh Phòng không Lục địa Mỹ.
Vị đại tá cam đoan với cô bé rằng ông già Noel đang trên đường đi và khi có nhiều trẻ em gọi đến bộ chỉ huy, quân đội đã bổ sung một nhiệm vụ mới vào hoạt động của mình.
Đổi tên thành NORAD ba năm sau, nhiệm vụ theo dõi ông già Noel chưa từng bị gián đoạn kể từ đó. Những người trông ngóng ông già Noel giờ đây có thể theo dõi hành trình của ông thông qua các tài khoản Facebook, Twitter, Instagram và YouTube của NORAD.
Đông Phong/ZN