Quân đội đang thực hiện công tác cách ly như thế nào?
Bộ Quốc phòng xác định quân đội phải là lực lượng đi đầu trong phòng chống dịch, phải hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường, bình tĩnh và không hoang mang, dao động.
Trong thời điểm cả nước đang bước vào giai đoạn 2 của việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 – giai đoạn hết sức khó khăn và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần – Đại tá Nguyễn Hoàng Nam về những việc quân đội đã, đang và sẽ làm trong phòng chống dịch.
Hình ảnh các chiến sĩ đang ngày đêm phục vụ, khám bệnh trong các khu cách ly, trên mặt trận “chống dịch như chống giặc” lay động hàng triệu trái tim. Xin Phó Tham mưu trưởng cho biết nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này đã được quân đội thực hiện ra sao?
Đại tá Nguyễn Hoàng Nam: Ngay từ những ngày đầu có dịch, Bộ Quốc phòng đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bằng nhiều hình thức với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Toàn quân quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương với quan điểm coi nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chiến đấu với tinh thần “Trong bất luận tình huống nào quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu trong phòng chống dịch COVID-19”.
Bộ Quốc phòng đã giao cho các quân khu, quân đoàn, một số đơn vị như học viện, nhà trường chuẩn bị 140 điểm cách ly, khả năng có thể tiếp nhận được trên 44.000 người. Những điểm cách ly này chủ yếu là các trường quân sự các tỉnh, các đơn vị có đủ điều kiện để cách ly như: Cách xa khu dân cư, có hàng rào bảo vệ, có đủ điều kiện canh gác, bảo vệ cũng như đủ điều kiện đảm bảo về giường ngủ, các nhu yếu phẩm cần thiết như các vật dụng cá nhân (chăn, chiếu, màn…) bảo đảm cho công dân ở các điểm cách ly vẫn sinh hoạt được bình thường.
Tuy nhiên, nhằm bảo đảm việc cách ly này thì ngay từ khâu tổ chức tiếp nhận ở sân bay đã phải phân loại, sàng lọc được, điểm tiếp nhận ở sân bay phải phối hợp với y tế của địa phương, làm tốt khai báo y tế từ cửa khẩu, có biện pháp sàng lọc ngay từ đầu để hạn chế các ca có thể nhiễm bệnh hoặc có triệu chứng nhiễm bệnh.
Hiện lực lượng quân y có 2 Viện Y học dự phòng ở cấp chiến lược và 11 đội y học dự phòng của các quân khu, quân đoàn với 5 đội cơ động phòng chống dịch; 30 bệnh viện quân y với tổng số 977 giường truyền nhiễm, có khả năng mở rộng lên 2.429 giường.
Đến nay, đã kiện toàn và sẵn sàng triển khai 154 tổ cơ động phòng chống dịch từ các bệnh xá quân y và đội y học dự phòng các quân khu, quân đoàn; 14 tổ chuyên khoa tăng cường của các bệnh viện quân y; 20 đội cơ động phòng chống dịch của các bệnh viện quân y (tham gia vào 45 đội phản ứng nhanh của Chính phủ); 7 bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính với 2.800 giường.
Toàn quân đã sử dụng 3 đội cơ động phòng chống dịch và 429 lượt tổ cơ động phòng chống dịch và tổ quân y tăng cường cho các điểm cách ly, các đơn vị làm nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19.
Về tổ chức ở các địa điểm cách ly vừa rồi, vẫn tiếp tục làm tốt công tác khám sức khoẻ. Lực lượng y tế ngoài quân y phải phối hợp, tăng cường lực lượng y tế địa phương. Lực lượng quân y ở các đơn vị là nòng cốt. Tất cả lực lượng tiếp xúc trực tiếp với công dân được cách ly đều phải trang bị phương tiện bảo hộ như quần áo, khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, phải làm đúng quy trình để những người làm nhiệm vụ cũng không bị lây nhiễm chéo nếu tiếp xúc trực tiếp với những ca sau này sẽ bị nhiễm bệnh.
Những trường hợp phát hiện ra triệu chứng như ho, sốt, khó thở đều được chuyển ngay tới các bệnh viện ở địa phương để tiếp tục theo dõi, xét nghiệm, chẩn đoán xem có phải trường hợp bị bệnh không. Những trường hợp này phải làm rất kịp thời không sẽ phát sinh lây nhiễm trong cộng đồng người cách ly.
Cục Quân y cũng đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt các biện pháp trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm chéo. Những người cách ly trong sinh hoạt cũng phải theo lịch thống nhất chung trong khu cách ly về ăn uống, ngủ nghỉ, hạn chế các sinh hoạt cộng đồng như tụ tập đánh bài, tụ tập ăn uống, tổ chức các hoạt động thể thao tập thể trong khu cách ly.
Tuy nhiên, các hoạt động văn hoá tinh thần trong khu cách ly vẫn được đảm bảo. Ví dụ như đảm bảo mạng internet cho công dân có thể truy cập được thông tin, tổ chức truyền thanh nội bộ để tuyên truyền thông tin… Những hoạt động này nhằm giúp công dân được thoải mái nhất trong quá trình cách ly.
Còn về đảm bảo ăn uống, có những điểm cách ly áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Nếu đủ điều kiện và khả năng thì sẽ do các lực lượng nuôi quân của quân đội đảm nhiệm, tổ chức ăn uống tốt theo tiêu chuẩn tiền ăn 57.000 đồng/người/ngày.
Trường hợp được địa phương hỗ trợ sẽ có được mức tốt hơn, những địa điểm không tổ chức được bếp ăn thì do Sở Y tế địa phương đảm nhiệm, ví dụ như trường hợp của TPHCM.
Tất cả các khu cách ly đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, theo thống kê thì đến giờ này chưa có trường hợp nào bị ảnh hưởng do thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi đảm bảo nuôi dưỡng tốt công dân trong các điểm cách ly.
Dịch bệnh giai đoạn 2 được đánh giá là diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát là có thể nếu không kiểm soát tốt và có nguy cơ dịch xâm nhập vào quân đội. Bộ Quốc phòng sẽ dùng những biện pháp và giải pháp gì để ngăn chặn dịch trong thời gian tới?
Đại tá Nguyễn Hoàng Nam: Về những giải pháp thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư; Chỉ thị, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 260-CT/QUTW ngày 19-3-2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương; Chỉ thị, Chỉ đạo, Công điện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong quân đội và sẵn sàng hỗ trợ cho nhân dân.
Tiếp tục quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc” với phương châm “4 tại chỗ” là chính, tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện Nghị định 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng thủ dân sự; Nghị định 118/2015/NĐ-CP về quy định công tác kết hợp quân dân y để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn một cách hiệu quả nhất.
Bộ Quốc phòng xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quân đội phải là lực lượng đi đầu trong phòng chống dịch; phải hoàn thành và hoàn thành xuất sắc; sẵn sàng, chủ động triển khai thực hiện với bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường, bình tĩnh và không hoang mang, dao động.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch; kiên quyết không để dịch bệnh lan vào trong quân đội, giữ vững quân số khỏe để thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tự phòng chống cho mình trước để duy trì và bảo đảm tình trạng sức khỏe tốt nhất phục vụ nhân dân (quán triệt bộ đội hạn chế tham gia công việc bên ngoài doanh trại nếu không có nhiệm vụ, nhất là những chỗ tập trung đông người).
Thời gian tới dự kiến số lượng người cách ly sẽ đông lên nên theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân vẫn tiếp tục rà soát lại các doanh trại. Có vị trí sẽ dồn ghép các đơn vị lại để nhường chỗ ở cho công dân tiếp tục vào tổ chức cách ly. Những đơn vị đó vẫn phải bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, vẫn phải duy trì cao, duy trì tốt khả năng sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ nếu được giao các tình huống cao hơn. Các bệnh viện của quân đội sẵn sàng triển khai các bệnh viện truyền nhiễm dã chiến, các tổ đội phòng chống dịch cơ động cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được giao.
Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19, phải chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống những dịch bệnh khác (dịch tả lợn châu Phi, H5N1…); tiếp tục thực hiện tốt công tác tăng gia sản xuất để tạo nguồn vật chất bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ.
Bộ Quốc phòng cũng đang chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân rà soát doanh trại để tiếp tục bổ sung thêm các điểm cách ly mới.
Nhật Nam (thực hiện)