Quân đội của nước vừa đồng ý gia nhập NATO mạnh đến mức nào?
Trong tuyên bố ngày 15/5, chính phủ Phần Lan ra thông cáo cho biết nước này đã chính thức quyết định trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thông cáo cho biết thêm rằng báo cáo về kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan sẽ được đệ trình lên Quốc hội nước này sau khi bản kế hoạch được thông qua tại phiên họp toàn thể của chính phủ.
Giới chuyên gia nhận định, với việc gia nhập NATO, Phần Lan có thể nâng tầm vị thế an ninh của nước này. Vậy thì đổi lại, ở khía cạnh an ninh tập thể, Phần Lan có thể mang lại cho NATO những gì một khi có đầy đủ tư cách thành viên?
Để trả lời câu hỏi đó, trang tin 19fortyfive đã có bài phân tích về sức mạnh quân đội của Phần Lan.
Đất nước nhỏ – Quân đội nhỏ
Phần Lan chỉ có 5,5 triệu dân nên họ sẽ bị hạn chế phần nào về quy mô nhân lực có thể đóng góp cho quân đội thường trực. Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò gần đây từ hãng truyền hình YLE, có tới 76% người dân Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO. Theo 19fortyfive, điều đó có nghĩa nhiều người sẽ sẵn sàng nhập ngũ, hoặc ít nhất là không chống đối chế độ nghĩa vụ quân sự của đất nước.
Lực lượng vũ trang Phần Lan hiện chỉ có 19.000 quân thường trực thuộc các binh chủng và 3.000 lính biên phòng. Tuy nhiên, họ có 280.000 quân dự bị đã trải qua một số khóa huấn luyện quân sự.
Mức chi tiêu quốc phòng khá tốt Chi tiêu quốc phòng của Phần Lan trước đây thường chiếm khoảng 1% GDP. Từ năm 2012-2015, con số này tăng lên 1,2% nhưng một số căn cứ quân sự lại bị đóng cửa. Sau giai đoạn này, Phần Lan bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn nữa cho quốc phòng.
Năm 2022, chi tiêu quốc phòng của Phần Lan dự kiến sẽ chiếm tới 1,9 % GDP (khoảng 5 tỷ euro, và có thể sẽ tăng thêm 788 triệu euro vào năm 2023), gần với mức chi tiêu lý tưởng (2% GDP) mà NATO muốn thấy ở các quốc gia thành viên của họ. Ước tính đến năm 2023, chi tiêu quốc phòng của Phần Lan có thể sẽ chiếm tới 2,2% GDP.
Tích cực mua sắm khí tài hiện đại
Khi ngân sách quốc phòng tăng lên, Phần Lan tích cực mua sắm các khí tài quân sự mới. Đối với một đất nước nhỏ bé như vậy, nỗ lực hiện đại hóa của họ rất ấn tượng.
Theo trang tin War on the Rocks, chính phủ Phần Lan đã đặt mua hệ thống tên lửa không-đối-đất tầm xa AGM-158 từ Mỹ năm 2012, các hệ thống pháo phản lực phóng loạt và xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 từ Hà Lan năm 2014, pháo tự hành K9 của Hàn Quốc năm 2017, và gần đây nhất là tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ năm 2021.
Cách đây vài năm, Hải quân Phần Lan đã tiến hành hiện đại hóa các tàu chiến lớp Hamina, khả năng tác chiến dưới nước của họ cũng được cải thiện nhờ tích hợp ngư lôi và thiết bị định vị thủy âm ở các độ sâu khác nhau.
Phụ thuộc vào lực lượng dự bị
Không quân và Hải quân là hai lực lượng giữ vai trò phòng thủ chính của Phần Lan nên được trang bị các loại khí tài hiện đại nhất. Tuy nhiên, một số con tàu của họ lại đang được vận hành bởi các thủy thủ dự bị – những người sẽ luân phiên nhau làm nhiệm vụ. Trong khi đó, sẽ lý tưởng hơn nếu Hải quân Phần Lan có các thủy thủ thường trực, phục vụ toàn thời gian trên những con tàu này.
Sẵn sàng cho các nhiệm vụ lớn hơn
Phần Lan có một đội ngũ binh sĩ nhỏ tham gia thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo và gìn giữ hòa bình ở một số quốc gia, vì vậy nước này sẽ có một số kinh nghiệm khi phải chia sẻ nghĩ vụ với các đồng minh, nhất là trong các nỗ lực đảm bảo an ninh tập thể khi họ gia nhập NATO.
Trước đây, Phần Lan đã tổ chức các đợt huấn luyện quân sự chung với Na Uy – một quốc gia thành viên NATO nhưng chủ yếu phục vụ cho mục tiêu phòng thủ trong nước, chứ không phải cho các đợt triển khai viễn chinh.
Thế mạnh về tình báo, xe tăng và pháo binh
Phần Lan đã tạo được tiếng tăm tốt trong cộng đồng tình báo châu Âu vì họ đã thu thập dữ liệu tình báo từ Nga trong suốt một thời gian dài, và duy trì được ưu thế cạnh tranh trong các cuộc chiến trước đây.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Foreign Policy, Thiếu tướng Pekka Toveri – người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của Phần Lan đến năm 2020 – tự hào nói: “Đặt trong mối tương quan với diện tích quốc gia thì quân đội của Phần Lan đã thuộc hàng quy mô lớn, chúng tôi có lực lượng pháo binh và thiết giáp đồ sộ nhưng về cơ bản, khả năng sẵn sàng triển khai không cao lắm”.
“Một số binh chủng của quân đội có thể cơ động tới các khu vực gần Phần Lan, như chúng tôi đã thể hiện trong các cuộc tập trận của NATO” – Ông Toveri cho biết thêm.
Mục tiêu cần hướng tới
Theo 19fortyfive, để trở thành một thành viên NATO hiệu quả, Phần Lan cần chuẩn bị sẵn sàng triển khai lực lượng dự bị. NATO có thể sẽ muốn Phần Lan tham gia vào các cuộc tập trận liên minh quy mô lớn ở Bắc Âu.
Ngoài ra, quốc gia này cũng cần bổ sung quân số và tăng cường cho các lực lượng đặc biệt như Trung đoàn Utti Jaeger.
Phần Lan cũng có thể sẽ muốn đào tạo thêm lực lượng dự bị, và cho phép lực lượng dự bị bán thời gian tình nguyện tham gia vào các nhiệm vụ toàn thời gian.
Kết luận
Nhìn chung, theo đánh giá của 19fortyfive, Phần Lan sẽ là mảnh ghép bổ sung có lợi cho NATO. Điều họ còn thiếu là năng lực triển khai viễn chinh cho phép lực lượng vũ trang Phần Lan có thể cơ động tới các địa bàn bên ngoài đất nước. Tuy nhiên, xu hướng này có thể sẽ thay đổi trong tương lai sau khi Phần Lan trở thành thành viên chính thức của NATO.
Khai Tâm