+
Aa
-
like
comment

Quan điểm xử lý của Việt Nam với các vấn đề quốc tế nóng khi vào HĐBA

12/12/2019 15:35

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế lớn là tích cực và xây dựng.

Đối với các vấn đề quốc tế còn có nhiều quan điểm khác biệt như cuộc chiến ở Syria, hạt nhân Triều Tiên, tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, căng thẳng giữa Israel và Palestine… khi làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Việt Nam hết sức coi trọng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định trong buổi họp báo quốc tế về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 sáng 12/12.

quan diem xu ly cua viet nam voi cac van de quoc te nong khi vao hdba hinh 1
Họp báo quốc tế về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Theo ông Lê Hoài Trung, thực tế những vấn đề nóng nêu trên chiếm phần lớn trong các chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an và cần phải nghiên cứu kỹ tình hình. Theo đó, đầu tiên phải lắng nghe quan điểm của các bên liên quan trực tiếp.

Thứ hai, xem xét vấn đề dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc: mục đích hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh; tôn trọng độc lập chính trị, quyền dân tộc tự quyết của các quốc gia, các dân tộc; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực.

Bên cạnh việc đảm bảo các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng cần phải tôn trọng những nghị quyết đã có của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Liên Hợp Quốc về các vấn đề có liên quan.

Cuối cùng, phải nhìn thấy quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên có liên quan.

“Nói nghe trừu tượng vậy, nhưng khi nảy sinh vấn đề, chúng ta phải xử lý theo hướng đó”, “Nếu một sự kiện xảy ra, đầu tiên phải xem có vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế hay không? Đã có nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an về hành động đó hay chưa? Quy định về hành động đó như thế nào? Quốc gia trực tiếp liên quan và các quốc gia liên quan gián tiếp nêu quan điểm ra sao? Lo ngại của họ thế nào? Tổ chức khu vực suy nghĩ về vấn đề đó như thế nào?”, Thứ trưởng Hoài Trung nhấn mạnh. “Ví dụ như ở châu Phi thì phải lắng nghe các nước châu Phi mà là ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an”.

Theo ông Lê Hoài Trung, cũng cần phải dựa trên đường lối đối ngoại của Việt Nam để cân nhắc xử lý vấn đề. Việt Nam đã có sự chuẩn bị, nghiên cứu với sự tham gia của nhiều Bộ, Ban, ngành liên quan. Diễn biến tình hình thế giới chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi không thể lường trước hết được.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế lớn là tích cực và xây dựng, Việt Nam không có chủ trương phát triển vũ khí hàng loạt, Việt Nam chống khủng bố dưới mọi hình thức và mong muốn giải quyết các căng thẳng, bất đồng quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc.

“Việt Nam rất mong muốn có hòa bình, phấn đấu vì hòa bình. Chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ góp phần vào phát huy vai trò của Hội đồng, để tạo môi trường thuận lợi, quốc tế, khu vực hòa bình, ổn định hơn, điều này sẽ rất thuận lợi cho phát triển của Việt Nam… Qua đó, Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương, quan hệ với các tổ chức, khu vực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo điều kiện giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, về thành tựu, năng lực của Việt Nam, vị thế quốc tế, tạo niềm tin trong cán bộ, nhân dân về đường hướng đối ngoại, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.

Hùng Cường/VOV

Bài mới
Đọc nhiều