Quán cơm 2.000 đồng đầu tiên ở Hà Nội
2.000 đồng ở thành phố lớn như Hà Nội khó có thể mua được bó rau, cân thịt, nhưng với quán cơm Yên Vui, khoản tiền nhỏ sẽ giúp người lao động nghèo có một bữa ăn no.
“Cô, bác ăn ngon miệng thì chúng tôi hạnh phúc rất nhiều”, đó là phương châm hoạt động của quán cơm Yên Vui tại số 136 ngõ 88 Trần Quý Cáp (Đống Đa, Hà Nội) do các thành viên Quỹ từ thiện Bông Sen làm chủ, nhằm hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Những vị khách đặc biệt
12h trưa thứ sáu, ngập ngừng đứng trước cửa quán một hồi lâu mới quyết định vào, bà Thúy àm nghề bán hàng rong chia sẻ: “Không tin được một suất cơm, bát phở lại có giá 1.000, 2.000 đồng. Năm nay vì dịch bệnh không có việc làm nên cả gia đình rất khó khăn về kinh tế. May biết đến quán cơm này mà tôi đỡ tiền cơm trưa”.
Cùng cảm xúc như bà Thúy, ông Tân (58 tuổi, làm nghề xe ôm) tâm sự: “Cuộc sống quanh năm chỉ phụ thuộc vào những cuốc xe ôm truyền thống nay có quán cơm giá rẻ như này tôi mừng lắm”.
Nhờ có những suất cơm, bát phở ở đây mà từ nay người đàn ông 58 tuổi này không còn phải nhịn đói, uống nước cầm hơi trong những ngày ế khách. “Cơm rất ngon, cảm ơn mọi người”, ông ăn xong không quên nở nụ cười cảm ơn những nhân viên tại quán.
Niềm vui của bà Thúy, ông Tân cũng là niềm vui của những người lao động nghèo đang là những vị khách ở quán cơm này. Trong số họ, có người chạy xe ôm, người bán hàng rong, có người là học sinh, có người ngồi trên xe lăn hay tập tễnh trên đôi nạng gỗ… Tất cả đều đứng ngay ngắn xếp hàng cầm trên tay những tờ tiền lẻ, được vuốt kỹ phẳng phiu như cách để họ trân trọng những người đã mang đến bữa ăn ngon, mang đến chút hạnh phúc, ấm áp và sự sẻ chia đầy tình người trong mùa đông lạnh giá.
Lấy trong túi ra 1.000 đồng, vuốt cẩn thận, chị Tuyết, làm nghề bán hàng rong vừa cảm ơn vừa đưa tiền cho nhân viên rồi nhận phiếu. Chị kể, đây là lần thứ 2 chị đến quán. “Ăn lần thứ 2 rồi mà tôi vẫn không tin lại có suất cơm, bát phở giá 2.000 đồng. May có suất cơm nên từ nay tôi có thể tiết kiệm thêm được tiền gửi về cho gia đình ở quê”, chị Tuyết cười tươi.
Đối với những người lao động nghèo tại đây, để có được một bữa cơm trưa là cả một cuộc chiến sinh tồn khi mà kinh tế đang ngày càng khó khăn, nhiều lúc họ phải nhịn đói vì không có đủ tiền để ăn cơm.
Không chỉ được ăn no mà số tiền chắt góp từ những phần ăn nghĩa tình này có thể giúp bà Thuý mua thêm được cho con trai ở quê thêm chiếc áo ấm để mùa đông bớt lạnh, chị Tuyết mỗi tháng gửi về nhà thêm được vài trăm nghìn và ông Tân những ngày ế khách không còn phải nhịn ăn, uống nước cầm hơi…
Đúng như tên gọi, quán cơm Yên Vui luôn mang đến những niềm vui, an ủi cho những con người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhìn những vị khách đặc biệt ăn ngon lành, ai cũng ấm lòng hơn với những suất cơm nghĩa tình được trao đi.
Lợi nhuận là những nụ cười
“Đừng ngần ngại, các cô chú cứ vào ăn cơm đi”, anh Nguyễn Cao Sơn, chủ nhiệm quán cơm cười tươi vẫy tay một người đang chần chờ trước cửa. Đúng như tên gọi, quán cơm này mang đến nhiều niềm vui, an ủi cho những con người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Anh Sơn chia sẻ: “Chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ những người thu nhập thấp một cách thiết thực. Họ cần một bữa cơm no và vui vẻ. Chúng tôi muốn ai bước vào và đi ra đều có một niềm vui”.
Đối tượng phục vụ của quán ưu tiên người lao động thu nhập thấp như người tàn tật, lao động tự do, học sinh… Mỗi suất ăn chay có giá 1.000 đồng, mỗi suất ăn mặn giá 2.000 đồng, gồm đủ 3 món: mặn, rau, canh kèm hoa quả hoặc bánh ngọt tráng miệng.
Theo chủ nhiệm quán, ý nghĩa của 2.000 đồng là để người đến ăn sẽ thấy rằng, họ có bỏ tiền mua cơm, bạn mua tôi bán, không ai nợ ai hay cho ai điều gì, như vậy không có cảm giác bị bố thí, cảm thấy thoải mái khi được dùng bữa. Anh Sơn hiểu người nghèo cũng có lòng tự trọng của họ.
“Mong muốn anh chị em ở quán gửi gắm cho bà con là thời gian này ai cũng rất khó khăn, nhưng vẫn còn rất nhiều tình thương của mọi người dành cho nhau. Lòng tử tế sẽ giúp bà con bước qua giai đoạn khó khăn”, anh Sơn chia sẻ.
Quán cơm từ thiện Yên Vui mới đi vào hoạt động từ ngày 14/12 sau nhiều thời gian ấp ủ, lên kế hoạch. Quán mở bán từ 11h các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần. Tại đây, nếu ai có nhu cầu thêm cơm và canh sẽ không tính tiền, nếu chưa no bụng có thể tiếp tục xếp hàng mua thêm phần ăn nữa.
Mục tiêu quán đặt ra mỗi ngày bán sẽ phục vụ 120-150 suất cơm. Anh Sơn cho biết hiện đã có nhà hảo tâm ngỏ ý về mặt bằng, nguồn thực phẩm cùng chung tay mở cơ sở thứ hai tại Hà Nội. “Người nhường cái này, người góp cái kia, tôi tin quán sẽ vận hành tốt”, chủ nhiệm quán bộc bạch.
Có lẽ lợi nhuận lớn nhất từ quán cơm này chính là những nụ cười, niềm hạnh phúc trên khuôn mặt của người nhận lẫn người cho. 2.000 đồng/suất cơm, bát phở chính là món quà tặng cho những người lao động nghèo sự vui vẻ, tiếp thêm chút niềm tin để họ tiếp tục vượt qua khó nhọc trong cuộc sống.
Thanh Thương/ ZF