Quan chức phải biết cách từ chối quà tặng không đúng quy định
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành nghị định số 59 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tham nhũng.
Một trong những nội dung nổi bật của nghị định này là quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Về việc nhận quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối. Trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.
Đối với người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng và nộp lại quà để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Nghị định quy định rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cấm lãnh đạo 14 bộ kinh doanh trong ngành 2 năm đầu về hưu
Ngoài ra, nghị định quy định rõ các lĩnh vực mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khỉ thôi chức vụ.
Cụ thể, dự thảo quy định lãnh đạo, quản lý của 14 bộ ngành khi thôi giữ chức vụ không được kinh doanh ở lĩnh vực mình quản lý được chia làm 4 nhóm.
Nhóm 1 quy định, quan chức về hưu hoặc thôi việc không được kinh doanh lĩnh vực mình quản lý trong thời gian 12-24 tháng. Đó là các bộ: Công thương, GTVT, KH-ĐT, LĐ-TB-XH, NN&PTNT, Tài chính, TN&MT, TT&TT, Xây dựng, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UB Quản lý vốn nhà nước tại DN, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Nhóm 2 gồm 6 bộ ngành: Bộ GD-ĐT, KH-CN, Bộ VH-TT-DL, Y tế; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UB Dân tộc, quan chức đã nghỉ không được kinh doanh trong 6-12 tháng.
Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao do Bộ trưởng của 3 bộ này ban hành thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ.
Nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án, kế hoạch do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt thì thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phân, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ trong từng lĩnh vực thuộc các nhóm quy định.
(Theo Vietnamnet)