+
Aa
-
like
comment

Quan chức Mỹ: Ấn Độ và Việt Nam sẽ định hình tương lai của châu Á

20/11/2021 08:18

Chính quyền Mỹ coi Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia quan trọng mà Washington muốn tăng cường hợp tác, lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết .

Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia, hôm 19/11 cho biết Ấn Độ, cùng với Việt Nam và một số nước khác, đứng đầu danh sách các quốc gia quan trọng sẽ định hình tương lai châu Á, Nikkei Asia đưa tin.

Viet Nam la quoc gia trong tam chien luoc cua My anh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.

“Tôi tin rằng bất cứ ai nắm quyền ở Washington, đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, sẽ làm những gì cần thiết để xây dựng mối quan hệ đó”, ông nhận định.

Ông chỉ ra nhiều công ty sản xuất và công nghệ cao đang tìm đến Việt Nam “để đa dạng hóa cổ phần, đầu tư, mô hình thương mại ở châu Á”, đồng thời lưu ý về “sự tăng trưởng đáng kể của Việt Nam” trong lĩnh vực công nghệ.

“Họ đang nâng tầm vị thế ngoại giao của quốc gia mình”, ông nói, ghi nhận vai trò tích cực của Việt Nam trong ASEAN.

Ông Campbell cho rằng phía lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần gần gũi hơn, với các cuộc gặp hướng tới việc chia sẻ mục đích chiến lược thực sự.

“Đây sẽ là quốc gia quan trọng, không chỉ về mặt chiến lược mà còn về mặt thương mại và công nghệ”, ông khẳng định. “Dù có giá trị tổng thể khác biệt, tôi tin hợp tác chặt chẽ cùng Việt Nam sẽ có tính quyết định với chúng ta trong tương lai”.

Ông Kurt Campbell, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ

Trong khi đó, ông đánh giá Ấn Độ sẽ là nhân tố chính tại chính trường toàn cầu trong thế kỷ XXI.

“Tôi rất lạc quan về tương lai với Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng tất cả đều nhận ra thành viên cốt yếu trong Bộ Tứ (QUAD) là Ấn Độ”, ông Campbell đề cập đến Đối thoại Tứ giác An ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Vị thế truyền thống của Ấn Độ là không liên kết đã khiến QUAD không giống như NATO của châu Á hay AUKUS. Nhà ngoại giao cho biết cuộc đụng độ biên giới năm 2020 với Trung Quốc trên dãy Himalaya đã tác động sâu sắc đến tư duy chiến lược của Ấn Độ.

“Mô hình chiến lược mới” đã khuyến khích Ấn Độ “tiếp cận và xây dựng, không chỉ với Mỹ mà còn với các quốc gia khác, mối quan hệ bền chặt hơn để báo hiệu Ấn Độ không đơn độc”, ông Campbell nói.

Với AUKUS, ông Campbell cho biết sẽ có nhiều thủy thủ Anh và Australia phục vụ trên các tàu hải quân của Mỹ, cũng như những khí tài của Mỹ sẽ được triển khai tại Australia.

Ông nhận định sự hợp tác như vậy với các đồng minh và đối tác “sẽ là đặc điểm quan trọng nhất trong chiến lược hiệu quả ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều