Sở Y tế đề xuất khởi đầu triển khai thí điểm thẻ xanh Covid trên địa bàn Q.7 để đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.
Chiều 18.9, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM về việc áp dụng thẻ xanh Covid trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM.
Về chuyên môn y tế, thẻ xanh Covid được xem là một hình thức công nhận cho một người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại SARS-CoV-2, nhờ đã tiêm vắc xin hoặc mắc Covid-19 đã khỏi và đã hoàn thành thời gian cách ly. Người có thẻ xanh Covid sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 hoặc nếu có thì sẽ giảm nguy cơ chuyển nặng, nhưng không đồng nghĩa với xác nhận cá nhân đó sẽ không lây nhiễm vi rút cho người khác.
Về điều kiện để có thẻ xanh Covid, theo Sở Y tế TP.HCM, chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (đối với loại vắc xin phải tiêm 2 mũi) và ở thời điểm ít nhất 2 tuần sau tiêm, hoặc đã mắc Covid-19 và có giấy công nhận đã hoàn thành thời gian cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn cấp. Tuy nhiên, người có thẻ xanh Covid vẫn phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm định kỳ theo quy định của Bộ Y tế (tần suất xét nghiệm tùy thuộc vào mức độ nguy cơ của các lĩnh vực, ngành nghề).
Về hình thức, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ thẻ xanh Covid, sẽ được tích hợp trên ứng dụng “Y tế HCM” nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi cần khai báo đã tiêm vắc xin, cùng với tích hợp kết quả xét nghiệm và khai báo y tế. Trên ứng dụng sẽ thể hiện rõ đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin.
Có chứng nhận “xanh” mới được mua hàng
Quán cháo vịt Trang (đường Nguyễn Thị Thập) là 1 trong 19 điểm kinh doanh tại phường Bình Thuận (quận 7) được treo biển “hộ kinh doanh xanh”, nằm trong nhóm thí điểm hoạt động sau khi đăng ký các phương án phòng chống dịch và hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.
Theo chị Nguyễn Thị Thủy Trang – chủ quán cháo vịt này, quán chủ yếu bán qua app, sức mua chỉ mới bằng 1/5 so với trước dịch.
Với khách đến mua trực tiếp, theo quy định của địa phương, quán chỉ bán cho những người đã tiêm 2 mũi có chứng nhận “xanh” và người đi chợ hộ, còn người đã tiêm 1 mũi phải quét mã QR khai báo y tế.
Do đó, nhiều người đến mua hàng nhưng không có các giấy tờ chứng minh đã tiêm vắc xin hoặc không có điện thoại thông minh để quét mã QR khai báo y tế nên bị từ chối bán hàng.
Theo chị Trang, trong sáng 18-9 chị đã hai lần bị địa phương nhắc nhở vì khách hàng đặt mua song khi kiểm tra lại không có “thẻ xanh”.
Trưa cùng ngày, 4 nhân viên tại tiệm cơm tấm Phúc Lộc Thọ 13 (đường Nguyễn Thị Thập) làm việc không nghỉ tay mới kịp soạn cơm cho khách hàng, chủ yếu đặt qua app và được shipper đến lấy hàng.
Theo bà Nhi, giá các hộp cơm không thay đổi, song giá nguyên liệu đầu vào tăng 10 – 15% cộng với chi phí xét nghiệm khiến chi phí bị đội lên cao hơn trước.
Tương tự, sau 3 ngày hoạt động trở lại, số đơn hàng đặt qua app mà tiệm phở Trang (đường Huỳnh Tấn Phát) nhận được cũng tăng gấp đôi so với ngày đầu tiên.
Anh Nguyễn Văn Phúc – đại diện tiệm – cho hay các nguyên liệu đầu vào có tăng nhẹ, riêng giá cả các loại rau tăng gấp 2 – 3 lần nên tiệm phải giảm số lượng rau cho mỗi suất ăn.
Hoạt động lâu nay bây giờ thí điểm
Theo danh sách hơn 150 hộ kinh doanh và doanh nghiệp được phép tái hoạt động của UBND quận 7, số hộ kinh doanh ăn uống chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, trong đó có những phường không có hộ kinh doanh ăn uống tham gia thí điểm.
Tại phường Tân Thuận Tây và phường Phú Mỹ đều có 7 doanh nghiệp tham gia thí điểm, song đều thuộc về 3 lĩnh vực là cửa hàng xăng dầu, nhà thuốc và siêu thị.
Tương tự, phường Phú Thuận có 17 doanh nghiệp được thí điểm, chủ yếu là siêu thị, nhà thuốc và cửa hàng gas mà không có một tiệm kinh doanh ăn uống nào nằm trong danh sách này. Tại các phường khác, số lượng hộ kinh doanh thực phẩm nhiều hơn, song cũng chỉ 3 – 5 tiệm mỗi phường, còn lại là cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhà thuốc… đã mở cửa suốt thời gian qua.
Ông Trần Quang Quỳnh – chủ tịch UBND phường Tân Phú – cho biết việc phân bổ các loại hình doanh nghiệp tham gia thí điểm do tổ công tác của quận 7 thực hiện, trong đó tại phường này có 5 hộ kinh doanh thực phẩm được tham gia thí điểm.
Theo ông Quỳnh, quận đang có kế hoạch cấp phép thẩm định cho các phường, khi đó số lượng các hộ kinh doanh và tiệm ăn đạt tiêu chí, đảm bảo hoạt động an toàn sẽ tiếp tục được mở cửa nhiều hơn.
Theo bà Phan Trang Hương – trưởng Phòng kinh tế quận 7, số lượng tiệm ẩm thực tham gia thí điểm ít do mức độ an toàn của từng phường, có những phường số lượng tiệm ẩm thực đăng ký nhiều nhưng khi thẩm định chưa đảm bảo nên chưa được hoạt động.
Bà Hương thừa nhận các siêu thị, nhà thuốc, cửa hàng xăng dầu… đã hoạt động lâu nay nhưng quận muốn đánh giá lại mức độ an toàn trước khi nhân rộng nên đưa vào danh sách thí điểm.
Không phải nói mở là mở bung
Trong những nội dung được TP.HCM cho thí điểm tại các vùng xanh (quận 7, huyện Cần Giờ và Củ Chi ), ngoài chuyện đi lại và mua bán còn có việc mở cửa các công viên nội khu dân cư, khu chung cư. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn rất dè dặt trong việc cho phép người dân xuống công viên tập thể dục, chưa nói đến việc ra đường.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh – chủ tịch UBND phường Tân Phong (quận 7), phường vẫn đang chờ chỉ đạo của quận về việc cho dân đi tập thể dục tại các công viên nội khu dân cư, khu chung cư.
“Điều thuận lợi là các khu này khép kín và dễ quản lý, nhưng chúng tôi vẫn phải chờ, chưa dám triển khai ngay. Về cấp “thẻ xanh” COVID-19, phường chưa áp dụng, chỉ mới phát phiếu đi chợ cho dân vùng xanh, mỗi tuần 1 lần”, bà Thanh cho biết.
Ông Trần Chí Dũng – phó bí thư thường trực Quận ủy quận 7 – khẳng định địa bàn này vẫn đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, “người dân vẫn phải chấp hành ai ở đâu ở yên đó”.
“Không phải nói mở là mở bung ra, ai muốn đi ra ngoài thì ra” – ông Dũng nói.
Tương tự, ông Trương Tiến Triển – phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ – cho biết địa phương này vẫn còn ca F0 trong khu cách ly nên phải cẩn trọng. “Giả sử nếu mở ra, người trở về Cần Giờ từ các địa phương sẽ dẫn tới khả năng lây lan dịch rồi lại phức tạp trở lại”, ông Triển nói.
Hồng Anh