Quà tặng kỳ đại hội, xin nhớ: Còn trên trông xuống, còn ngoài trông vào…
Trong các kỳ đại hội Đảng đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố mặc dù nhiều nơi, việc mua, tặng quà cho các đại biểu đã làm đúng nhưng vẫn có một số nơi làm chưa đúng, gây nên điều tiếng…
Vừa qua trên báo chí, mạng xã hội, đã có nhiều thông tin về việc tại Đại hội Đảng bộ của tỉnh này, tỉnh kia còn có việc mua sắm gây bức xúc dư luận như mua cặp da, máy tính bảng… Có nơi thì lên cả gói thầu để mua cả quần áo vest, đèn bàn… cho đại biểu. Có không ít ý kiến cho rằng, nhiều gói mua sắm đó là lãng phí, không đúng quy định. Nhưng như thế nào mới là đúng quy định?
Từ năm 2014, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành quy định số 39-QĐ/VPTW về chế độ chi tổ chức Đại hội Đảng các cấp cơ sở, cấp trên cơ sở tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, trong đó đã quy định rõ một số mức chi cụ thể. Như về quà tặng, văn bản trên có ghi tại khoản 13, điều 3: Chi mua cặp, sổ, bút, huy hiệu, phù hiệu… Và trong tổng chi chi kỳ Đại hội Đảng bộ một số tỉnh, thành phố như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, mức chi không quá 600 triệu đồng.
Mức chi cho Đại hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại tối đa là 400 triệu đồng. Mức chi tổ chức Đại hội Đảng bộ quận, huyện, thành, thị trực thuộc tỉnh, thành phố còn thấp hơn nữa: Tối đa 150 triệu đồng; còn với các Đảng bộ tương đương cấp quận, huyện: mức chi tối đa là 60 triệu đồng. Như vậy, trong tổng chi trên, với rất nhiều khoản phải chi quan trọng khác như chi phí tổ chức đại hội, chi cho việc thuê phòng nghỉ cho các đại biểu, chi cho tuyên truyền… thì chi phí quà tặng không thể cao được vì còn phải cân đối với các khoản chi khác, nếu không muốn “vỡ quỹ”.
Hiện chưa rõ trong kỳ Đại hội Đảng các cấp lần này, có quy định nào mới hơn cho việc mua sắm quà tặng cho các đại biểu tham dự. Nhưng tham khảo quy định tại văn bản trên có thể thấy, việc chi tiêu, mua sắm tặng quà cho đại biểu tại Đại hội đảng bộ một số địa phương vừa qua cũng không sai khi mua cặp, sổ, giấy, bút… Vì đó cũng là những khoản chi hợp lý, phù hợp kỳ họp. Chỉ có điều, có những tặng phẩm như cặp da, trước đây, người ta hay in chữ khá to trên cặp thì thường sau kỳ đại hội, người được tặng thường có xu hướng không sử dụng nên thành ra lãng phí. Còn những địa phương nào khéo léo, để in chữ tặng nho nhỏ, phù hợp thôi thì tặng phẩm đó vẫn hữu dụng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, việc mua sắm chưa thật hợp lý. Ví dụ như tỉnh Tuyên Quang đang mời thầu 2 gói thầu (trị giá 2,5 tỷ đồng) may trang phục cho 428 đại biểu nhưng lại ra tiêu chí trang phục phải có chất liệu Cashmere (Italy), nguyên phụ liệu: Cúc áo, khóa quần, chỉ may nhập của Đức; chất liệu vải lót trong của Nhật.
Việc mua sắm tặng phẩm mà tổ chức đấu thầu là rất cần thiết để đảm bảo công khai, minh bạch. Nhưng mua tặng đại biểu lại yêu cầu các tặng phẩm phải là hàng ngoại nhập thì quả thật không phù hợp khi hiện nay nền kinh tế đang khó khăn, cần phải khuyến khích tiêu dùng sản phẩm trong nước để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa.
Hay như tỉnh uỷ Quảng Ninh cũng mới mời thầu trang bị “350 máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S6 Lite hoặc tương đương” với tổng dự toán hơn 3,2 tỉ đồng phục vụ các đại biểu dự Đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra cũng là việc không nên vì chắc chắn với mức kinh phí như vậy đã vượt xa yêu cầu theo quy định.
Có địa phương cũng đã nhanh chóng tiếp thu ý kiến người dân trong việc mua quà tặng đại biểu. Ví dụ như tỉnh Quảng Trị cũng mới chào thầu gới thầu mua “Bình hút tài lộc cao cấp”, là các bình gốm sứ (trị giá khoảng 500-600 ngàn đồng/chiếc) để tặng đại biểu dự Đại hội Đảng bộ của tỉnh này. Nhưng sau khi có nhiều ý kiến góp ý không nên, ngày 3/10, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị đã hủy bỏ gói thầu này.
Do đó, với các địa phương vẫn đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng có lẽ cũng nên xem lại, cân đối mức chi quà tặng như thế nào cho hợp lý, đúng quy định đã có mà vẫn đảm bảo sự trân trọng với các đại biểu tham dự Đại hội tại địa phương mình.
Mạnh Quân/DT