+
Aa
-
like
comment

Quá nhiều ứng dụng, rốt cuộc thẻ xanh Covid-19 dùng ở app nào?

Sơn Ca - 29/09/2021 10:22

Chỉ còn 2 ngày nữa là TP.HCM bước vào “cuộc sống bình thường mới”. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa biết sẽ sử dụng thẻ xanh ở phần mềm nào khi lưu thông.

Áp dụng “thẻ xanh Covid-19” cho người dân đi chợ. Ảnh minh hoạ

Khái niệm thẻ xanh Covid được lãnh đạo TP.HCM thông tin chính thức lần đầu tiên trong cuộc họp lấy ý kiến các doanh nghiệp về kế hoạch phục hồi kinh tế ngày 10.9 và nhấn mạnh đây là điều kiện cần để người dân tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ý tưởng về thẻ xanh Covid của TP.HCM là một chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR (có thể xem trên điện thoại thông minh hoặc in ra thẻ) hoặc là một tin nhắn trên điện thoại làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát. Người dân có thể dùng mã này để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, đăng ký tiêm vắc xin, xét nghiệm (XN); check-in tại các địa điểm công cộng.

Liên tục điều chỉnh

Đến nay, chính quyền TP.HCM chưa công bố chính thức về hình dạng, cách thức thể hiện của thẻ xanh Covid. Tuy nhiên, trong dự thảo chỉ thị về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội có hiệu lực từ ngày 1.10, UBND TP.HCM cho hay sẽ sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và BCĐ phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân cũng như phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông an toàn. Các cơ quan, đơn vị nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động phải đăng ký mã khai báo y tế điện tử, người dân đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ phải khai báo y tế bằng mã QR. Nếu người dân không có thiết bị thông minh thì thực hiện khai báo y tế bằng giấy.

Kể từ ngày 1.10, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng ứng dụng PC-COVID hoặc ứng dụng của TP.HCM, thẻ xanh Covid để kiểm soát và tổ chức lao động. Người dân quét mã QR hoặc xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm soát hoặc tại các địa điểm công cộng. Giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông là 1 trong 2 điều kiện: F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 sau 14 ngày.

Thẻ xanh Covid-19 vẫn đang chờ pháp lý

Người dân có xác nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin đến khám bệnh tại Bệnh viện Q.7 (TP.HCM) ngày 28.9 /// ẢNH: DUY TÍNH
Người dân có xác nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin đến khám bệnh tại Bệnh viện Q.7 (TP.HCM) ngày 28.9

Theo PGS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), có 2 vấn đề cần lưu ý, trong đó về pháp lý cần có quy định về thẻ xanh, vàng; và về công nghệ phải đảm bảo, không thể nhân bản giả mạo; dữ liệu phải được kiểm soát, truy vết được người cập nhật thông tin lên hệ thống.

Bộ Y tế đang xây dựng tính pháp lý về chứng nhận thẻ xanh vắc xin. Ông Tường cho hay hiện tại thẻ xanh hay thẻ vàng trên phần mềm tiêm chủng (tiemchungcovid-19.gov.vn) đang chỉ là yếu tố kỹ thuật, nhưng để có giá trị pháp lý thì cần có văn bản. “Cần có văn bản pháp lý quy định rõ như thế nào là xanh hay vàng, nhưng hiện chưa có quy định đó bằng văn bản. Cùng với đó, quy định chi tiết, xanh được đi những đâu, làm gì; còn thẻ vàng thì được ở mức nào. Các quy định này Bộ Y tế đang dự thảo”, ông Tường nói.

Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin cũng cho biết những người đi nước ngoài thì cần chữ ký số để xác nhận hộ chiếu vắc xin. Khi đó, chữ ký số không chỉ đảm bảo tính pháp lý trong nước mà còn phải được tổ chức quốc tế công nhận. Ví dụ như khi ra nước ngoài, kết quả tiêm chủng của cá nhân cần được tổ chức thế giới công nhận; hoặc đi châu Âu thì cần được EU công nhận chữ ký số của VN.

Hiện nay, VN mới chỉ liên hệ phía EU (chưa liên hệ châu Mỹ), và EU sẽ thông qua một đơn vị độc lập thẩm định xem chữ ký số của VN, hạ tầng có đảm bảo, tin cậy thì mới được chấp nhận.

Ông Tường cho rằng trước mắt, các cá nhân tiêm chủng cần được Bộ Y tế công nhận về thẻ xanh, thẻ vàng. Ví dụ như công nhận ai tiêm 2 mũi vắc xin là thẻ xanh và thêm XN âm tính được đi khắp nơi công cộng. Quy định hành chính cần phải đi trước, là cơ sở để phần mềm triển khai ứng dụng thực tế.

Lo ngại giả mạo, “nhân bản” kết quả tiêm chủng

Tài xế Võ Thái Hạt (SN 1970, Bình Định) tự in thẻ luồng xanh để tiện việc di chuyển qua các chốt kiểm dịch trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Trước đó, hệ thống tiêm chủng như Sổ sức khỏe điện tử từng gặp nhiều sự cố như dữ liệu tiêm vắc xin của người dân bị mất hoặc tiêm 2 mũi chỉ hiện thị 1 mũi. Theo ông Tường, lỗi không có dữ liệu trên hệ thống là do các đơn vị cập nhật không kịp tiến độ, cập nhật không chính xác…, nhưng còn có nguyên nhân lỗi do phần mềm chưa ổn định.

Ông Tường phân tích, với tiêm chủng, cơ bản hiện tại mới chỉ là cập nhật, lưu giữ, số liệu phục vụ quản lý, theo dõi về tiến độ tiêm chủng, tỉnh nào tiêm chậm… Nhưng các dữ liệu sẽ có vai trò quan trọng hơn, cần kiểm soát chặt, không để gian lận, khi số liệu tiêm chủng được áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng. Ví dụ, tỉnh đó cần tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở mức nào để được mở cửa, được bình thường mới…

App chống dịch thống nhất sắp ra mắt

Theo thống kê, có khoảng 12 app phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được triển khai và sử dụng tính từ đầu năm 2020 tới nay, chưa tính tới các app do địa phương phát triển. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, chưa có ứng dụng nào thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ về khai báo y tế theo hướng dẫn tại Quyết định 2666/QĐ-BYT ngày 29.5.2021 của Bộ Y tế. Đặc biệt, chưa liên thông được dữ liệu khai báo, không đọc được QR Code gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm soát, khai thác, truy vết khi cần.

Trước thực trạng này, giữa tháng 9.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app (ứng dụng di động) cho nhân dân, trong đó, quy định rõ “người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)”.

Theo thông tin từ Bộ TT-TT, app chống dịch thống nhất đã được các cơ quan trực thuộc Bộ phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ khẩn trương xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn tất để chính thức triển khai trong thời gian sớm nhất. App chống dịch này sẽ tích hợp rất nhiều tính năng khác nhau từ khai báo y tế, khai báo di chuyển, quét mã QR Code cho đến thông tin tiêm chủng, thẻ Covid-19… Dự kiến trong thời gian thử nghiệm ban đầu, các app khai báo y tế được xây dựng trước đó vẫn hoạt động, song về lâu dài sẽ được nâng cấp và đồng bộ hóa với app chống dịch duy nhất, tạo thuận lợi cho người dân.

Đặc biệt, một trong những tính năng quan trọng của app chống dịch duy nhất là thẻ Covid-19. App này sẽ kết nối chặt chẽ với các hệ thống quản lý tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19, từ đó có thể cấp các thẻ Covid-19 cho người dân. Thẻ Covid-19 cũng sẽ có 3 màu tương ứng với các trạng thái như thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ. Thông tin và màu thẻ sẽ được cập nhật tự động hóa dựa trên số lượng tiêm 1 mũi hay 2 mũi, xét nghiệm âm tính hay dương tính.

Sơn Ca

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều