+
Aa
-
like
comment

Quá nhanh, quá nguy hiểm, thưa Bộ trưởng Y tế!

30/09/2019 17:57

Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng chỉ trong bốn ngày mà đoàn kiểm tra Bộ Y tế đã thu thập được rất nhiều tài liệu, chứng cứ, từ đó Viện nghi vấn về tính hợp pháp của những chứng cứ này.

Ở vụ án liên quan đến Công ty cổ phần VN Pharma, diễn biến phiên tòa sơ thẩm lần hai những ngày qua cho thấy đang có những bất đồng gay gắt về sự thật, giả của loại thuốc chữa bệnh ung thư. Nếu đại diện VKSND TP.HCM quả quyết thuốc giả thì Cục Quản lý dược (QLD) – Bộ Y tế khư khư không phải vậy.

“Không chỉ giả về nguồn gốc, xuất xứ”

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma) và 11 bị cáo khác có hành vi phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Tức họ không phải phạm tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như TAND TP.HCM đã tuyên xử vào giữa năm 2017 và sau đó bị TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án kèm theo yêu cầu điều tra lại tội danh.

HĐXX TAND TP.HCM đang thẩm vấn bị cáo trong vụ án VV Pharma. Ảnh: HG

Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP.HCM khẳng định: Lô thuốc H-Capita mà Hùng cùng đồng phạm đã dùng giấy tờ giả làm thủ tục nhập vào Việt Nam và đã được Cục QLD cấp phép nhập khẩu “không chỉ giả về nguồn gốc, xuất xứ mà giả cả về chất lượng”.

Chi tiết hơn, lô thuốc đó không có nguồn gốc sản xuất tại Canada như hồ sơ đã thể hiện; mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào. Cạnh đó, công ty được cho là nhà sản xuất thuốc không hề được cấp giấy phép hoạt động về dược; tiêu chuẩn thuốc không có đăng ký mà do các bị cáo thuê người viết.

Ngược lại, với rất nhiều phân tích về chuyên môn thể hiện bằng văn bản và trình bày trực tiếp tại tòa mà nội dung có sự bất nhất, ý kiến sau cùng của phía Bộ Y tế đây là thuốc thật, chỉ là kém chất lượng. Đại diện Cục QLD giải thích thêm sự giả của VN Pharma chỉ là giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ của lô thuốc (hàng Ấn Độ nhưng được ngụy tạo là hàng Canada để bán giá cao hơn gấp nhiều lần).

Có thể ghi nhận lại các thông tin trái ngược từ Bộ Y tế theo trình tự thời gian như sau:

– Năm 2015, Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận thuốc H-Capita chứa 97,5% hoạt chất capecitabine, là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

– Tháng 11-2017, chỉ trong bốn ngày đi Ấn Độ kiểm tra công ty sản xuất vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đồng thời làm việc với nhà máy sản xuất lô thuốc H-Capita, với cơ quan QLD, đơn vị vận chuyển… Đoàn công tác này được cho là đã thu thập được rất nhiều hóa đơn, chứng từ cho thấy lô thuốc H-Capita đạt chuẩn.

– Tại tòa chiều 27-7, đại diện Cục QLD nói về bản chất thì hành vi của các bị cáo trong vụ án là giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ của lô thuốc để trục lợi. Còn về chất lượng lô thuốc nhập về, theo cơ quan này, “nếu kết luận H-Capita là thuốc giả thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý chuyên môn ngành dược, gây hoang mang cho người dân trong việc sử dụng thuốc”.

Các bị cáo tại phiên tòa xử vụ VN Pharma. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hai bất thường từ Bộ Y tế

Rốt cuộc, H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng để tòa án có cơ sở quyết định đúng tội danh của các bị cáo và cũng để làm rõ hơn sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục QLD mà Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án?

Câu trả lời ắt sẽ được HĐXX đưa ra trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, vào thời điểm này vẫn có thể thấy ở Bộ Y tế đang có hai bất thường lớn rất cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo.

1. Ban hành thông tư có nội dung vượt quyền

Theo kết luận có liên quan của Thanh tra Chính phủ thì Cục QLD đã căn cứ vào Thông tư số 47/2010 của Bộ Y tế để cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita. Có điều là thông tư này được ban hành không đúng với Quyết định số 151/2007 của Thủ tướng.

Cụ thể, trong việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký lưu hành, thông tư đã không quy định trong hồ sơ phải có giấy phép hoạt động của thương nhân nước ngoài cung cấp thuốc như yêu cầu của Quyết định 151. Trên thực tế, dù thẩm định giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam của công ty có liên quan đã hết hạn cách đó hai tháng nhưng Cục QLD vẫn cấp giấy phép nhập khẩu thuốc.

2. Nhập nhèm khái niệm không đúng luật

Điều 2 Luật Dược quy định thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp như được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ; có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu…

Nghị định 185/2013 cũng định nghĩa hàng giả áp dụng cho thuốc chữa bệnh cho người là thuốc có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Kết quả điều tra cho thấy rõ rành rành Hùng và đồng phạm đã có sự mạo danh, giả mạo nguồn gốc, xuất xứ của lô thuốc, không hề có sự đăng ký hợp pháp hàm lượng dược chất… Chính xác là các bị cáo đã nhập khẩu, kinh doanh thuốc giả, nói đúng ra là còn vượt hơn cả mức quy định.

Nay vì để nói là thuốc thật, chỉ là kém chất lượng theo kết quả kiểm nghiệm được thực hiện sau hơn một năm kể từ khi xuất xưởng…, theo lẽ phải chỉ ra nó không giả ở chỗ nào ứng với các quy định trên thì Cục QLD đã cứ phải tốn rất nhiều văn bản tự cắt nghĩa. Thậm chí cục này còn nhanh nhảu tự đi thu thập tài liệu ở nước ngoài để biện minh cho chính mình rất khó được chấp nhận do không bảo đảm được sự khách quan, hợp pháp. Bộ trưởng Y tế có lời giải thích nào khác cho sự thiếu tỉnh táo này của Cục QLD?

Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng chỉ trong bốn ngày mà đoàn kiểm tra Bộ Y tế đã thu thập được rất nhiều tài liệu, chứng cứ, từ đó Viện nghi vấn về tính hợp pháp của những chứng cứ này.. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phải bị xử lý nghiêm!

Chưa kể, việc đóng các dấu mật, tuyệt mật trong nhiều văn bản giải thích còn gieo thêm nghi ngờ về sự lạm dụng, thiếu ngay ngắn trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc giả. Bởi lẽ kết quả giải mật cho thấy đó là các thông tin thuần về chuyên môn, rất cần được công khai từ đầu để góp phần làm rõ sự thật của vụ án (nếu nó đảm bảo về nội dung và trình tự, thủ tục về hình thức theo luật định). Nó không hề có yếu tố gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc để phải đóng các dấu trên như quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Trong công văn gửi hỏa tốc đến TAND TP.HCM vào sáng 27-9, Cục QLD đã đề nghị tòa xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi vi phạm của các đối tượng làm giả hồ sơ, tài liệu nhằm thay đổi xuất xứ của thuốc để nhập khẩu thuốc vào Việt Nam.

Vì lợi ích của hàng triệu người bệnh, tòa sẽ thực hiện đúng điều này, ngay cả khi không có đề nghị của Cục QLD. Và chắc chắn những người có chức quyền ở Cục hay ở Bộ Y tế bất kể vô ý hay chủ ý đã tiếp tay cho hàng loạt cái giả dễ dàng lọt lưới để có sự trục lợi lớn hết sức bất nhẫn trên tính mạng của người khác cũng phải bị xử lý nghiêm. Nếu đến mức hình sự thì phải xử hình sự chứ không thể khác hơn.

(Theo Pháp Luật)

Bài mới
Đọc nhiều