+
Aa
-
like
comment

Quả ngọt từ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Việt Nam

17/04/2021 18:13

Một tin vui gần đây, Bộ Tài chính Mỹ đã khẳng định không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ . Như vậy, sau đúng 4 tháng sau khi chính quyền Tổng thống Trump đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ thì đến hôm nay, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Việt Nam đã không còn nằm trong danh sách này. Đây là một trái ngọt không dễ gì mà có được.

Phải hiểu rằng, trước đó Bộ Tài chính Mỹ đã đưa các nền kinh tế, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ, Đài Loan, Việt Nam… vào danh sách có dấu hiệu thao túng tiền tệ. Danh sách trên được xác định trên cơ sở quy định của Đạo luật thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015 của Mỹ. Việc quy kết hàng loạt các nước lớn như vậy, bao gồm cả Việt Nam, chứng tỏ Bộ Tài chính Mỹ đã phải có căn cứ pháp lý rất vững chắc, bởi nó không chỉ liên quan đến hợp tác kinh tế mà còn về vấn đề ngoại giao. Chính vì thế, để chứng minh Việt Nam không thao túng tiền tệ đồng nghĩa với việc lật ngược lại những quy định theo luật pháp hiện hành của Mỹ là điều không vô cùng khó khăn và đầy gian nan. Mọi căn cứ, lập luận phải dựa trên Đạo luật của Mỹ. Và bí quyết giúp Việt Nam thành công đến từ sự chủ động một cách tích cực và toàn diện.

Ít ai biết rằng không phải từ tháng 12/2020 mà từ giữa năm 2020, khi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ đã nhận thấy nguy cơ Tổng thống Donald Trump sẽ trừng phạt kinh tế Việt Nam vì xuất siêu gần 40 tỷ đô tạo cán cân thương mại không cân bằng với Mỹ. Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã điện khẩn cho Chính phủ xin chỉ đạo nhằm gấp rút tháo ngòi nổ. Ngay sau đó, Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh biện pháp về kinh tế rằng, Việt Nam cam kết để Mỹ đầu tư hàng tỷ đô la xây dựng nhà máy điện khí hoá lỏng và sẽ mua hàng tỷ đô nguyên liệu khí hoá lỏng của Mỹ để giảm sự mất cân bằng cán cân thương mại.

Và ngay cả khi Việt Nam nằm trong danh sách bị thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020, thì người đứng đầu Chính phủ vẫn bình tĩnh, gọi điện cho Tổng thống Trump để mềm mỏng lý giải rằng, “Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế”. Với lời cam kết, “các Bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi”.

Chính vì thế, thời gian qua, trong quá trình làm việc với Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi thẳng thắn và khẳng định việc điều hành tỉ giá những năm qua (trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung) nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Ngân hàng Nhà nước áp dụng các giải pháp để từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỉ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận.

Đồng thời, cam kết ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thử tưởng tượng, Mỹ – đối tác nhập siêu tới gần 60 tỷ USD hàng hoá Việt, là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam mà họ áp thuế thì “nồi cơm” của hàng triệu gia đình Việt sẽ vơi đi biết bao nhiêu, giá hàng hoá đội lên theo thuế thì cạnh tranh sao nổi với quốc tế. Thậm chí, trong bối cảnh Việt Nam đang hạn chế sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, mà nếu Mỹ áp thuế hàng hóa xuất khẩu thì sẽ là bài toán rất khó và nan giải. Hãy nhìn bài học từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ thấy hậu quả khủng khiếp của nó lớn đến mức nào. Điều đáng nói là “trái ngọt” này đến từ sự chủ động của Việt Nam chứ không phải là may mắn. Chúc mừng Việt Nam ta đã có một thắng lợi vẻ vang và đầy thuyết phục.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều