+
Aa
-
like
comment

“Quả ngọt” thu về từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ Tướng

Lan Hoa - 29/06/2023 13:39

Theo nhiều chuyên gia, chuyến thăm chính thức nước Trung Quốc và dự Hội nghị WEF từ ngày 25/6 – 28/6 của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp và thu về được rất nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (tháng 6/2008-6/2023). Tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao từ lâu, việc Thủ tướng thăm chính thức Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm của hai Đảng, hai nước trong mối quan hệ; đồng thời thể hiện sự quyết tâm phát triển mối quan hệ này ngày càng bền vững hơn, ổn định hơn và thực chất hơn. Đáng chú ý, chuyến thăm đã đạt được 4 kết quả quan trọng như sau:

Thứ nhất là độ tin cậy chính trị giữa hai nước đã được tăng cường mạnh mẽ thêm, từ đó tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước

Dễ dàng nhận thấy trong 4 ngày làm việc, phía bên Trung Quốc đã dành cho Thủ tướng sự đón tiếp rất trọng thị, chu đáo, thân tình, thắm tình “đồng chí anh em”; thu xếp để Thủ tướng hội đàm, hội kiến với tất cả 4 đồng chí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh. Trong không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở lãnh đạo cấp cao hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả lâu dài.

Thứ hai, hai bên đã đạt được nhiều nhất trí chung trong các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới

Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng. Đáng chú ý, phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba và mở rộng đầu tư chất lượng cao vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Thứ ba, chuyến thăm đã giúp tăng thêm sự hiểu biết hữu nghị và củng cố nền tảng xã hội cho việc phát triển quan hệ hai nước

Qua trao đổi, hai bên đã đạt nhiều nhất trí quan trọng trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc thường xuyên qua kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, giữa các bộ, ngành, địa phương và nhất là giữa nhân dân hai nước. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí khôi phục các hoạt động giao lưu nhân dân như: Diễn đàn Nhân dân Việt – Trung, Liên hoan thanh niên Việt – Trung hay Gặp gỡ hữu nghị Việt – Trung, qua đó giúp tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị của hai Đảng, hai nước.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký và trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc

Thứ tư, chuyến thăm đã có nhiều hoạt động phong phú, đồng thời kết quả đạt được cũng rất thực chất

Bên cạnh cách hoạt động chính thức, Thủ tướng Chính phủ còn tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc với sự tham gia rất đông đảo của các doanh nghiệp Trung Quốc; gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc; đi khảo sát Khu mới Hùng An – đô thị kiểu mẫu mới nhất về cải cách mở cửa và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc tại tỉnh Hà Bắc…. Khi được hỏi, các doanh nghiệp Trung Quốc đều đánh giá cao môi trường và triển vọng đầu tư của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới. Chưa dừng lại ở đó, các đồng chí đoàn viên chính thức đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các cơ quan tương ứng của Trung Quốc, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở quan trọng để làm sâu sắc hơn nữa giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước thời gian tới.

Còn trong Hội nghị WEF Thiên Tân (Davos mùa hè) năm 2023 do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc, sự tham gia của Thủ tướng cũng mang nhiều ý nghĩa và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên cơ sở này, WEF sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách và nâng cao năng lực thích ứng trước các xu thế phát triển mới, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong những vấn đề có lợi ích thiết thực như nông nghiệp thông minh, phát triển các cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không, thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023

Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội giá trị để các doanh nghiệp nước ngoài hiểu sâu sắc hơn về chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, qua đó tăng cường niềm tin và đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Điều đáng mừng là tại tất cả các cuộc trao đổi, Việt Nam luôn được giới thiệu là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, một nền kinh tế năng động, đổi mới với quy mô và tiềm năng ngày càng lớn mạnh.

Có thể khẳng định rằng, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ đó tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn tích cực tham gia giải quyết các thách thức chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều