“Quả ngọt” đến từ những cố gắng, nỗ lực bước qua thời kỳ khủng hoảng…
Đó chính là nhận định được trang The Statesman nhận định trong bài viết mới đây, khi nói về thành quả phục hồi du lịch nhanh nhạy top đầu ASEAN của Việt Nam sau hơn 2 năm khủng hoảng.
Theo The Statesman, sau thời gian dài “đóng băng” vì COVID-19, du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với những con số rất ấn tượng. Các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng liên tục tạo ra các chương trình mới, sản phẩm du lịch mới ngày càng phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch như du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.400 lượt khách. Tổng số khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt khách, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ tiêu về đón khách du lịch nội địa của năm 2022 đã được hoàn thành ngay trong 6 tháng đầu năm và tổng doanh thu từ khách du lịch đã lên đến 265 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google tính đến hết tháng 6/2022 cũng cho thấy, Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50% đến 75%.
Có thể thấy rằng, du lịch Việt Nam đã trở lại với một diện mạo mới và một tâm thế mới, có sự chuẩn bị chu đáo từ nguồn lực đến những chương trình xúc tiến quảng bá có chiều sâu. Mới đây nhất, sự kiện SEA Games 31 được Việt Nam tổ chức sau 2 năm do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã thành công rực rỡ. Qua đó, hình ảnh Việt Nam đã khắc ghi ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, những nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam như chú trọng đầu tư, làm mới sản phẩm, nâng sức hấp dẫn của điểm đến cùng với sự thân thiện, mến khách của người dân … cũng là những điểm cộng giúp cho du lịch Việt Nam luôn nhận được đánh giá rất cao từ các tổ chức chuyên ngành đến khách du lịch trên toàn thế giới. Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng tạo ra sức mạnh lớn để các điểm đến của du lịch Việt Nam có diện mạo mới. Tất cả những nỗ lực của toàn ngành đã hội tụ lại làm cho năng lực của điểm đến du lịch Việt Nam ngày càng lớn mạnh cũng như chất lượng của du lịch Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Theo The Statesman, thế mạnh của du lịch Việt Nam trước hết nằm ở chính văn hóa và con người Việt Nam. Con người Việt Nam vốn nổi tiếng vì sự cần cù, cởi mở, có khát vọng phát triển, mong muốn vươn lên, làm giàu. Người Việt Nam cũng luôn hiếu khách, giang rộng vòng tay chào đón tất cả bạn bè, khách du lịch trên thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là dân tộc có nền văn hóa lớn và lâu đời, có bản sắc mang đậm tính truyền thống được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử. Ngoài ra, thế mạnh của Việt Nam còn được thể hiện ở nét ẩm thực phong phú, điểm đến đa dạng, cuộc sống sinh hoạt cộng đồng giàu bản sắc với nét riêng của từng vùng, miền… Đây là điều mà Việt Nam luôn tạo được ấn tượng và khiến du khách nước ngoài cảm thấy thú vị, hấp dẫn để tìm hiểu và muốn đến Việt Nam để trải nghiệm.
Theo báo cáo mới nhất vừa ra ngày 24/5/2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực phát triển của ngành Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới. Cùng với Việt Nam, Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Xê út (tăng 10 bậc) là 3 quốc gia có chỉ số năng lực phát triển du lịch tăng hạng cao nhất. Trong khi đó, một số điểm đến nổi tiếng ở Đông Nam Á lại có xu hướng giảm: Thái Lan giảm 1 bậc, xếp thứ 36, Malaysia giảm 9 bậc, xếp thứ 38, Philippines giảm 2 bậc, xếp thứ 75.
Cũng trong năm 2021, Việt Nam đã đạt những danh hiệu của các tổ chức giải thưởng du lịch toàn cầu uy tín như: Điểm đến du lịch châu Á 4 năm liền, điểm đến golf tốt nhất châu Á, điểm đến hàng đầu về di sản, điểm đến hàng đầu về ẩm thực…
Có thể nói, kết quả xếp hạng của ngành Du lịch Việt Nam theo hướng tiếp cận mới của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã phản ánh những thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng linh hoạt, an toàn, những nỗ lực không ngừng nghỉ vươn lên triển khai hoạt động du lịch an toàn, những quyết sách nhằm phục hồi du lịch, mở cửa trở lại toàn bộ du lịch nội địa và quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, cũng như những yếu tố bền vững làm điểm tựa cho ngành Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển.
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam, The Statesman cho rằng: “Đến giờ phút này, có thể khẳng định thành quả của Du lịch Việt Nam là hoàn toàn xứng với những cố gắng, những nỗ lực của mình. Du lịch Việt Nam đang phục hồi rất mạnh mẽ và tác động tích cực đến tổng thể toàn nền kinh tế. Với đà này, Việt Nam đang nâng cao năng lực một cách tối đa để cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN…”
Tổng kết lại 6 tháng đầu năm 2022, bức tranh du lịch Việt Nam đã “bừng sáng” với những con số và mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy du lịch đang dần lấy lại được đà phát triển, dự báo tiếp tục có những kết quả tích cực trong những tháng cuối năm.
Lan Hoa (Theo The Statesman)