+
Aa
-
like
comment

“Quà cảm ơn” đúng luật

Phạm Khoa - 19/07/2023 14:36

Nhiều bị cáo trong các vụ đại án thời gian gần đây hay dùng đến cụm từ “quà cảm ơn” để nói về khoản hối lộ mình nhận được.

3/54 bị cáo trong vụ án Chuyến bay giải cứu

Vụ “Chuyến bay giải cứu” đang được xét xử gần đây nổi cộm với cụm từ “quà cảm ơn”, khi được gần 2/3 trong số 21 bị cáo thuộc nhóm tội “nhận hối lộ” nhắc đến.

Trong bản luận tội các bị cáo của vụ đại án “Chuyến bay giải cứu”, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng cách gọi tiền hối lộ là “quà cảm ơn” là “việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tiền lệ xấu cho xã hội”.

Trên thực tế, luật pháp Việt Nam có quy định cụ thể về số tiền tham ô bị truy tố hình sự, và các mức hình phạt kèm theo. Tuy nhiên, luật pháp vẫn chưa có các quy định chi tiết về giá trị, hình thức của “quà cảm ơn” mà cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức được phép nhận từ các cá nhân, doanh nghiệp.

Nhìn ra thế giới, Mỹ là quốc gia có các quy định rất chi tiết về “quà cảm ơn” ( luật Mỹ gọi là “Thank you gifts”). Hội đồng Đạo đức (Committee on Ethics) của nước này là cơ quan ra quy định, giám sát và thực thi các điều luật về việc tặng quà. Trong đó, có rất nhiều quy định cụ thể và chi tiết, như: định nghĩa quà tặng là gì, quy định đối với người tặng quà, người nhận quà và giá trị của quà tặng. Đặc biệt, bên cạnh các quy định cấm nhận quà do không đảm bảo tính chất, nguồn gốc, giá trị quà tặng, còn có 23 nguyên tắc bổ sung về các món quà đặc biệt mà công chức, viên chức có thể nhận.

Thông thường, giá trị quà tặng được phép nhận tuân theo quy định “ít hơn 100 USD/ năm” (khoảng 2,3 triệu đồng), không quá 50 USD/ lần (khoảng 1,15 triệu đồng). Nếu công chức, viên chức được mời ăn, hay sử dụng dịch vụ nhiều hơn 50 USD thì buộc phải bỏ tiền túi trả hết số tiền dịch vụ, chứ không phải chỉ trả cho khoản dôi ra sau khi trừ 50 USD. Điều đó giúp loại trừ cách tư duy lách luật “vừa bán vừa cho”.

Ở Canada, bất kể viên chức nhà nước nào, kể cả Thủ tướng, khi nhận quà có giá trị từ 200 CAD (tương đương 3,6 triệu đồng) đều phải làm thủ tục khai báo trong vòng 30 ngày.

Trong khi đó, ở Anh, Thủ tướng chỉ được phép nhận những món quá có trị giá dưới 140 bảng Anh (dưới 4,2 triệu đồng). Trường hợp quà là hiện vật, và có giá trị quy đổi cao hơn số tiền quy định, người được tặng sẽ phải bỏ tiền túi ra mua nếu muốn sở hữu.

Gần Việt Nam hơn, Hàn Quốc là quốc gia Đông Bắc Á có quy định rất chặt chẽ về quà tặng. Nước này đã ban hành một đạo luật chống tham nhũng nghiêm ngặt từ tháng 09/2016, quy định các quan chức không được nhận các quà cáp vượt quá 45 USD (khoảng 1 triệu đồng). Hình phạt cho các hành vi vi phạm là 3 năm tù giam và nộp phạt hàng nghìn USD.

Hay Nhật Bản có một loạt các quy định liên quan đến việc quan chức nhà nước nhận quà tặng gọi là Luật Tiêu chuẩn Đạo đức cho Các Quan chức và Nhân viên Công cộng. Theo đó, quan chức không được nhận quà tặng nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến nghĩa vụ công việc của họ hoặc gây mâu thuẫn với nguyên tắc trung thực, công bằng và không thiên vị. Có quy định rõ ràng giới hạn giá trị tối đa của quà tặng có thể được nhận. Giá trị này có thể thay đổi theo cấp bậc và vị trí công việc của từng quan chức. Và quan chức phải báo cáo về các quà tặng nhận được, đảm bảo sự minh bạch và giám sát.

Có thể thấy, gọi tiền hối lộ, tài sản hối lộ lên đến hàng tỷ đồng là “quà cảm ơn” chỉ là cách đánh tráo khái niệm vụng về. Tuy vậy, muốn hạn chế, tiến tới chấm dứt cách nghĩ, cách nói lệch lạc này, cần phải có những điều khoản luật cụ thể, chi tiết về “quà cảm ơn”.

Khi luật hóa các nội dung về những gì cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức được và không được nhận, các cơ quan chức năng và người dân sẽ có điều kiện, căn cứ để giám sát tốt hơn quá trình làm việc, và các hành vi ứng xử của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, phát hiện kịp thời những biểu hiện của tham nhũng ngay từ trứng nước. Điều đó cũng có nghĩa là nhà nước sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng tiền phải chi cho công tác xét xử, thi hành án của các vụ án tham nhũng.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều