“Quả bom nổ chậm” ở quốc gia giàu nhất châu Á
Theo Washington Post, Nhật Bản, quốc gia thường được sử dụng làm ví dụ của tình trạng già hóa dân số trên thế giới đang tiến tới giai đoạn “làm mọi thứ có thể” về mặt chi tiêu nhằm tăng số lượng trẻ em sinh ra mỗi năm.
Thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ áp dụng một cách tiếp cận mới so với những biện pháp được sử dụng ở thời điểm hiện tại. Ông Kishida cam kết tăng gấp đôi nguồn ngân sách cho chương trình hỗ trợ trẻ em, với quy mô sẽ tương đương 4% GDP của Nhật Bản.
Mặc dù những giải pháp như tăng cường sự hỗ trợ tài chính cho các gia đình là một hành động hữu ích, liệu việc tăng chi tiêu có thể tạo nên bước chuyển biến đáng kể đối với cuộc khủng hoảng sinh sản tại Nhật Bản?
Có cảm giác như quá trình này là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu Nhật Bản trở thành một xã hội già hóa và dân số sụt giảm, quốc gia này sẽ không phải trường hợp duy nhất.
Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike vào tuần trước tuyên bố tình trạng sụt giảm dân số là một “thách thức tầm quốc gia”. Trên thực tế, đây là một thách thức mang tầm quốc tế. Những phát biểu thể hiện sự tuyệt vọng của những quan chức tại Tokyo sẽ sớm được lặp lại bởi người lãnh đạo của nhiều quốc gia khác.
Những nhận định về tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh ở Nhật Bản trong những thập kỷ qua thường chỉ tập trung vào những số liệu và lập luận đơn giản như quá tải trong công việc và những định kiến giới lỗi thời để giải thích vấn đề.
Cách nhìn nhận trên trên được thể hiện rõ nét trong bộ phim “No Sex Please, We’re Japanese”, trong đó, mối quan hệ bất thường trong phòng ngủ được chỉ ra là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm dân số.
Tuy nhiên, các nhà hoạt định chính sách cần có cái nhìn thực tế về vấn đề sụt giảm dân số. Giống như nhiều khu vực khác, quan chức tại Tokyo nhận thấy 2 xu thế nổi bật nhất khi nói về nguyên nhân của tình trạng giảm tỷ lệ sinh.
Xu thế đầu tiên chính là việc tăng độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ. Theo đó, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ đã tăng từ 25 vào năm 1987 lên 29 vào năm 2021. Việc độ tuổi kết hôn của phụ nữ tăng khiến cho họ sinh con đầu lòng muộn hơn và không còn thời gian trước khi hết tuổi sinh nở.
Tuy quá trình thụ tinh trong ống nghiệm hay sinh con trước khi kết hôn có tác động tích cực, đây không phải giải pháp để đảo ngược xu thế giảm tỷ lệ sinh sản.
Xu thế thứ 2 chính là việc các cặp đôi ngày càng muốn có ít con hơn. Theo kết quả cuộc khảo sát vào năm 2021, những người được hỏi cho biết họ có kế hoạch sinh trung bình 2,01 người con, với mức lý tưởng là 2,25 trẻ em. Trong khi đó, vào năm 1977, các cặp đôi cho biết họ muốn có trung bình 2,61 người con nhưng chỉ lên kế hoạch để sinh 2,17 trẻ.
Nếu phần lớn cặp đôi chỉ lên kế hoạch sinh 2 con, chúng ta có thể hiểu tại sao tỷ lệ sinh trung bình tại Nhật Bản lại có xu hướng sụt giảm khi cộng thêm những người không muốn hoặc không thể có con.
Cách sống hiện đại với sự cạnh tranh trong học tập, công việc nhằm đạt được thành công đã khiến việc chăm lo cho gia đình trở nên khó khăn hơn.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh phải có nhiều nỗ lực hơn để đảm bảo những thế hệ tiếp theo đạt được thành công, bao gồm việc đưa con tới lớp học đàn, lớp học thêm và các khóa thể thao.
Các chuyên gia gọi hiện tượng này là “đánh đổi số lượng lấy chất lượng”. Theo đó, cha mẹ chọn cách đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian hơn nhưng giảm số lượng con cái.
Đây không phải chỉ là vấn đề thu nhập. Một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản vào năm 2014 với các bậc phụ huynh có ngành nghề và thu nhập khác nhau cho thấy phần lớn những người này chỉ muốn có 2 con.
Các trường hợp ngoại lệ chủ yếu là những cặp đôi sống với bố mẹ chồng, những người muốn có 3 đứa cháu. Bên cạnh đó, những người muốn có 3 con thường có thu nhập thấp hơn.
Thủ tướng Kishida có thể cấp thêm ngân sách, nhưng ông không thể tạo ra thêm thời gian cho các cặp đôi tại Nhật Bản. Việc thuê người giúp việc trong nhà cũng là một giải pháp được tính đến. Tuy nhiên, biện pháp này đã không có hiệu quả khi được áp dụng tại Singapore, nơi có tỷ lệ sinh còn thấp hơn Nhật Bản.
Vấn đề về bình đẳng giới cũng được đánh giá là một nguyên nhân. Tuy nhiên, đảo Đài Loan, là một trong những xã hội được đánh giá là bình đẳng nhất tại châu Á, cũng có tỷ lệ sinh thấp hơn Nhật Bản.
Trong khi đó, Hàn Quốc, một trong những quốc gia có thu nhập đầu người cao hơn Nhật Bản tại châu Á, lại có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới.
Đây là một vấn đề toàn cầu, có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của nền kinh tế và tăng cường cơ hội cho phụ nữ. Tỷ lệ sinh ở Mỹ và Liên minh châu Âu đã ở dưới mức bền vững trong một thời gian dài. Ngay cả việc thúc đẩy quá trình nhập cư để bù đắp cho tình trạng giảm tỷ lệ sinh cũng không phải một giải pháp hiệu quả.
Một trường hợp đặc biệt trong số các nước phát triển là Hungary, quốc gia đã chi 5,5% GDP để hỗ trợ cho các gia đình. Chính sách này đã giúp quốc gia châu Âu tăng tỷ lệ sinh trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, các chuyên gia không thể kết luận được liệu các biện pháp của chính phủ có phải là nguyên nhân dẫn đến xu hướng trên.
Chính vì vậy. Nhật Bản và những quốc gia khác có cùng xu hướng giảm tỷ lệ sinh không thể đặt hy vọng vào một chính sách duy nhất khi đối phó với cuộc khủng hoảng sụt giảm dân số.
Thay vào đó, việc chi tiêu nên tập trung vào chuẩn bị cho xã hội để đối mặt với những thay đổi do tỷ lệ sinh giảm, dù là thông qua chính sách nhập cư hay duy trì lực lượng lao động trong xã hội. Bên cạnh đó, những gia đình muốn có con nên được khuyến khích và hỗ trợ để sinh nhiều con nhất có thể.
Bảo Trâm