Qua BN số 91: 4 lý do khiến bệnh nhân Covid-19 có thể nguy kịch
TS.BS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM, cho biết virus Sars-CoV-2 ít khi gây bệnh nặng trên người trẻ tuổi hay trên người lớn tuổi mà không có bệnh lý nền và giải thích 4 cơ chế sinh bệnh làm cho một số bệnh nhân Covid-19 bị nặng.
Trước tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang lan rộng, tại Việt Nam có nhiều bệnh nhân không có triệu chứng, có bệnh nhân khỏe mạnh nhưng nguy kịch khi mắc bệnh.
Trao đổi với phóng viên Vietnamnet, TS.BS Phạm Hùng Vân cho biết virus Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ít gây bệnh nặng trên các người trẻ tuổi hay cả trên những người lớn tuổi mà không có bệnh nền.
Lý do là vì dù virus Sars-CoV-2 rất dễ dàng xâm nhập vào tế bào biểu mô của đường hô hấp dưới thông qua thụ thể nằm trên bề mặt tế bào là các enzyme xuyên màng có tên là ACE2, nhưng sau khi xâm nhập vào tế bào thì các virus này lại tăng sinh rất chậm, do vậy mà chậm gây các tổn thương trên tế bào, đồng thời cơ thể cũng có đủ thời gian để có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu loại trừ virus.
Theo bác sĩ Hùng Vân, vì cơ chế trên nên có đến trên 51% các trường hợp dù nhiễm Sars-CoV-2 nhưng vẫn không có triệu chứng và cũng có rất nhiều trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, ho khan rồi cũng tự bình phục.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp có triệu chứng nặng phải điều trị như đau ngực, khó thở vì các tế bào phế nang của phổi bị tổn thương gây viêm phổi mô kẽ hay có thể nặng hơn do các phế nang bị đầy dịch tiết và xơ cứng làm bệnh nhân không thể thở được mà cần phải được thở máy, hay có khi diễn tiến nặng hơn làm phổi bị tổn thương cấp tính nặng (ARDS: Acute Respiratory Dstress Syndrome) đi kèm với suy đa tạng cần phải được điều trị bằng liệu pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO: Extra Corporeal Membrane Oxygenation) để giúp cho phổi được nghỉ và hồi phục dần.
TS Hùng Vân giải thích 4 cơ chế sinh bệnh đã làm cho một số bệnh nhân Covid-19 bị diễn tiến nặng:
Thứ nhất, bệnh nhân bị các bệnh nền đã từng có thể có tổn thương đến đường hô hấp, đó là các bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền như COPD, tiểu đường, như tim mạch, suy thận … Chính vì như vậy nên virus SARS-CoV-2 một khi tấn công đường hô hấp của các bệnh nhân này là đang tấn công một đường hô hấp với hai lá phổi đã có ít nhiều tổn thương chứ không phải là hai lá phổi bình thường, do vậy mà diễn tiến chắc chắn sẽ nặng hơn một người có hai lá phổi khỏe mạnh.
Thứ hai, bệnh nhân bị nhiễm bởi một lượng rất nhiều virus nên cho dù virus nhân bản chậm nhưng do cùng một lúc bị nhiễm quá nhiều virus thì sự tăng sinh của virus trong tế bào biểu mô cũng vẫn có thể gây tổn thương nặng các tế bào biểu mô hô hấp với chủ yếu là tế bào của phế nang hai lá phổi. Do vậy mà bệnh nhân vẫn có thể bị bệnh nặng hơn người khác dù không có bệnh nền.
Thứ ba, tế bào biểu mô hô hấp của bệnh nhân lại có cấu trúc di truyền thuận lợi cho sự nhân bản của virus làm cho virus sinh sản nhanh hơn và như vậy sẽ gây tổn thương tế bào nhanh hơn và nhiều hơn, chính vì vậy mà bệnh nhân sẽ nặng hơn những bệnh nhân khác dù không có bệnh nền.
Thứ tư, bệnh nhân bị chính miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá làm cho sản sinh ra quá nhiều các yếu tố tiền viêm, yếu tố gây viêm, hay yếu tố gây hoại tử tế bào, được gọi chung là các cytokine, và các yếu tố này không chỉ tấn công mô hô hấp đang bị nhiễm virus mà cả các mô phổi không bị nhiễm virus làm cho phổi bị tổn thương cấp tính nặng (ARDS). Không chỉ có vậy, các cytokine còn lọt vào hệ thồng tuần hoàn đến tấn công các cơ quan khác làm cho bệnh nhân bị suy đa tạng với nguy cơ tử vong rất cao. Hiện tượng này được gọi chung là bão cytokine (Cytokine storm).
Qua phân tích trên thì chúng ta có thể thấy rằng bệnh nhân 91 đang ở tình trạng nguy kịch là do bệnh nhân đang bị tổn thương phổi cấp tính nặng (ARDS) và suy đa tạng cần phải điều trị với liệu pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO: Extra Corporeal Membrane Oxygenation) với cơ chế sinh bệnh là bệnh nhân đang bị bão cytokine của chính cơ thể tấn công.
Ngoải ra, trường hợp bệnh nhân số 166 tại Thường Tín, Hà Nội có triệu chứng ngứa họng, đau họng từ 12/3 qua sàng lọc của TP. Hà Nội phát hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19, TS Vân lý giải khi đã nhiễm virus thì cơ thể sinh ra kháng thể và sau thời gian đó xét nghiệm vẫn có thể dương tính với Covid-19.
Hiện nay, có những trường hợp đặc biệt là có người phải tiếp xúc gần và liên tục nhiều ngày mới bị lây nhiễm nhưng cũng có người chỉ tiếp xúc ngắn cũng nhiễm. Ngoài ra dù chưa ai nghiên cứu nhưng cơ địa của một người cũng ảnh hưởng đến khả năng dễ hay khó lây nhiễm.
Phương Thúy/IFN