+
Aa
-
like
comment

Quà 20/11: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người tặng

20/11/2020 10:30

Còn nhớ năm 2018, nhiều phụ huynh đã sửng sốt trước lời kêu gọi của thầy Đào Tuấn Đạt “Hãy tặng chúng tôi phong bì ngày 20/11, đừng tặng hoa”. Hóa ra, thầy Đạt cùng một số thầy cô giáo đồng nghiệp muốn dùng toàn bộ số tiền được tặng cùng với số tiền họ đã gây quỹ bằng cách dạy thêm, bán hàng, lau nhà, dọn cửa hàng, hát ở Bờ Hồ… để mua chăn tặng các thầy cô giáo và các em học sinh ở một ngôi trường miền núi. Hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, khi nhìn thấy một số phụ huynh đang lăn tăn, sốt sắng suy nghĩ tặng quà gì, đưa phong bì bao nhiêu cho thầy cô giáo, bất giác, tôi lại tiếp tục nhớ đến câu nói của thầy Đào Tuần Đạt: “Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng”.

Ngày 20/11 là ngày tri ấn thầy cô giáo, không phải ngày nhận quà hay bắt buộc học sinh, phụ huynh phải tặng quà.

Ngày Nhà giáo Việt Nam là một ngày kỷ niệm đặc biệt dành cho tất cả những người công tác trong ngành Giáo dục. Hiểu đúng ý nghĩa của ngày 20/11 thì đó là ngày chúng ta tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn, tri ân đến những người đã dìu dắt, chỉ dạy chúng ta trên con đường tìm kiếm tri thức. Thế nhưng, không phải học sinh hay phụ huynh nào cũng mang tâm thế này đến gặp thầy cô giáo trong ngày 20/11.

Cũng là một người có con, tôi hiểu tâm lý của các ông bố bà mẹ luôn muốn con em được thầy cô giáo chăm sóc, để mắt đến nhiều hơn, thế nên 20/11 được một số phụ huynh xem là cơ hội giúp họ biểu đạt nguyện vọng. Một bó hoa kèm theo phong bì mỏng/dày được mang đến trước mặt thầy cô. Nhưng tôi vẫn thắc mắc, đây là “món quà tri ân” sự tận tụy, lòng nhiệt thành của thầy cô với con đường học vấn của các đứa trẻ, với lớp, với trường, với nền giáo dục Việt Nam hay đây là “món quà cầu xin, trả treo” đòi nhận lại? Quả thật, có những món quà khi nhận thấy rất vui vẻ, nhưng cũng có món quà nhận rồi lại giống như món nợ.

Phụ huynh thường chọn cách tặng tiếp kèm theo phong bì.

Tại sao phụ huynh chúng ta cứ phải tặng quà, tặng phong bì để đòi hỏi thầy cô phải quan tâm con em mình? Chẳng lẽ chúng ta không có được những “cái cho” tử tế, bỏ qua những suy tính, mưu cầu cá nhân được nhận lại? Ngay cả bài học đơn giản nhất là “cho và nhận” mà chúng ta còn chưa thấm nhuần thì liệu chúng ta có dạy đúng cho con cái về bài học này? Tôi không yêu cầu các bậc phụ huynh chấm dứt tặng quà, tặng phong bì cho thầy cô nhân ngày 20/11 nhưng tôi rất mong mỏi tất cả chúng ta hãy dắt con mình đến gặp thầy cô giáo để chúng tự nói lời cảm ơn tử tế và bày tỏ tình cảm với người đang dìu dắt, đồng hành cùng chúng đi tìm con chữ. Một ngày tri ân thì hãy để nó tồn tại, diễn ra đúng bản chất là một ngày tri ân, thật sai lầm nếu đem cái chúng ta muốn hoặc cầu xin ra để đưa thầy cô vào tình huống khó xử, buộc phải nhận nhưng lại nặng đầu không biết có trả được hay không.

Như đã biết, giáo dục học sinh là nhiệm vụ được trả lương của mỗi cán bộ giáo viên trong nhà trường. Mặc dù mức lương không cao như một số ngành nghề tri thức khác nhưng chắc chắn thầy cô giáo không sống nhờ món quà hay phong bì được tặng trong ngày 20/11. Nếu mức lương hiện tại của giáo viên không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống thì Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp các cơ quan có thể nghiên cứu, sửa đổi quy định, quy chế lương thưởng của giáo viên, chứ nó tuyệt nhiên không thể là lý do để nhận quà hay phong bì. Nên nhớ một điều rằng, việc phụ huynh tặng hay không tặng đều không ảnh hưởng gì đến chương trình dạy học, sự đầu tư bài giảng hay sự hướng dẫn, truyền dạy kiến thức của thầy cô dành cho các em. Tôi tin chắc một điều, các em không tặng quà vẫn sẽ được học tập, lĩnh hội đầy đủ, không thua kém gì các bạn tặng quà cho cô giáo, chỉ cần chúng chăm ngoan, có tinh thần ham học hỏi, cầu thị mà thôi.

Có không ít phụ huynh lăn tăn mỗi khi đến ngày 20/11, không biết tặng gì cho thầy cô.

Điều đáng nói là không chỉ riêng trong ngành Giáo dục, mới có chuyện cho, biếu tặng trong ngày kỷ niệm, Hầu như, bất kỳ ngành nghề nào hiện nay cũng như vậy. Đến bệnh viện vào ngày Thầy thuộc Việt Nam, chúng ta vẫn thấy hình ảnh các bệnh nhân biếu tặng quà cho y bác sỹ. Nhưng trong đó sẽ có trường hợp người cảm kích y bác sỹ vì đã cứu sống người thân của họ, cũng sẽ có người cảm ơn sự nhiệt tình, sự cống hiến của y bác sỹ với ngành Y Việt Nam. Vì vậy, chỉ cần người cho không “ẩn” động cơ cá nhân, mọi thứ xuất phát từ tình cảm tự nhiên thì mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp cả thôi.

Ông bà ta có câu “Của cho không bằng cách cho”. Với việc tặng quà, quan trọng là cách tặng, không phải là bản thân món quà. Tôi nghĩ, điều này cũng đúng với việc tặng quà thầy cô của con. Quan trọng là động cơ của phụ huynh khi tặng quà thầy cô của con mình, chứ không phải là bản thân món quà. Mỗi món quà tặng cho thầy cô ngày 20/11 chỉ góp phần tô điểm cho ngày lễ này thêm long trọng, cái chính vẫn là ý nghĩa tri ân người có công rèn giũa con em mình, đó cũng là tình cảm của cha mẹ vì sự chăm sóc, giáo dục của thầy cô. Đừng để nét đẹp văn hóa bị biến tướng, trở thành một “vấn nạn” xấu xí.

Hồng Lam

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều