+
Aa
-
like
comment

Putin nhận lời mời thăm Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng biển Đông

Han Cao - 18/06/2020 18:32

Gần đây Tổng thống Vladimir Putin đã nhận lời mời đến thăm chính thức Việt Nam từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng qua cuộc điện đàm thân mật. Thời gian tới, các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, năng lượng vẫn là những trụ cột chính trong quan hệ hợp tác của hai nước.

Quốc phòng, an ninh, năng lượng là chủ đề chính

Việc Tổng thống Nga nhận lời mời thăm chính thức Việt Nam từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới có ý nghĩa rất sâu sắc trong quan hệ hợp tác hai nước.

Mối quan hệ ngoại giao có bề dày trên 70 năm trải qua nhiều biến cố thăng trầm, hai nước vẫn giữ gìn và phát triển mối quan hệ tốt đẹp. Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước nhất trí với các hoạt động khai thác năng lượng từ cả hai phía, đặc biệt là nguồn năng lượng từ dầu mỏ. Về phía Việt Nam, với tư cách là chủ tịch Asean 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Nga và Asean. Về phía Nga, với tư cách là thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu, Nga sẽ tham gia tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh Hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam với tổ chức này.

Cũng trong khuôn khổ cuộc điện đàm ngày 12/6 giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga V.Putin cả hai bên cùng trao đổi mối quan tâm về các vấn đề trong khu vực cũng như tái khẳng định sự hợp tác đa phương lấy quốc phòng, an ninh, năng lượng làm chính. Ở các lĩnh vực này hai bên tìm thấy điểm tương đồng cũng như cùng chung lợi ích kinh tế. Đặc biệt là vấn đề hợp tác về năng lượng của Việt Nam với Nga.

Kết hợp phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Kết hợp phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo là một chủ trương hết sức đúng đắn, hợp thời của Đảng  và Nhà nước. Tính đúng đắn nằm ở mục tiêu phát triển kinh tế, Việt Nam có các tiềm lực kinh tế về năng lượng nếu không khai thác sẽ rất lãng phí và thâm hụt một nguồn lực cho đất nước. Muốn có quốc phòng mạnh được trang bị toàn diện cần có tiềm lực kinh tế để trang bị, Việt Nam chưa tự chế tạo được các loại vũ khí quân trang phòng thủ hiện đại như Nga, Mỹ, Trung …

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, không có lý gì Việt Nam không hợp tác để mang lại nguồn lợi kinh tế, nhất là với một đối tác có quan hệ ngoại giao sâu sắc trong lịch sử như nước Nga. Mỏ Bạch Hổ là mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam hiện đang hợp tác với Nga để khai thác, từ năm 1986 những tấn dầu đầu tiên đã được khai thác ở đây bởi Vietgazprom. Sau mỏ Bạch Hổ là mỏ Lan Đỏ, mỏ Lan Tây, lô 129-132 thuộc thềm lục địa Việt Nam được các công ty dầu khí của Nga và Việt Nam bắt tay hợp tác khai thác.

Đối với lô 06.1, lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác giữa hai nước mà công ty dầu khí của Nga là nhà điều hành dự án và trực tiếp khai thác. Trước đây các nhà điều hành dự án dầu mỏ thường đến từ Việt Nam, vì các mỏ dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam quản lý. Duy chỉ có lô 06.1 nhà điều hành đến từ Nga được phép trực tiếp điều hành. Đây là một điểm rất mới, và đáng lưu ý trong bối cảnh biển Đông hiện nay.

Ngoài việc hợp tác thăm dò khai khác năng lượng tại Việt Nam thì Việt Nam cũng có các công ty dầu khí tham gia hợp tác khai thác dầu khí tại miền Bắc nước Nga. Mối quan hệ kinh tế không chỉ dừng lại trong khuôn khổ 2 nước khi cả Nga và Việt Nam cùng chung kế hoạch hợp tác phát triển những dự án dầu khí ở các nước thứ ba khác. Cho thấy sự hợp tác ở cấp độ bền chặt và sâu sắc về kinh tế.

Một cái bắt tay nhưng Việt Nam được nhiều hơn 1 cái lợi. Cái lợi nhãn tiền là lợi ích về kinh tế khi khai thác và xuất khẩu được tài nguyên dầu khí. Cái lợi không nhỏ nữa là Việt Nam kết hợp tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự hợp tác giữa Nga và Việt Nam tại biển Đông khiến Trung Quốc không khỏi “hậm hực” và “nóng mắt”. Trung Quốc có vẽ thêm bao nhiêu “đường lưỡi bò” vô lý đi chăng nữa thì quan điểm thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam chưa bao giờ đổi.

Có thể chúng ta ít nói, ít tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ ngưng hành động để hiện thực hóa chủ trương đó (điển hình là sự hợp tác thăm dò, khai thác các mỏ dầu, khí trên vùng thềm lục địa của Việt Nam và Nga suốt từ 1986 cho đến nay).

Lịch sử quan hệ Nga – Việt

Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Bắc năm 1954, chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã có chuyến thăm chính thức chính phủ Liên Xô lúc bấy giờ. Ngoài mối quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Nga và Việt Nam trong quá khứ đã từng chung con đường, chung hệ tư tưởng Mác – Lê-nin cao hơn là mối quan hệ hữu nghị thân tình.

Ngay cả khi Liên bang Xô Viết tan rã thì nước Nga sau này và Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ ngoại giao trong tương quan cùng lợi ích chung, cùng phát triển. Tuy thay đổi thể chế chính trị nhưng những giá trị truyền thống trong lịch sử của nhân dân Liên Xô vẫn còn được lưu giữ mãi. Ngày 16 tháng 6 năm 1994 quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga chính thức bước sang một giai đoạn mới với Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản giữa hai nước.

Cho đến nay, mối quan hệ này vẫn hết sức gắn bó tin cậy, lãnh đạo hai nước mong muốn trong thời gian tới kim ngạch thương mại song phương đạt mốc 10 tỷ đô la. Về vấn đề biển Đông, cả Nga và Việt Nam đều ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa theo luật pháp quốc tế (luật biển 1982, DOC, COC).

Việc Tổng thống Nga nhận lời mời thăm chính thức Việt Nam từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới có ý nghĩa rất sâu sắc trong quan hệ hợp tác hai nước. Đồng thời cũng là một tín hiệu không vui cho Trung Quốc, khi nước này liên tục đẩy căng thẳng ở biển Đông lên cao. Bên cạnh đó, cho thấy chủ trường phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ biển đảo của Đảng và Nhà nước liên tục được thúc đẩy.

Han Cao

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều