+
Aa
-
like
comment

Putin đang có dấu hiệu hạ nhiệt giữa căng thẳng với Ukraine

11/02/2022 07:26

Đằng sau thái độ cứng rắn với phương Tây, giới quan sát nhận thấy Putin gần đây có những dấu hiệu muốn hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine.

Hôm 8/2, sau nhiều tiếng hội đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần thứ hai trong vòng một tuần cảnh báo các nước châu Âu sẽ rơi vào cuộc chiến “không ai thắng” với Moskva nếu Ukraine trở thành thành viên NATO và tìm cách chiếm lại bán đảo Crimea từ Nga.

Đã ba tháng kể từ khi căng thẳng giữa Moskva và phương Tây tăng nhiệt, xuất phát từ cáo buộc của tình báo Mỹ rằng Nga dồn hơn 130.000 quân áp sát biên giới Ukraine để tấn công nước này. Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc, khẳng định các động thái điều quân của họ chỉ nhằm tự vệ trước “hành vi hung hăng” của Ukraine với phe ly khai ở miền đông.

Tuy nhiên, Putin không loại trừ sử dụng biện pháp “kỹ thuật – quân sự” nếu các yêu cầu an ninh của Nga không được phương Tây đáp ứng, khiến ý định thực sự của ông với Ukraine vẫn là ẩn số.

Nhà Trắng cuối tuần trước công bố thông tin tình báo cho rằng Tổng thống Nga có thể ra lệnh tấn công Ukraine trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

Tuy nhiên, hai nhà phân tích tại Moskva đánh giá những phát biểu của Putin trong ngày 8/2 lại cho thấy ông rất nghiêm túc về nỗ lực đàm phán. Ông nói quá trình đối thoại chưa kết thúc, thêm rằng một số đề xuất từ Mỹ và NATO đáng thảo luận, đồng thời cho biết Nga “sẽ làm mọi thứ để tìm ra giải pháp dàn xếp làm hài lòng tất cả”.

“Đương nhiên Putin vẫn giữ vững lập trường, nhưng tôi nhận thấy ông ấy không muốn leo thang căng thẳng”, Andrey Kortunov, người đứng đầu nhóm cố vấn Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, nhận định.

“Sẽ chẳng ai ngồi xuống trao đổi với đối phương suốt 5 giờ nếu chỉ muốn lên án và chấm dứt câu chuyện”, Kortunov nói, đề cập đến cuộc hội đàm giữa Putin và Macron.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ở Moskva hôm 7/2. Ảnh: Reuters.

Putin hôm 8/2 nhắc lại ba yêu cầu an ninh cốt lõi của Nga mà ông nhấn mạnh tuần trước, bao gồm ngừng mở rộng NATO, từ bỏ triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga và thu hẹp quy mô hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu về trạng thái trước năm 1997, thời điểm NATO kết nạp một loạt thành viên ở Đông Âu.

Ông chủ Điện Kremlin phàn nàn rằng Mỹ và NATO đã “phớt lờ” những yêu cầu cốt lõi này trong các phản hồi chính thức mà họ gửi tới Moskva vào ngày 26/1, với nội dung chứa đựng “lời lẽ chính trị rập khuôn và chỉ đưa ra đề xuất về một số vấn đề thứ yếu”.

Tuy nhiên, theo thông tin rò rỉ được tờ El Pais của Tây Ban Nha tiết lộ tuần trước, nội dung phản hồi của Mỹ có những đề xuất nhằm giải quyết các mối quan ngại cụ thể của Nga. El Pais cho hay Washington bày tỏ sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận có qua có lại đảm bảo không triển khai tên lửa và lực lượng chiến đấu ở Ukraine, đồng thời đàm phán về “cơ chế minh bạch” để xác nhận Mỹ không bố trí tên lửa hành trình Tomahawk trên lãnh thổ Ba Lan và Romania.

Chuyên gia Kortunov đánh giá đề xuất tham gia đối thoại kiểm soát vũ khí với Washington có thể được Putin quan tâm. “Ở mức độ nào đó, điều này có thể đáp ứng yêu cầu của Putin, bởi nếu có những cuộc đàm phán nghiêm túc về kiểm soát vũ khí ở châu Âu, chúng có thể giúp ngăn NATO đưa khí tài tiến gần biên giới Nga hơn”, ông phân tích.

“Nếu đây là vấn đề trọng tâm trong số những lo ngại của Putin, ông ấy có thể cố gắng giải quyết theo cách đó. Tuy nhiên, Putin nhiều khả năng sẽ không từ bỏ hoàn toàn yêu cầu an ninh chủ chốt của mình”, Kortunov nói thêm.

Về yêu cầu ngăn Kiev gia nhập NATO, Fyodor Lukyanov, tổng biên tập tạp chí Nước Nga trong Các vấn đề Toàn cầu, cho rằng nếu Moskva không thể khiến phương Tây đưa ra cam kết mang tính ràng buộc, họ có thể tìm cách đạt kết quả tương tự thông qua một phiên bản mới của Thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015.

Vị trí khu vực Donetsk và Luhansk do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine. Đồ họa: BBC.

Sau hội đàm với Macron, Putin nhấn mạnh không có gì thay thế được Thỏa thuận Minsk, vốn có thể giúp hai khu vực Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát, được trao quy chế tự trị đặc biệt.

Tùy thuộc vào cách giải thích trạng thái đặc biệt này, Thỏa thuận Minsk có thể cản trở giấc mơ NATO của Ukraine, đặc biệt nếu hai khu vực Donetsk và Lugansk được tự do ký kết các thỏa thuận an ninh riêng với Nga, điều mà Kiev sẽ kịch liệt phản đối.

Lukyanov nhận định phương Tây sẽ cần nghiêm túc gây áp lực lên Ukraine để họ không còn từ chối đối thoại với lực lượng ly khai, đồng thời cấp quyền tự trị cho khu vực Donbass, vốn được coi là giải pháp khả dĩ nhất để tháo ngòi căng thẳng hiện nay.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng một thỏa thuận mới cũng có thể được các bên thống nhất để dàn xếp xung đột, dựa trên những phương án mà Macron đề xuất. Nga và Mỹ cũng có khả năng đạt được đồng thuận về các biện pháp kiểm soát vũ khí mới, theo phương thức mà Washington sẵn sàng đàm phán.

Theo các chuyên gia Nga, những tín hiệu mà Putin phát đi giúp thắp lên hy vọng hạ nhiệt tình hình, dù chưa thể giải quyết hoàn toàn cuộc khủng hoảng. “Tôi cảm thấy lạc quan, nhưng đồng thời cũng rất thận trọng về triển vọng này”, Lukyanov nêu quan điểm.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều