Politico: Trump đã thay đổi nước Mỹ bằng Twitter thế nào?
Quyết định đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của Trump tối 8/1 của Twitter có thể được xem là sự kiện chấn động lịch sử truyền thông chính trị Mỹ.
Khi tài khoản @realDonaldTrump ra đời năm 2009, bản thân Twitter vẫn là một “điều lạ” của thế giới công nghệ, khi chỉ được xem như nơi cập nhật các thông báo đáng chú ý của người nổi tiếng hay các cuộc tranh cãi. Nhưng tới khi tài khoản của Tổng thống Donald Trump bị đình chỉ đêm 8/1, nền tảng này đã trở thành diễn đàn chính trị chính ở Mỹ, thu hút hàng triệu người mỗi ngày. Và tài khoản @realDonaldTrump là trung tâm của nó.
Trump chưa từng điều hành chính phủ theo cách thông thường như những người tiền nhiệm khác và Twitter mang tới cho ông công cụ để làm điều khác biệt. Ông sử dụng nền tảng này để thông báo sa thải các bộ trưởng trong nội các hay gây áp lực đối với các tập đoàn lớn. Ông cũng sử dụng nó như công cụ ngoại giao, công kích tổng thống Iran và khoe vũ khí hạt nhân của Mỹ để răn đe Triều Tiên. Trump cũng đưa ra nhiều chính sách trên Twitter, như quyết định cấm người chuyển giới. Twitter cũng là nơi Tổng thống Mỹ chia sẻ các thông điệp từ các nhóm cực hữu hay công kích các đối thủ, hoặc khen ngợi bản thân.
Không ít người đã phàn nàn về việc Trump biến các bài đăng Twitter của ông thành các cuộc thảo luận hay ra quyết định trong các phòng họp hay trên bàn ăn. Thay vì những cách thông thường, Trump đã sử dụng Twitter để quản lý chính quyền của ông từ bên ngoài.
Derek Robertson, biên tập viên của Vox, nhận xét Trump là tổng thống đầu tiên biến những bình luận trên mạng trở thành tiếng nói của quyền lực chính trị Mỹ.
Không chỉ mang dấu ấn chính trị, tài khoản @realDonaldTrump đậm màu văn hóa Mỹ. Những câu nói kiểu thành ngữ, ngắn gọn đến cụt lủn của Trump như “buồn”, “cuộc săn phù thủy”, “ngừng kiểm phiếu” đã dần trở nên quen thuộc trong cuộc sống của người Mỹ. Trump thậm chí còn thêm những từ mới cho tiếng Anh như “covfefe” dù đó đơn giản chỉ là một lỗi đánh máy.
Trump lần đầu tiên đăng tweet là vào ngày 4/5/2009, nhắc nhở những người theo dõi xem chương trình “Late Show With David Letterman” của đài CBS với sự xuất hiện của Trump, ngôi sao của một chương trình thực tế ngày càng ít người xem. Đó là một con đường dài từ khi Trump sử dụng tài khoản Twitter để thay đổi thương hiệu bản thân như một người theo chủ nghĩa dân túy, sau đó trở thành một tiếng nói trong đảng Cộng hòa và cuối cùng trở thành lãnh đạo của thế giới này.
Trong những năm đầu ra đời, @realDonaldTrump chỉ yếu là công cụ để tăng mức độ nổi tiếng của Trump. Sau đó, Trump biến đây thành mặt trận để công kích cựu tổng thống Barack Obama, lan truyền các thông tin sai lệch về việc tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ không sinh ra tại đất nước này, nhằm cáo buộc nhiệm kỳ tổng thống của ông không hợp pháp.
Những bài đăng như vậy đã khiến Trump trở thành ngôi sao của thế giới truyền thông bảo thủ. Dù các dòng tweet của ông thường được truyền thông chính thống xem như chuyện bên lề, chúng thường xuyên được trích dẫn trên các trang tin của phe cực hữu, như Breitbart, InfoWars hay Gateway Pundit.
Trong cuộc đua trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống năm 2016, Trump đã nhanh chóng biến Twitter thành mặt trận để “đốn hạ” các đối thủ chuyên nghiệp và được tài trợ tốt hơn. Thông qua các bài đăng tweet, Trump đã đặt hàng loạt biệt danh cho các đối thủ chính trị, như “Jeb năng lượng thấp”, “Hillary dối trá”, “Bernie điên cuồng”, “Marco nhỏ bé” và “Joe buồn ngủ”, lần lượt ám chỉ tới Jeb Bush, Hillary Clinton, Bernie Sander, Marco Rubio và Joe Biden.
Sau khi trở thành tổng thống, Trump đã sử dụng tài khoản @realDonaldTrump để thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách mà không cần bận tâm tới các cơ chế làm việc thông thường. Tài khoản Twitter của ông chủ Nhà Trắng cũng là nguồn cảm hứng hàng ngày đối với nền tảng theo dõi trung thành, những người sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ với bất kỳ ai chỉ trích Tổng thống. Nó cũng giúp cho nhiều chính trị gia, đặc biệt là các thành viên Cộng hòa, cách để né tránh những câu hỏi của Trump, người không ngừng điều hành mọi việc bằng các bài đăng tweet, là “tôi không vào Twitter”.
Rất lâu trước cuộc bạo loạn trên Đồi Capitol hôm 6/1, nhiều nhà chỉ trích cho rằng sự kết hợp của tài khoản @realDonaldTrump và việc xem thường sự thật là mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân, khi thúc đẩy các thông tin sai lệch có thể dẫn tới bạo lực và tội ác trên khắp nước Mỹ, đặc biệt từ các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc da trắng.
Trong những tháng cuối nhiệm kỳ Trump, tài khoản @realDonaldTrump đã trở thành nền tảng cho cuộc tranh luận về việc mức độ mà các nền tảng công nghệ phải chịu trách nhiệm cho các bài xuất bản của họ.
Sau khi bị Twitter dán nhãn hai dòng tweet là “vô căn cứ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/5 thông qua sắc lệnh hành pháp nhằm mục tiêu tước quyền miễn trừ pháp lý của các công ty mạng xã hội, như Twitter, theo Điều 230 Đạo luật Truyền thông Đứng đắn.
Sắc lệnh mới đồng nghĩa với việc các công ty mạng xã hội có thể đối mặt rủi ro pháp lý nếu cho phép đăng nội dung sai lệch hay bôi nhọ. Điều này đồng nghĩa các công ty mạng xã hội sẽ phải mạnh tay hơn trong kiểm soát những thông điệp vượt quá giới hạn.
Giới quan sát khi đó nhận định Trump có thể sẽ rơi vào tình thế “gậy ông đập lưng ông” với sắc lệnh này. Không nằm ngoài dự đoán, với việc kiểm duyệt gắt gao hơn, Twitter hôm 8/1 đã đình chỉ vĩnh viễn @realDonaldTrump, nằm trong nhóm tài khoản có nhiều người theo dõi nhất trên nền tảng này. Quyết định được đưa ra sau những lo ngại về việc Trump “kích động bạo lực” trong cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1.
Robertson, biên tập viên của Vox, nhận xét sau khi cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của ông với người ủng hộ thông qua nền tảng công nghệ này, Trump cuối cùng không tránh khỏi kịch bản đáng buồn: cánh cửa của thế giới Twitter đã hoàn toàn đóng sập với ông.
T.Tâm (Theo Politico)