“Chống dịch như chống giặc”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”… phương châm xuyên suốt trong 6 tháng qua không chỉ chi phối nhận thức, hành động và còn là ý thức tự giác, sự đồng lòng quyết tâm của Đảng, Chính phủ, bộ ban ngành từ Trung ương xuống địa phương và nhân dân đã bước đầu chiến thắng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Việt Nam trải qua hơn 170 ngày chiến đấu cùng dịch Covid-19, đến nay có 381 ca nhiễm, 353 ca khỏi bệnh và không ghi nhận thêm ca lây nhiễm cộng đồng trong 3 tháng qua.
Covid-19 bùng phát, mỗi quốc gia có chọn lựa riêng để ứng phó. Với Việt Nam, chọn lựa ấy là vì dân, coi mục đích cao nhất của nhân quyền là vừa tạo điều kiện để con người phát triển, vừa bảo vệ tính mạng con người, để kịp thời ứng phó, chủ động triển khai các giải pháp, tạo nên sức mạnh tổng hợp toàn xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất các hệ lụy từ đại dịch.
Phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) mùng 3 Tết, một khách du lịch đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) “xông đất” kèm theo biểu hiện của ho, sốt kéo dài. Hà Nội đúng như diễn tập đã ngay lập tức cử lực lượng y tế phun khử trùng khách sạn, CDC cách ly ngay những người tiếp xúc gần. May mắn, đoàn khách cho kết quả âm tính, từ đây lãnh đạo phường xác định phải “phòng bị trước một bước” trong phòng, chống dịch.
Quận Ba Đình cũng có chỉ đạo phương án diễn tập giữa các phường phòng khi dịch bệnh xảy ra, tuy nhiên chưa kịp diễn tập thì những ngày đầu tháng 3, Hà Nội như “náo loạn” khi thông tin ca bệnh số 17 dương tính với virus SARS-CoV-2 được công bố.
Phường Trúc Bạch lại trở thành tâm điểm chú ý của cả nước khi có đến 5 trường hợp mắc Covid-19, là phường duy nhất có phố Trúc Bạch, khu dân cư Nguyễn Khắc Nhu và bệnh viện Hồng Ngọc phải phong tỏa, với hơn 800 người vào diện cách ly.
Đặc biệt là phố Trúc Bạch, UBND TP Hà Nội phải ra quyết định cách ly 66 hộ dân tại với 189 nhân khẩu. Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch phường chia sẻ, trong hàng chục năm qua cán bộ và nhân dân phường chưa bao giờ ở trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Bản thân ông Huy lúc nhận thông tin và ngay sau cuộc họp khẩn cũng không về nhà mà ở lại ngay trụ sở phường cách ly cùng người dân.
Chỉ trong vòng 24h kể từ mốc thời gian đó, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp và người dân đã có những đêm không ngủ.
Xác định tâm lý lo lắng, hoang mang nhất thời là điều khó tránh khỏi, 19h tối, 4 tổ công tác phường gồm cán bộ cơ sở, y tế, công an, công chức phường vào từng nhà dân trong đoạn phố để thông báo tình hình, trấn an, động viên nhân dân.
Sự hoang mang tăng dần khi thông tin trên mạng xã hội “đồn thổi”, lần đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện ca nhiễm và lần đầu tiên phải có người đi cách ly, đó chính là điều khó nhất làm cho Chủ tịch phường cùng nhiều cán bộ cất công giải thích để người dân tin tưởng.
Cũng bỡ ngỡ, tự hỏi không biết nên làm gì tiếp theo, có những tình huống bắt buộc người đứng mũi chịu sào phải ra quyết định nhanh, ông Huy giãi bày ông phải tự đặt mình vào tâm lý của người dân khi đó. “Các tổ công tác chia nhau gõ cửa từng nhà lúc nửa đêm. Cảnh sát khu vực đi trước, y tế phường, tổ trưởng dân phố theo sau, dặn dò cư dân hạn chế ra ngoài và cung cấp lịch sử đi lại trong 14 ngày”, Chủ tịch phường Trúc Bạch kể lại các bước kiểm soát.
21h đêm, thông tin ca bệnh lan truyền, chỉ sau vài phút, người dân khắp các quận nội thành đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm, tích trữ hàng hóa. Trong khu cách ly Trúc Bạch lại trái ngược hoàn toàn. “Chúng tôi không bao giờ thiếu khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn trong khi ngoài kia khan hiếm. Người dân được đo thân nhiệt định kỳ, phường triển khai bài bản như hướng dẫn”, ông Huy nói. 2 ngày sau, có 2 gia đình ở khu phố đi làm ăn bên ngoài cũng tin tưởng, tình nguyện vào cách ly.
Ông Huy cho biết thêm: “Từ những nhu cầu nhỏ nhất, chúng tôi đều đáp ứng, đặc biệt có 6 người nước ngoài với nhiều quốc tịch cư trú trên địa bàn, ăn chế độ khác nhau. Cán bộ phường cũng cung cấp đúng yêu cầu của họ như bánh mì, bơ sữa… Khi cần, họ nhờ mua pizza, cà phê nóng cũng đều được đáp ứng”. Sau này gặp lại, các vị khách đã thực sự cảm động, hết lòng cảm ơn và cho biết kể cả ở nước họ cũng không được phục vụ tận tình như vậy.
Lần đầu tiên, ngày làm việc của các cán bộ phường Trúc Bạch không phải 8 tiếng hành chính như thường lệ, công cuộc điều tra F1 kéo dài đến 2h30 sáng, khi người dân cuối cùng được đưa đi cách ly tập trung, phố xá mới tạm yên ắng.
Trụ sở 6 tầng UBND, HĐND phường nằm ngay đầu phố Trúc Bạch nối với phố Ngũ Xá vừa được sửa sang hoàn thiện chưa kịp bàn giao đã phải chuyển sang “trực chiến” từ đêm 6/3. Phòng tiếp dân tầng 1 trở thành phòng họp dã chiến, tấm bảng chi chít chữ, con số, các kế hoạch trong ngày, hai cánh cửa thông ra đầu con phố Trúc Bạch không khép, điện sáng cả đêm.
Toàn phường có 5 cán bộ y tế cùng với các cán bộ “gánh vác” duy trì lực lượng vừa đảm bảo chống dịch vừa phải thực hiện các nhiệm vụ chung của phường.
Ông Huy chia sẻ kỷ niệm khó quên khi 2 ngày đầu, tất cả lực lượng đều căng sức vận hành guồng máy, trong đó có cả những cán bộ nữ. “Áp lực đến mức họ vừa ngồi gõ máy tính vừa khóc, hay như chị trạm trưởng y tế làm việc căng thẳng đến khi máu cam mà không biết.
Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 nhìn thấy hình ảnh đó tôi thực sự thương chị em, tôi có nhờ anh em bên ngoài mua một bó hoa và vài phong socola. Đến 11h đêm sau khi tạm hết việc, tôi mới huy động anh em tổ chức mừng 8/3, động viên chị em”.
Sau ca nhiễm “mở màn”, Hà Nội liên tục ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm mới, nhiều người liên quan đến ca bệnh số 17 như lái xe, bác họ và nhiều hành khách cùng đi trên chuyến bay mang số hiệu VN54 từ London về Việt Nam.
Từ nhận thức “chống dịch như chống giặc”, xây dựng các phương án, xác định lấy phòng dịch là chính, phường và quận cố gắng mức thấp nhất các ca nhiễm mới, không để dịch bùng phát.
Phường Trúc Bạch cũng là nơi đầu tiên phạt người vi phạm giãn cách xã hội với 3 trường hợp gồm 2 người câu cá và 1 người bán hàng rong.
Mọi lực lượng làm nhiệm vụ mà tuyến đầu là quân đội, công an và y tế không quản ngại nguy cơ lây nhiễm, hết mực chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người dân, đồng thời tuyên truyền người có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của người khác, trách nhiệm với sự an toàn của xã hội.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách chủ động. Mọi ban, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể xã hội được huy động và quan trọng hơn cả là sự đồng lòng và ủng hộ của toàn dân. Chính sách đặt con người ở vị trí cao nhất trong công cuộc phòng, chống đại dịch được thể hiện bao trùm trên phạm vi toàn xã hội là điều khiến mọi người dân Việt Nam tin tưởng và thấu hiểu “Tổ quốc không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.
Thành Nam – Thái An/VNN