Phương Tây tìm kiếm nguồn dầu mỏ khác ngoài Nga
Một loạt các động thái vận động cấm vận dầu Nga đang được thực hiện trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO và EU giữa tuần này.
Một trong các chỉ dấu rõ nhất là một số nước phương Tây đã bắt đầu tìm kiếm hoặc tăng cường các nguồn cung ngoài Nga.
Trong khi đó, giá dầu thế giới ngày 21-3 đã tăng trở lại sau cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào một nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia vào cuối tuần qua khiến hoạt động sản xuất tạm thời bị gián đoạn.
Nỗ lực tìm nguồn cung
Các nguồn tin ngoại giao của Hãng tin Reuters tiết lộ các nước Baltic bao gồm Lithuania đang thúc đẩy lệnh cấm vận dầu Nga trên toàn EU. Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis gọi đây là “bước đi không thể tránh khỏi” nếu muốn hỗ trợ Ukraine nhiều hơn vì dầu mỏ là nguồn thu ngân sách lớn nhất của Nga.
Đức, quốc gia dẫn dắt EU và cũng là nước phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng, đang chống lại điều này do giá năng lượng đang tăng vọt trong nước. Đây được cho là nguyên nhân khiến EU không thể tiến về phía trước trong kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Mặc dù vậy, Berlin cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác mới để giảm sự lệ thuộc năng lượng vào Matxcơva.
Chuyến thăm Qatar của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hồi cuối tuần rồi đã không dẫn đến hợp đồng cụ thể nào. Mặc dù vậy, hai bộ trưởng Đức và Qatar đã thống nhất tăng cường hợp tác năng lượng trong dài hạn bao gồm khí thiên nhiên hóa lỏng.
Phía Qatar thừa nhận đây là một cơ hội mới, bởi nước này đã luôn tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp cho Đức nhưng việc đàm phán trước đây chưa bao giờ đi tới thỏa thuận cụ thể.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Về mặt lý thuyết, việc cấm vận dầu mỏ Nga sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa, ảnh hưởng đến kinh tế của cả những nước trừng phạt. Phương Tây đã cố gắng vận động Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC +) tăng sản lượng hằng ngày để kéo giá dầu xuống, nhưng cho đến nay nỗ lực này vẫn vô ích.
Vận động song phương từng quốc gia trong OPEC + (tất nhiên ngoại trừ Nga) dường như đang là cách mà phương Tây đang áp dụng để tăng nguồn cung. Khả năng thành công vẫn còn là câu hỏi, vì các nước bán dầu mỏ rõ ràng không muốn giá dầu trượt quá nhanh chóng từ việc tăng sản lượng.
Một số ý kiến cho rằng nếu EU cấm vận dầu mỏ Nga, Matxcơva có thể chọn đóng các đường ống dẫn khí đốt quan trọng sang châu Âu, sau khi đã thử thăm dò bằng việc đóng một đường ống chiếm 15% lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu hồi đầu tháng này.
Châu Âu và Mỹ đã hành động rất nhanh chóng khi áp các lệnh trừng phạt nhắm vào cá nhân và tổ chức Nga mà họ cho là góp phần dẫn tới xung đột Ukraine hoặc ủng hộ điều đó. Song với dầu mỏ và khí đốt, câu chuyện cho thấy hai bờ Đại Tây Dương vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung.
Nói như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, châu Âu không thể xây các cơ sở dự trữ và chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga ngay trong đêm được mà cần có quá trình chuẩn bị.
Trong cuộc họp báo ngày 21-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc cấm vận dầu mỏ Nga sẽ là “đòn giáng xuống tất cả các nước” và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng thế giới. Theo ông Peskov, người Mỹ có thể dễ dàng cấm vận dầu mỏ Nga nhưng người châu Âu sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn nếu ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Khai Tâm