Phương Tây đã tạo ra phiên bản “Putin nguy hiểm nhất” như thế nào?

Trang CNN vừa có bài viết nói về nước Nga qua bàn tay nguy hiểm của ông Vladimir Putin trong suốt một thập kỷ qua đã trở nên “đáng sợ” và khiến phương Tây bận tâm như thế nào?

Gần đây, nước Nga dưới thời Putin luôn được các giới chức phương tây như Anh, Mỹ… nhắc đến với một thái độ dè chừng như là: một ‘kho chiến tranh’ của các loại vũ khí tiên tiến, đồng thời mô tả tình trạng này là một ‘mối đe dọa nghiêm trọng” đối với Anh và các quốc gia khác trên thế giới.

Theo CNN, những lo ngại này không phải là vô căn cứ. Khi không thể phủ nhận rằng Putin và nhóm cố vấn của Tổng thống Nga đã tăng cường sự tự tin trong giai đoạn này. Cho dù đó là vấn đề về Cremea, Lybia, Syria…Điện Kremlin của Putin dường như không còn tìm kiếm sự đồng tình từ bất kỳ một quốc gia phương Tây nào nữa.

Nó càng trở nên “nguy hiểm” hơn trong những tuần gần đây, khi giá khí đốt trên khắp châu Âu tăng cao do nguồn cung khí đốt của Nga giảm và ông Putin đã thẳng thừng cắt đứt quan hệ ngoại giao lỏng lẻo với NATO, đặc biệt là trong thời điểm các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã hiểu sai về Putin như thế nào và đã phớt lờ việc ông sẵn sàng sử dụng vũ khí theo ý mình.

Hơn hết, một lần nữa Tổng thống Putin đã tỏ ra vững tin vào sức mạnh của mình trong cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, khi giá khí đốt tự nhiên vọt lên cao kỷ lục. Khủng hoảng năng lượng bộc lộ rõ thứ vũ khí cực kỳ lợi hại giúp Nga giành lợi thế đáng kể trong quan hệ với EU.

Không có gì bí mật khi nhiều nước châu Âu, bao gồm cả Đức, đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga. Tình trạng thiếu hụt gần đây đã gây ra rủi ro không chỉ về kinh tế mà còn là rủi ro địa chính trị của sự phụ thuộc này.

Theo CNN, các nước phương Tây với phản ứng khá chậm chạp trước sự ảnh hưởng của Nga và không muốn hiểu ý đồ của ông Putin, đã cho phép Nga ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Trong bài viết, trang CNN cũng đồng thời dẫn ý kiến từ các chuyên gia phân tích với nhận định cho rằng đây chính là thời điểm mà Nga có sự ‘trỗi dậy mạnh mẽ và đầy nguy hiểm.

Theo ông Oleg Ignatov, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Đương đại có trụ sở ở Moscow chỉ ra rằng, châu Âu và phương Tây cần phải suy nghĩ lại về chính sách của họ trong nhiều lĩnh vực: từ năng lượng và sự can thiệp nước ngoài cho đến xây dựng nhà nước.

Mười năm trước, lập luận này mang tính phòng thủ nhiều hơn bởi Nga và ông Putin muốn bảo vệ Nga khỏi những lời chỉ trích từ phía các chính phủ phương Tây hoặc các tổ chức phi chính phủ. Nhưng bây giờ Nga có thể xác nhận rằng chính sách của phương Tây đã thất bại ở Libya, Syria và mới đây nhất là ở Afghanistan, chứng tỏ rằng cách tiếp cận của Nga thực sự đúng đắn”, chuyên gia Nga giải thích.

Riêng ông Cyrus Giles, chuyên gia cao cấp về chương trình Nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House lại cho rằng: “Nga đang trở nên cởi mở và thẳng thắn hơn, khi ông Putin sử dụng cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu để đảm bảo chứng nhận cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Điều này càng thấy rõ hơn khi Nga cắt đứt mọi quan hệ còn lại với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), điều này được thực hiện một cách công khai và Nga không còn giả vờ tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây nữa đã chứng tỏ sức mạnh thực sự nguy hiểm của Nga ở hiện tại”.

Theo CNN, Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã ra điều kiện để Moscow hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có ở châu Âu, nói rằng quốc gia của ông có thể tăng nguồn cung khí đốt ngay khi Đức cấp giấy phép cho Nord Stream 2.

Ông Putin khẳng định, tập đoàn năng lượng Gazprom, có thể cung cấp thêm 17,5 tỉ m3 khí đốt thông qua hệ thống ống dẫn Nord Stream 2 vào “ngày kia” nếu dự án này được cấp giấy phép vào “ngày mai”.

Theo nguồn tin thân cận cho biết, rõ ràng thông qua cuộc khủng hoảng này, ông Putin đang muốn gây sức ép buộc Liên minh châu Âu phải viết lại một số quy tắc trên thị trường khí đốt của khối này sau nhiều năm phớt lờ những lo ngại của Moscow, đồng thời muốn họ từ bỏ phương thức định giá khí đốt theo giá giao ngay trong các hợp đồng dài hạn với tập đoàn Gazprom của Nga.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang tìm kiếm việc cấp chứng nhận nhanh chóng cho Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” – dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic.

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt đang ở mức thấp kỷ lục cùng những hạn chế trong việc tìm kiếm các nguồn cung khác, EU rất có thể sẽ ngày càng phụ thuộc vào Nga để tránh tình trạng thiếu năng lượng khi mùa đông lạnh giá đang đến gần.

Thực hiện: Bảo Trâm (Theo CNN)

Đồ họa: M.N