Phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 gắn với tái cấu trúc nền kinh tế
Đến nay, Việt Nam đã dỡ bỏ lệnh cách ly toàn xã hội và bắt đầu triển khai các chính sách khôi phục nền kinh tế thời hậu COVID-19.
Tìm kiếm giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 phải gắn liền với việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng vững chắc để thích ứng với các biến động khó lường trong tương lai.
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn COVID-19 do Trường Đại học Kinh tế – Luật phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/5.
*Phá vỡ chuỗi cung ứng
Các chuyên gia đánh giá, đại dịch COVID-19 không chỉ đơn thuần là cuộc khủng hoảng về y tế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế, làm phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cú sốc đầu tiên là sự suy giảm sản lượng hàng hóa do các nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và cú sốc thứ hai là sự suy giảm mạnh mẽ của cầu đối với hàng hóa công nghiệp do người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc mua sắm hàng hóa, đăc biệt là các mặt hàng không thiết yếu, có thể trì hoãn được.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế thế giới, dự báo xu hướng chung của các nền kinh tế là tăng trưởng chậm, thậm chí là âm trong năm 2020 và sẽ hồi phục vào năm 2021.
Tiến sĩ Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ngân hàng (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đình trệ thương mại toàn cầu.
Đặc biệt khi dịch bắt đầu bùng phát và gây thiệt hại tại Trung Quốc – công xưởng của thế giới khiến nước này phải đóng cửa hàng loạt nhà máy, tạo nên hiệu ứng gợn sóng, gây thiệt hại nặng nề đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, gây thiếu hụt với nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành ở nhiều quốc gia khác nhau; trong đó có Việt Nam.
Theo ông Trần Hùng Sơn, đối với kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và có sự liên kết ngược xuôi với nhiều quốc gia trong chuỗi cung ứng.
Cụ thể, Việt Nam nằm trong nhóm các nước nhập khẩu một lượng lớn đầu vào từ nước ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu nên chịu ảnh hưởng lớn khi có cú sốc xảy ra ở các nước đối tác. Nói cách khác, kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trong đại dịch vì đối diện liên tục hai cú sốc về thiếu hụt nguyên liệu (vải, phụ liệu cao su, nhựa, da giày) phục vụ sản xuất ở giai đoạn đầu khi Trung Quốc bùng phát dịch và giảm đầu ra khi hàng loạt hợp đồng xuất khẩu với đối tác lớn (EU, Mỹ) phải hủy, hoãn giao hàng.
Nhiều doanh nghiệp, nhà máy ở Việt Nam buộc phải cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất hoặc hoạt đồng cầm chừng, một số doanh nghiệp nhỏ phải chấp nhận phá sản.
Theo số liệu của cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong quý I/2020 đã có gần 19.000 doanh nghiệp tậm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2019, ngoài ra còn có hơn 4.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tập trung ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ lưu trú, ăn uống…
Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tác động của dịch COVID-19 đã thể hiện rõ nét qua tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, chỉ còn 3,82%; trong khi đó lạm phát lại có xu hướng tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước do giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng.
Tuy nhiên, những con số trong quý I chưa thể hiện hết những thiệt hại do dịch COVID-19 vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều khu vực thị trường quan trọng như EU, Mỹ và nguy cơ tái bùng phát tại Hàn Quốc, Nhật Bản trong thời gian tới còn rất cao.
*Phục hồi gắn với thích ứng
Đến nay, Việt Nam đã dỡ bỏ lệnh cách ly toàn xã hội và bắt đầu triển khai các chính sách khôi phục kinh tế; trong đó, nhiều giải pháp được đề xuất để ứng phó với tác động của dịch COVID-19 như tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại và mở rộng, đa dang hóa thị trường cả về nguồn cung đầu vào lẫn đầu ra xuất khẩu cũng khai thác tốt thị trường nội địa.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đại dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, với nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và ngành y tế, Việt Nam hiện đang là một trong những địa điểm an toàn của thế giới và doanh nghiệp đã có thể bắt đầu khôi phục sản xuất, thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Thời gian qua, các bộ, ngành cũng đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ về giãn thuế, tiền thuê đất và giảm lãi suất cho vay…Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mang tính “giảm đau”, hỗ trợ phần nào những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, còn về lâu dài cần phải có sự thay đổi từ vĩ mô cấp chiến lược quốc gia lẫn vi mô là từng doanh nghiệp.
Theo ông Trần Quốc Phương, không phải khi có đại dịch COVID -19 Chính phủ mới đặt ra vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế nhưng đây là thời điểm cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc từ ngành nghề, lĩnh vực cho đến thị trường theo hướng đa dạng hóa và tăng cường khả năng chủ động.
Bài học thực tế nhất trong những tháng đầu năm 2020 là rất nhiều xe tải chở nông sản Việt Nam xếp hàng chờ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng gặp dịch bệnh, bị ùn ứ đành phải đổ bỏ. Hay hàng loạt doanh nghiệp dệt may, da giày, nhựa phải dừng sản xuất do phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, nếu đầu tư đẩy mạnh chế biến nông sản, sản phẩm có thể bảo quản từ 6 tháng – 1 năm, đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may, cao su nhựa sẽ không gặp khó khăn ngay khi dịch bệnh mới bắt đầu từ Trung Quốc.
Do đó, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch phải gắn liền với thay đổi tư duy, chiến lược trong dài hạn để thích ứng với những biến động khó lường trong tương lai và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trong khi đó các chuyên gia khác đề cao tính thích ứng của doanh nghiệp trước các biến động lớn, nghĩa là tìm kiếm cơ hội ngay trong thách thức.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật, cho rằng Chính phủ cần xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 kéo dài.
Kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác cho thấy doanh nghiệp nhỏ có thể được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa nền tảng kinh doanh trong đại dịch, một số khác nhanh chóng chuyển đổi sang các sản phẩm có nhu cầu cao như thiết bị phòng chống dịch, dịch vụ mua sắm online…
Vì vậy, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi trong giai đoạn dịch COVID-19 cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và kênh bán hàng mới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, đây là thời điểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tổ chức hỗ trợ kinh doanh hơn bao giờ hết, đồng thời Chính phủ cũng cần một hệ sinh thái có khả năng cung cấp các giải pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp nhỏ một cách nhanh chóng, kịp thời.
Song song đó cần tăng cường việc kết nối với các tổ chức xúc tiến thương mại trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực thông tin nhằm “cứu” doanh nghiệp trước nguy cơ rời bỏ thị trường.
Tương tự, Tiến sĩ Lê Xuân Sang phân tích, việc phục hồi, thoát ra khỏi khó khăn kinh tế ngoài việc phụ thuộc vào công tác kiểm soát dịch bệnh cần tính tới hiệu quả, tính khả thi của các chính sách kích thích kinh tế phù hợp với trong bối cảnh thị trường thế giới mới.
Theo đó chính sách kích cầu cần đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng đối tượng, cả ba yếu tố này cần tính đến độ trễ giữa ban hành chính sách và thời điểm có hiệu lực thực tế để doanh nghiệp không phải “chờ”.
Thêm vào đó, với nguồn lực có hạn, các chính sách kích cầu cần tính đến hiệu quả thực tiễn đối với từng nhóm doanh nghiệp, ngành hàng và khả năng, tốc độ phục hồi. Song song đó, cần thực thi cơ chế hậu kiểm, phạt nguội cho những đối tượng thụ hưởng chính sách khai báo không trung thực để vừa đảm bảo tính thức thời, hiệu quả nhưng cũng duy trì sự nghiêm minh, công bằng trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Xuân Anh/ TTXVN