Phú Thọ: Trang trại khủng xây dựng trên đất rừng sản xuất mà lãnh đạo “không nắm được“
Tại khu 5 xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cả ngàn mét vuông đất rừng sản xuất bị người dân san gạt, cơi nới xây dựng trang trại chăn nuôi từ năm 2019, tuy nhiên đến nay, lãnh đạo địa phương vẫn “không nắm được tình trạng này”.
Báo Pháp Luật Việt Nam nhận được thông tin phản ánh về việc xây dựng trang trại chăn nuôi trái phép trên đất rừng sản xuất chưa được chuyển đổi của hộ ông Hoàng Đức Thuận tại khu 5, xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Để xác minh rõ hơn về tình trạng trên, Phóng viên đã đến ghi nhận thực tế một trang trại được xây dựng kiên cố trên quả đồi khoảng 1,6 ha nên đã làm việc với chính quyền địa phương.
Trao đổi với Phóng Viên Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Hán Thành Tám, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ thừa nhận “chưa nắm được ai là chủ đất”, “họ xây dựng như thế nào” do mới sang Chủ tịch xã Phú Mỹ từ tháng 6/2020.
Còn ông Lê Anh Tuấn, Cán bộ địa chính xã Phú Mỹ xác nhận: Trang trại trên là của ông Hoàng Đức Thuận, nằm trên một phần thửa 353, tờ bản đồ số 12, cấp giấy chứng nhận là đất rừng trồng sản xuất với tổng diện tích thửa đất là 1,6 ha.
“Còn diện tích xây dựng trang trại đã được chuyển đổi mục đích sử dụng hay chưa thì tôi chưa nắm được. UBND xã Phú Mỹ không có địa chính xây dựng, ở cấp xã người dân xây dựng không phải xin giấy phép xây dựng, họ xây dựng cũng không báo cáo lên xã. Khi họ san gạt để xây dựng trang trại thì tôi không kiểm tra, vì một phần là không có thời gian kiểm tra nên không phát hiện ra sai phạm” – ông Lê Anh Tuấn bày tỏ.
Theo điều 107 Luật đất đai năm 2003 quy định người sử dụng đất phải có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất. Như vậy việc ông Thuận tự ý cho xây dựng một dãy trang trại trên phần đất rừng sản xuất được nhà nước giao là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.
Trong khi đó, theo điều 182 nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai quy định, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng đất tại địa phương để phát hiện kịp thời những trường hợp lấn, chiếm đất đai, không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ không đúng với quy định của pháp luật các trường hợp khác có vi phạm hành chính trong quản lý và sử dụng đất đai.
Cả một trang trại “khủng” được xây dựng trên đất rừng sản xuất có diện tích 1,6ha mà từ lãnh đạo UBND xã đến cán bộ địa chính đều “lơ ngơ” không nắm được vấn đề liên quan. Vậy trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ chuyên môn địa bàn ở đâu khi để xảy ra hành vi vi phạm?