Phú Thọ: Chiêu lừa bán lan đột biến tiền tỷ tinh vi khiến dân chơi tán gia bại sản
Chính vì sự hiếm có, đắt tiền của loại lan này đã khiến một bộ phận người chơi lan ham làm giàu nhanh chóng dẫn đến ngập trong nợ nần.
Cuối tháng 7/2020, ông Đoàn Văn Nam (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã làm đơn trình báo lên Công an huyện Phù Ninh về việc ông bị một số đối tượng lừa đảo, mạo danh lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ với số tiền lên đến 2,6 tỷ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nam cho hay, ông chơi lan cũng gần chục năm nay nhưng trước kia chỉ mua những giò lan rừng dưới 2 triệu đồng, coi như là thú vui tuổi già.
Cho đến giữa năm nay, khi thị trường lan đột biến rầm rộ, ông mới bắt đầu tìm đọc trên các trang mạng xã hội về lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ. Qua sự giới thiệu của bạn bè, ông tham gia các cộng đồng những người chơi lan trên Facebook và được hướng dẫn mua lan qua các buổi bán hàng Livestream.
“Sau một thời gian tìm hiểu các vườn lan trên Facebook, tôi đã tìm đến Facebook Nguyễn Văn Lộc và đặt mua cây lan đột biến đầu tiên với giá 95 triệu đồng, trong đó phải ứng trước 65 triệu đồng và được chủ Facebook gợi ý cho thanh toán nốt 30 triệu đồng sau khi bán được lan.
Chỉ một ngày sau, đã có người từ Hải Phòng gọi cho tôi, bảo muốn mua lại giò lan trên với giá 115 triệu đồng. Thấy giá quá hời nên tôi đồng ý ngay và gọi cho Facebook Nguyễn Văn Lộc để thanh toán phần còn lại và giao lan”, ông Nam cho biết.
Cũng theo ông Nam, vì thấy giao dịch quá thành công, tiền lãi từ bán sang tay lan đột biến gấp mấy lần lương hưu nên sau đó, ông đã giao dịch lướt sóng thêm nhiều lần. Tổng số tiền mua lan ông chuyển vào tài khoản của Facebook Nguyễn Văn Lộc đến nay đã là 2,6 tỷ.
Cho đến cuối tháng 7 vừa qua, sau khi nhận lan được cho là đột biến, ông Nam thấy cây lan nhận được không có hoa, rất khác với khi ông mua trên Livestream.
“Tôi đã gọi điện cho Facebook kia, bên đó bảo “vừa cắt hoa đi”. Nhưng nếu cắt thì phải còn nguyên cuống, đằng này trên thân cây trống trơn, tôi mường tượng ra phần nào là đã bị lừa”, ông Nam nói.
Ông Nam cho biết thêm: “Trong vòng 1 tuần sau, hàng loạt người mua cây lan đột biến của tôi đồng loạt gọi thông báo, họ nghi ngờ cây tôi bán là giả và yêu cầu tôi hoàn trả tiền. Tôi đã gọi ngay cho Facebook Nguyễn Văn Lộc nhưng bị chặn số.
Sau khi đăng câu chuyện lên mạng, tôi mới biết có rất nhiều trường hợp như tôi, mua ở nhiều Facebook tên khác nhau nhưng đều giao dịch qua tài khoản ngân hàng Bùi Thị Huệ”.
“Lúc đó vì quá lo sợ, hoang mang nên tôi đã cắm giấy tờ nhà, mượn tiền anh em, họ hàng để trả cho khách hàng tổng số tiền là 2 tỷ 80 triệu và ôm về những giò lan “rởm”. Gia đình tôi hiện nay đang rất suy sụp vì công sức làm lụng bấy lâu nay đổ sông đổ biển cả.
Ở tuổi xế chiều mà còn nhận vố lừa quá đau đớn vì lòng tham che mờ lí trí”, ông Nam buồn bã nói.
Một người bạn khác của ông Nam, ông Đỗ Đức Thụ (khu 7 xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cũng đang lao đao vì lan đột biến.
“Tôi cũng mới chơi lan đột biến chưa lâu, tìm mua cây trên mạng từ người ở Hòa Bình với giá 96 triệu đồng cũng với hình thức cọc 60% số tiền. Sau đó không lâu, một anh ở Tuyên Quang gọi cho tôi và muốn mua lại với giá 100 triệu đồng.
Vì vốn không nhiều nên tôi chỉ có vài giao dịch với tổng số tiền mua cây khoảng 200 triệu đồng. Việc mua đi bán lại lan đột biến rất dễ dàng làm tôi không mảy may suy nghĩ”, ông Thụ cho biết.
Cũng theo ông Thụ, đến tháng 7 vừa qua, sau khi đặt cọc 15 triệu đồng mua cây lan đột biến nhưng không thấy chủ vườn ở Hòa Bình giao, ông đã liên hệ rất nhiều lần đều không được. Sau đó, ông đã cùng Công an huyện Phù Ninh lên tận vườn lan tại tỉnh Hòa Bình làm việc.
Chủ vườn cho biết, ở vườn không có ai tên như thế, thỉnh thoảng có vài người ghé qua chụp ảnh, Livestream, còn mục đích gì thì họ không biết.
Cũng giống như ông Nam, sau thời gian bán cây lan đột biến, ông Thụ cũng bị người khách ở Tuyên Quang đến trả cây lan đột biến và đòi lại tiền vì theo họ đây là cây lan đột biến giả.
“Vì tuổi già, sức yếu lại ít va chạm ngoài xã hội nên tôi đành nghe theo và trả lại tiền. Khi kể lại với ông Nam, tôi mới biết thủ đoạn của chúng quá tinh vi. Tuy tôi và ông Nam giao dịch mua lan đột biến ở tỉnh khác nhau nhưng đều nộp tiền cùng tài khoản Bùi Thị Huệ.
Tôi mong người dân nào hiện vẫn chơi lan đột biến hãy thật tỉnh táo, tìm hiểu kỹ càng, đến tận vườn để giao dịch chứ đừng mua bán qua mạng xã hội Facebook, đừng để như gia đình tôi phải khốn khổ vì nợ ngân hàng hàng trăm triệu do chơi lan đột biến”, ông Thụ than thở không ra hơi.
Theo một số chuyên gia và những người chơi lan lâu năm cho biết, thị trường đầu tư lan đột biến tại Phú Thọ nói riêng là khoảng 500 tỷ mỗi năm, còn cả nước nói chung là con số rất khủng khiếp. Trên thực tế, có những giao dịch lan đột biến lên tới hàng tỷ đồng là chuyện thường.
Nhưng để thị trường lan đột biến tăng giá đến vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ thì phải xem xét lại. Bởi đây có thể chiêu trò của các nhà vườn muốn lợi dụng truyền thông, mạng xã hội để đánh bóng tên tuổi.
Chính vì giá trị quá lớn, đã có nhiều kẻ xấu lợi dụng tâm lý làm giàu nhanh chóng của một bộ phận người dân chơi lan thiếu hiểu biết, dẫn đến tình cảnh ngày một bi đát của những người dân quê.
Để ngăn chặn hành động thổi giá lan đột biến, chiết ghép cây lan đột biến giả, người chơi phải cực kỳ tỉnh táo trước các giao dịch bất thường. Đặc biệt, phải thẩm định thông tin, nhất là trên mạng xã hội, không tiếp tay, phát tán những điều còn nhiều nghi vấn.
Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra các giao dịch lan đột biến. Đồng thời, đẩy mạnh, hoàn thiện các quy định về quản lý thông tin, kinh doanh trên mạng nhằm tránh bỏ lọt những sai phạm.
Việt Hoàng/DV