‘Phù phép’ hồ sơ đất làm thất thu ngân sách gần 24 tỉ đồng
Thanh tra tỉnh Trà Vinh xác định hàng chục cán bộ, chủ doanh nghiệp, cò đất… lợi dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số làm thất thu ngân sách nhà nước gần 24 tỉ đồng.
Thanh tra tỉnh Trà Vinh xác định hàng chục cán bộ, chủ doanh nghiệp, cò đất… đã lợi dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn H.Trà Cú, làm thất thu ngân sách nhà nước gần 24 tỉ đồng.
“Mượn” tên làm hồ sơ đất để miễn, giảm tiền sử dụng đất
Ngày 25.8, thông tin từ Thanh tra tỉnh Trà Vinh cho hay, cơ quan này đã triển khai kết luận thanh tra về việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất (SDĐ) cho đồng bào dân tộc thiểu số (theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ) trên địa bàn H.Trà Cú từ năm 2011 – 2019.
Theo kết luận thanh tra, từ năm 2011 – 2019, H.Trà Cú có 544 hồ sơ đất của đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Khmer) được giảm, miễn tiền SDĐ; trong đó có 3 hồ sơ giao đất, 15 hồ sơ công nhận quyền SDĐ và 526 hồ sơ chuyển mục đích SDĐ.
Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra xác suất 366 hồ sơ gồm 3 hồ sơ giao đất, 15 hồ sơ công nhận quyền SDĐ và 348 hồ sơ chuyển mục đích SDĐ. Kết quả, 3 hồ sơ giao đất đúng quy định, 15 hồ sơ công nhận quyền SDĐ có 1 hồ sơ hộ dân tộc bị lợi dụng với diện tích 147,8 m2. Đối với 348 hồ sơ chuyển mục đích SDĐ có 195 hồ sơ đúng quy định, còn lại 153 hồ sơ không đúng quy định, làm thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) số tiền gần 24 tỉ đồng.
“Quy trình” trục lợi chính sách phổ biến như sau: Một số cán bộ H.Trà Cú kết hợp với doanh nghiệp và cò đất mượn CMND, sổ hộ khẩu của đồng bào dân tộc; sau đó đứng ra lập hợp đồng chuyển nhượng đất cho đồng bào dân tộc rồi mang ra UBND xã chứng thực để chuyển mục đích SDĐ được miễn giảm tiền SDĐ. Khi hồ sơ hoàn tất, họ lập thủ tục bà con dân tộc tặng lại mảnh đất trên cho người chủ ban đầu. Với thủ đoạn này, họ đã thực hiện trọn vẹn việc chuyển mục đích SDĐ mà không phải đóng tiền SDĐ gây thất thu NSNN.
Thanh tra tỉnh xác định riêng địa bàn xã Thanh Sơn có tổng cộng 104 hồ sơ chuyển mục đích SDĐ của đồng bào dân tộc thì có đến 70 hồ sơ bị các đối tượng lợi dụng làm thất thu NSNN với số tiền gần 12,5 tỉ đồng. Hầu hết hồ sơ chuyển nhượng, hồ sơ chứng thực được lãnh đạo UBND xã ký không kiểm tra; biên bản thẩm định nhu cầu SDĐ ghi khống, người nhận chuyển nhượng là đồng bào dân tộc không có mặt tại nơi chứng thực.
Chế độ của đồng bào dân tộc vào tay cán bộ, cò đất
Hầu hết 153 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã bị cán bộ địa phương, cò đất lợi dụng, tìm đến nhà mượn CMND, sổ hộ khẩu nhằm hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích SDĐ khỏi phải đóng tiền SDĐ. Điển hình ông Thạch Ngọc Thài, công chức địa chính – xây dựng UBND xã Đại An, kết hợp với cò đất Diệp Quốc Nghĩa (56 tuổi) mượn 10 giấy CMND, sổ hộ khẩu của 10 hộ đồng bào dân tộc Khmer xã Đại An chuyển mục đích SDĐ, khỏi phải nộp thuế với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.
Bà Thạch Thị Siêng (70 tuổi, ngụ xã Đại An) cho biết ban đầu ông Nghĩa tìm đến nhà bà mượn giấy tờ tùy thân, bà và người thân không đồng ý. Sau đó, ông Thài tìm đến nhà vận động bà đưa giấy CMND cùng sổ hộ khẩu, nói là để xem xét lại chế độ chính sách. Tin tưởng lời của cán bộ, bà Siêng đưa cho ông Thài 2 loại giấy tờ trên. Nhiều hộ lân cận cũng tin tưởng, cho ông Thài mượn giấy tờ tương tự. Trước đó, ông Nghĩa đã từng mượn giấy CMND, sổ hộ khẩu của 4 hộ dân ở xã Thanh Sơn gồm: Thạch Thị Sao, Thạch Lẹ, Kim Thị Khương và Kim Thị Nam để khỏi phải nộp tiền SDĐ khi chuyển mục đích SDĐ với số tiền gần 1,2 tỉ đồng.
Ngoài ông Nghĩa, ông Thài trục lợi chính sách miễn, giảm tiền SDĐ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều doanh nghiệp, cò đất khác cũng hưởng lợi tiền tỉ từ chính sách trên. Trong đó, Nguyễn Văn Phú (50 tuổi) thu gom 22 sổ hộ khẩu, CMND của người dân xã Thanh Sơn để hợp thức hóa tiền gian lận thuế. Nhờ quen biết với cán bộ xã, hồ sơ đất của Phú chuyển nhượng đất cho đồng bào dân tộc được cán bộ xã “tận tình” giúp sức. Sau đó, Phú tiếp tục làm hồ sơ xin chuyển mục đích SDĐ. Nhờ hồ sơ là đồng bào dân tộc nên được miễn giảm tiền SDĐ. Hồ sơ hoàn thiện, người dân làm thủ tục tặng lại mảnh đất trên cho Phú.
Với thủ đoạn tương tự, Võ Thanh Hải (49 tuổi) cũng “mượn” được CMND, sổ hộ khẩu của 10 hộ dân, thu lợi bất chính gần 2 tỉ đồng do không nộp tiền SDĐ. Thấy kiếm tiền tỉ dễ như trở bàn tay, Hải hướng dẫn cho em trai là Võ Thành Nhân (47 tuổi) mượn sổ hộ khẩu, CMND của 3 hộ đồng bào dân tộc ở xã Thanh Sơn để hợp thức hồ sơ chuyển mục đích SDĐ, không nộp tiền SDĐ gần 500 triệu đồng.
Tại địa bàn xã Đại An, bà Trầm Thị Hồng Hoa (56 tuổi) được xem là đại gia bất động sản nhưng cũng mượn sổ hộ khẩu, CMND của 5 hộ dân đồng bào dân tộc, không đóng gần 1,3 tỉ đồng tiền SDĐ. Bạn thân của bà Hoa là bà Tăng Thị Mỹ Hạnh (47 tuổi) gom sổ hộ khẩu, CMND của 3 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số để khỏi nộp gần 800 triệu đồng. Ngoài ra, 8 giáo viên trên địa bàn H.Trà Cú cũng chớp cơ hội mượn giấy CMND, sổ hộ khẩu của phụ huynh có con em là người dân tộc để hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích SDĐ không phải nộp tiền SDĐ.
Khi thanh tra vào cuộc, các đối tượng lợi dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc đã tự nguyện khắc phục hậu quả. Thanh tra tỉnh đã ra 67 quyết định thu hồi hơn 18 tỉ đồng.
Dư luận cho rằng với sai phạm trên đủ để xem xét trách nhiệm hình sự nhưng không hiểu sao, ngành chức năng tại Trà Vinh chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.
Kiến nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ sai phạm
Thanh tra kiến nghị UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với ông Lê Hồng Phúc (Chủ tịch UBND H.Trà Cú) ký 77 hồ sơ với số tiền hơn 12,3 tỉ đồng, ông Nhan NaNi (Phó chủ tịch UBND huyện) ký 73 hồ sơ làm thất thu NSNN hơn 11 tỉ đồng, ông Lê Thanh Vũ, bà Trần Thanh Hiền (nhân viên chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai H.Trà Cú); đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với 2 nguyên Chủ tịch UBND H.Trà Cú là ông Thạch Phước Bình (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội) và ông Nguyễn Văn Út (Giám đốc Sở LĐ-TB-XH)…
Ngoài ra, kiến nghị UBND H.Trà Cú kiểm điểm với mức có hình thức kỷ luật đối với 18 cán bộ, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân 16 cán bộ và kiểm điểm rút kinh nghiệm 4 cán bộ. Phòng GD-ĐT huyện kiểm điểm và có hình thức kỷ luật 8 giáo viên lợi dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc.