+
Aa
-
like
comment

Lật mặt âm mưu phủ nhận thành tựu giáo dục, chống phá trước thềm đại hội Đảng

09/04/2020 17:07

Cũng như trước mỗi sự kiện lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thì các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại tung ra như “nấm độc sau mưa” những ý kiến – quan điểm bất mãn, sai trái, xuyên tạc nhằm gieo rắc sự hoài nghi, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân.

Mục tiêu xuyên suốt không thay đổi của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thời gian gần đây, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng càng đẩy mạnh thực hiện chống phá nhà nước bằng những luận điệu xuyên tạc, trong đó có phủ nhận thành tựu giáo dục Việt Nam.

Phủ nhận thành tựu giáo dục, âm mưu chống phá nhà nước – Một thủ đoạn nguy hiểm

Có thể nói, từ xưa đến nay Đảng ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên với mưu đồ xuyên tạc tình hình đất nước, chế độ, một số người có cái nhìn thiếu khách quan, toàn diện, nhất là họ lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm của ngành Giáo dục trong thời gian gần đây để xuyên tạc, phủ nhận thành tựu to lớn của nền giáo dục nước ta. Từ đó, đưa ra những luận điệu: “nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, “công cuộc cải cách giáo dục đã hoàn toàn thất bại”, v.v. Đây là những luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của nền giáo dục nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm của ngành Giáo dục trong thời gian gần đây để xuyên tạc, phủ nhận thành tựu to lớn của nền giáo dục nước ta.

Chúng còn mạnh miệng cho rằng “khắp ngành giáo dục chỉ toàn là tiêu cực, chạy chọt, đục khoét” hay “giáo dục hiện nay là thiếu dân chủ, việc học sinh học giỏi chỉ là nỗ lực cá nhân chứ không phải từ hiệu quả của nền giáo dục trong nước” và cuối cùng như thường lệ chúng “khéo léo kết luận” rằng “Gốc rễ của sự dối trá, mục ruỗng trên là do đặt dưới sự cai trị của Cộng sản độc tài”…

Phải khẳng định rằng, đây đều là những âm mưu, chiêu trò thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động và cơ hội chính trị. Lợi dụng sự bức xúc của nhân dân, chúng nhanh chóng “thừa nước đục thả câu”, xuyên tạc, bôi nhọ và phủ nhận thành tựu của nền giáo dục nước nhà bằng những lời lẽ đầy mơ hồ, xảo trá. Mục đích cuối cùng của chúng là gây mâu thuẫn, nghi ngờ, chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, tiến tới đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đa nguyên, đa đảng.

Sự tiến bộ vượt bậc của nền giáo dục nước nhà

Hiện nay, chúng ta đang tích cực tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, ngành Giáo dục chính thức triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học.

Một trong những thành tựu trong gần 35 năm đổi mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận là nền giáo dục Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đưa trẻ em đúng độ tuổi được đến trường, cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Đến nay, Việt Nam đã có 700 trường đại học, học viện và trường cao đẳng với gần 73.000 giảng viên, hơn 16.500 tiến sĩ, 500 chương trình đào tạo, phối hợp với nhiều trường đại học trên thế giới và nhiều chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến theo chuẩn quốc tế.

Tổ chức giáo dục BTEC Việt Nam vươn ra “biển lớn” hội nhập BTEC toàn cầu

Bước sang thiên niên kỷ mới, Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ giáo dục thế giới khi đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế, như: Olympic Toán học quốc tế 2007, Olympic Vật lý quốc tế 2008, Olympic Sinh học quốc tế 2016. Đặc biệt, thành tích của các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế cũng rất nổi bật. Trong 3 năm gần đây, 2017 đến 2019 đội tuyển Olympic quốc tế các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học của Việt Nam đều đạt thứ hạng cao.

Đối với nhà giáo, từ lâu dân tộc Việt Nam đã có truyền thống tôn sư trọng đạo, mọi người, mọi nhà luôn trân trọng những người làm nghề dạy học. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách hợp lý, để bảo đảm cho đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển. Hầu hết các thầy, cô giáo đều yêu nghề, yêu người, không ngừng rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình, xứng đáng với lòng tin yêu, kính trọng của toàn xã hội.

Những kết quả đã đạt được là minh chứng sinh động về thành tựu to lớn của nền giáo dục Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù trong thời gian qua, với nhiều nguyên nhân khác nhau, nền giáo dục nước ta còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, song không vì thế mà xuyên tạc, phủ định nền giáo dục Việt Nam.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều