Phú Lê, Huấn ‘Hoa Hồng’ và nhiều giang hồ mạng đổ bộ sang TikTok
Vẫn những video “đạo lý” quen thuộc, hình ảnh các giang hồ mạng như Phú Lê, Khánh Sky xuất hiện công khai trên nền tảng video ngắn, bất chấp chính sách do TikTok đề ra.
Trước đây, giang hồ mạng là khái niệm gắn liền với các nền tảng như YouTube, Facebook. Trong một năm trở lại, TikTok rộ lên là nền tảng mới, nơi dung dưỡng cho các video “nói đạo lý” của các cá nhân như Huấn “Hoa Hồng”, Phú Lê, Dương Minh Tuyền…
Điểm chung của các clip đều mang nội dung bạo lực núp bóng hành hiệp trượng nghĩa, với ngôn ngữ kích động hận thù xuất hiện dày đặc, xuyên suốt quá trình phát triển kênh.
Theo chuyên gia, những kênh xây dựng hoặc đăng tải lại nội dung giang hồ có nhiều lý do. “Các kênh TikTok sau khi phát triển đến mức nhất định, có thể bán với giá 100-300 đồng cho mỗi lượt theo dõi kênh”, ông Mai Thanh Phú, nhà phát triển nội dung mạng xã hội lâu năm cho biết.
Mức giá nói trên áp dụng cho cả các kênh “reup” (đăng lại) nội dung trên YouTube. “Tuy nhiên, với những cái tên có “thương hiệu” như Huấn “Hoa Hồng”, giá trị thị trường lúc này khó đong đếm, do không thể tính bằng lượt theo dõi”, ông Phú cho biết.
Điểm chung của những nội dung này là rất dễ thu hút lượt xem. Ví dụ, kênh TikTok @sinh**** dù mới đăng video đầu tiên đã có gần nửa triệu lượt xem. Nội dung chính của kênh xoay quanh việc “reup” clip cùng các nội dung chửi bới. Đến nay, nhiều clip trên kênh này đã đạt hơn 1 triệu lượt xem.
Lý giải cho việc này, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an), cho rằng mục đích sử dụng mạng xã hội của các đối tượng “giang hồ mạng” là để đánh bóng tên tuổi, khuếch trương thanh thế, mở rộng địa bàn hoạt động, tầm ảnh hưởng, tăng cường liên kết giữa các nhóm trong “thế giới ngầm”.
Ngôn từ tục tĩu, “đạo lý” quen thuộc
Các nội dung có sự góp mặt của Dương Minh Tuyền, Thắng Cá Chép, Khánh Sky trên TikTok có phần “hiền hòa” hơn so với hình ảnh từng xuất hiện ở những nền tảng khác do thời lượng một video trên TikTok bị giới hạn. Các giang hồ mạng vì thế khó thể hiện được “tài năng” dàn dựng clip đạo nghĩa từng được dư luận biết đến trước đó. Một vài video chỉ đơn giản là các câu nói đạo lý được hiển thị trên nền nhạc có lời hát tương đồng.
Tuy nhiên, trong những clip tự sản xuất, nhóm giang hồ mạng này thường xuyên xuất hiện với hình ảnh cởi trần được phủ kín trang sức, vàng, hình xăm. Lấy ví dụ là trang @Duong******* với 4,4 triệu lượt thích, gần 600.000 theo dõi được cho là của Dương Minh Tuyền. Trong các clip đăng tải, dù đang ở nhà, lái xe hay xuất hiện nơi công cộng, nhân vật này cũng thường xuyên để lộ hình xăm trên người.
Trường hợp khác là tài khoản là @ongtrum******** chuyên đăng nội dung về giang hồ mạng H. Đen, hiện có gần 150.000 lượt thích, hơn 33.000 theo dõi.
Ngày 24/4, trang này đăng tải series “Một số thành phần”. Series này được chia thành 4 clip. Nội dung các video đề cao lối sống trượng nghĩa, song không quên kích động bằng những từ tục tĩu. Ví dụ, trong clip thứ 3, H.Đen tuyên bố: “Những ai không thích có thể gọi đến số điện thoại để ở đây… Nếu như có bản lĩnh cứ alo”. Tổng lượt xem của series này đạt hơn 700.000.
Ngoài ra, các nội dung dạng này còn tập trung khoe khoang đời sống hào nhoáng, thể hiện qua những cuộc ăn nhậu, đi bar, đếm tiền.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia truyền thông và xử lý khủng hoảng từ CHLB Đức, nhận định một số người dùng mạng xã hội thích thể hiện mình, tự vẽ lên một số đặc điểm tính cách như sống vì bạn bè, vẽ những chân dung thu hút bạn trẻ hay những thành phần muốn có lối sống như thế.
“Với những tính cách này, giới trẻ vốn chỉ thường thấy qua các tiểu thuyết, phim ảnh. Tuy nhiên, chính mạng xã hội đã trao công cụ để các giang hồ mạng hấp dẫn hóa đời sống của giới phi chính tắc”, ông nói.
Các clip lấy đề tài nội dung này sặc mùi ân oán giang hồ, bạo lực. Ví dụ, trong clip đăng ngày 19/4, Khánh Sky nhắc đến Dũng Trọc – tức Nguyễn Văn Dũng, giang hồ mạng đang chịu án tù vì tội tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy. Khánh đe dọa người xem “nhìn gương” giang hồ này nếu bất cứ ai có ý định “động” vào mình.
Các clip lấy đề tài nội dung này không thiếu những ngôn từ tục tĩu được chèn vào trong từng phát ngôn. Điều này thể hiện rõ trong các clip Khánh Sky đối thoại cùng những nhân vật khác. Trang @sky**** chứa nội dung này hiện đạt khoảng 100.000 lượt thích, hơn 23.000 theo dõi.
Trong đó, clip đăng ngày 14/4 trên trang này có lượng người xem cao nhất với 1,6 triệu lượt xem. Nội dung video là hình ảnh Khánh Sky tự tuyên bố về bản thân.
Với Phú Lê, có không ít kênh TikTok đăng tải nội dung về nhân vật này. Một kênh sử dụng hình ảnh Phú Lê có hơn 4,2 triệu lượt thích, gần 720.000 theo dõi là @Phule*** thường đăng tải nội dung không giấu giếm ý đồ khoe vàng, xe và các mối quan hệ trong xã hội như với H.Đen.
“Hệ sinh thái” nội dung giang hồ TikTok
Một vài clip cho thấy những nội dung giang hồ có lượt theo dõi cao như H.Đen, T.Mạnh, G.Rồng đều có quan hệ với Phú Lê, Dũng Trọc, Huấn “Hoa Hồng”. Nhưng không chỉ có chừng đó, thực tế, có cả một hệ sinh thái nội dung giang hồ trên Tiktok.
Ngoài loạt nội dung giang hồ nói trên, nhiều kênh như T. Rambo, T.Chân Dài, D.Trọc đang phát triển với hình thức tương tự. Chưa kể, là hàng loạt kênh giả mạo như với trường hợp của Huấn “Hoa Hồng”.
Nhìn chung, trên TikTok, các kênh nội dung giang hồ tiếp tục tạo cho mình hình ảnh hảo hán nghĩa hiệp, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, nói thẳng sống thật, không che giấu thân phận… Tuy nhiên, không khó để người xem cảm nhận được sự hung hăng của các “nhà sáng tạo” nội dung này.
“Không rõ với cách giảng đạo lý đi kèm với ngôn ngữ đầy tính kích động, khiêu khích như thế này, người xem sẽ nhận được loại giá trị đạo đức nào”, Mạnh Đăng, phụ huynh có con nhỏ ngụ tại Quận 2, TP.HCM đặt câu hỏi.
“Họ ảo đến mức nhầm lẫn lối sống, xây dựng quá nhiều ảo vọng trên mạng và bước qua nhiều lằn ranh ở thực tế, đôi khi vi phạm pháp luật. Hậu quả là một số gương mặt cộm cán đã bị bắt”, chuyên gia Lê Ngọc Sơn nói.
Tiến sĩ Lê Nguyên Thanh (Trưởng bộ môn Tội phạm học, Đại học Luật TP.HCM) cho rằng khi không gian mạng mở ra và phát triển cũng sẽ xuất hiện những hành vi gây rối, thậm chí vi phạm pháp luật hành chính, hình sự.
Đó là những hành vi như chửi bới, khoe vàng, kích động, cổ xúy bạo lực, chửi thề, hủy hoại tài sản… Hành vi này thuộc kiểu lệch chuẩn xã hội nhằm phô trương, kích động, lôi kéo giới trẻ, trục lợi qua việc kinh doanh trái phép (mua bán hàng cấm, làm các dịch vụ phi pháp khác như bảo kê, đòi nợ, quảng cáo cờ bạc…) hoặc thu lợi từ lượng theo dõi các tài khoản, kênh nội dung, clip phản cảm.
TikTok ngó lơ kiểm duyệt các nội dung giang hồ?
Trong mục tiêu chuẩn cộng đồng, TikTok chia sẻ quan điểm “không cho phép bạo lực trong hoặc ngoài TikTok, hoặc sử dụng nền tảng để đe dọa, kích động bạo lực”. Bên cạnh đó, nền tảng video ngắn cũng nói không với “nội dung ca ngợi, quảng bá, tôn vinh hoặc ủng hộ bất kỳ hệ tư tưởng thù địch nào”.
Tuy nhiên, với các clip nói trên, dù mang đầy đủ những yếu tố vi phạm chính sách TikTok đề ra, vẫn thản nhiên xuất hiện, thậm chí được nền tảng này giới thiệu đến người xem.
Chỉ cần tìm kiếm các từ khóa là tên của các giang hồ mạng, người dùng được giới thiệu đến nhiều tài khoản, nội dung tương tự trong phần tài khoản đề xuất.
Song, đáng chú ý, trong phần bình luận, phần lớn người dùng bày tỏ tung hô, tán thưởng các hành vi, cử chỉ và ngôn từ được những “tay anh chị” trên Internet này đưa ra. Video trên TikTok cũng không giới hạn độ tuổi, đồng nghĩa trẻ em, trẻ vị thành niên cũng có thể tiếp cận được nội dung này.
Đại Việt