+
Aa
-
like
comment

Phóng viên trong vụ bạo loạn Capitol kể về lúc bị dọa giết

Hàn Nguyên - 12/01/2021 15:59

“Giết bọn nhà báo” – đó là những lời lẽ được khắc trên một cánh cửa tòa nhà Capitol trong cuộc tấn công Quốc hội vào hôm thứ Tư.

Người biểu tình đập phá máy quay phim bên ngoài điện Capitol trong vụ bạo loạn.

Bên trong, các phóng viên ẩn nấp trong các văn phòng khi những kẻ ủng hộ Donald Trump tàn phá tòa nhà. Họ lo sợ về những gì sẽ xảy ra nếu bị đám người đó phát hiện. Vài người tìm cách hòa mình vào đám đông để ghi hình cuộc nổi loạn và bị tấn công.

Trong khi đó, đồng nghiệp của họ bên ngoài tòa nhà trơ trọi trước đám đông cuồng nộ. Chẳng có bao nhiêu cảnh sát xung quanh, phóng viên phải đối mặt với nhóm bạo loạn, bị nhổ bước bọt và sỉ nhục, đuổi đánh, đập phá dụng cụ, thậm chí hành hung.

Đã có hàng chục, nếu không phải hàng trăm vụ tấn công phóng viên hôm đó. Nghề phóng viên vốn đã quen với những lời chói tai và những vụ công kích. Nhưng ngày thứ Tư vừa qua hoàn toàn khác. Những cuộc hành hung trở nên đặc biệt manh động, phóng viên họ không còn bị xem là sự xao nhãng, mà trở thành mục tiêu.

Phóng viên Alice Li (Washington Post) bàng hoàng chứng kiến những kẻ bạo loạn đổ lỗi cho truyền thông và đòi “giết báo chí” khi nghe tin vụ nổ súng trong điện Capitol: “Cảm giác thật tồi tê. Bạn lo lắng về sự an toàn của mình, của đồng nghiệp và những người ở ngoài đó.”

Tổng thống Trump trong bài phát biểu đầu ngày đã cáo buộc “tin giả” cướp phiếu của mình và gọi truyền thông là “vấn đề lớn chúng ta phải đối mặt mà tôi biết – vấn đề lớn nhất và duy nhất”. Chỉ vài giờ sau, đám đông người ủng hộ xem đó là chỉ thị và tấn công những nhân viên truyền thông, những người mà họ đổ lỗi cho thất bại của Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

“Cơn thịnh nộ lên đến tột đỉnh và càng lúc càng phình lên,” Li nói. “Người ta cố tìm một ai đó để đổ lỗi và trút giận, thật không may truyền thông là mục tiêu hiển nhiên nhất.”

Đối với Nathan King (CGTN Ameria) – nhà báo theo sát hoạt động của Tổng thống từ khi còn tranh cử – anh đã biết ngay từ đầu cuộc tuần hành đã “rất, rất khác” so với những sự kiện trước đó của Tổng thống Trump. King cho biết người ủng hộ Trump vốn vẫn thường công kích truyền thông, nhưng không thù địch đến thế. Nhưng ngày hôm ấy, cơn cuồng nộ lan trong bầu không khí là thứ anh chưa từng thấy.

Tòa soạn nơi King làm việc cũng bị quấy rối và cuối cùng bị đập phá, những phóng viên gốc Á tại đó nghe thấy những lời miệt thị chủng tộc như “cút về Khựa đi”, thậm chí gọi phóng viên nữ là đĩ điếm. “Làm phóng viên bạn chuẩn bị sẵn tinh thần nghe những lời miệt thị – kiểu như kẻ thù quốc gia, nói láo hay tin giả…” Li nói. “Nhưng tôi nghĩ điều khiến tình hình vừa rồi rất khác biệt là khi có kẻ xúc phạm cá nhân bạn, những lời miệt thị về giới tính, về sắc tộc.”

Điều bất thường khác mà King thấy là không một cảnh sát nào được điều động bảo vệ tòa soạn. Cũng chẳng có trực thăng bay phía trên, một điều kỳ lạ đối với một sự kiện quy mô lớn như vậy. Thứ duy nhất bảo vệ các nhà báo là những hàng rào sắt, và chúng đã đổ chiều hôm đó, đám người xông vào phá nát tòa soạn, King và đồng nghiệp đành phải bỏ chạy.

“Bạn biết cái cảm giác nhìn vào mắt ai đó và mong đợi lý lẽ của con người? Bạn biết đấy? Chẳng có gì cả. Như thể họ còn chẳng thấy anh ở đó,” King nói.

King bị đám đông rượt đuổi đến tận sân capitol, khi anh gặp một chiếc xe cảnh sát.

Trụ lại tòa soạn, nhà sản xuất Kate Woodsome và Joy Sharon Yi chứng kiến nhóm bạo loạn đập phá máy quay và dụng cụ, có người còn cột dây máy thành thòng lọng.

“Như thể báo chí không được phép tồn tại ở đó, họ phá hủy máy quay của họ như hiện thân của mong muốn bịt miệng truyền thông,” Woodsome nói.

Nhiếp ảnh gia John Michillo (Asociated Press) thì bị một nhóm người đè xuống bậc tam cấp trong điện Capitol và ném qua tường bao.

Phóng viên CBC Katie Nicholson chỉ cách Capitol năm khu nhà khi cô hay tin đội của mình bị hành hung bởi người ủng hộ Trump. Một nhóm 6 tới 10 người đeo bám, chửi rủa và cuối cùng hành hung nhóm phóng viên.

“Trước giờ tôi chưa từng phải vứt lại dụng cụ và bỏ đi như thế.”, Nicholson kể lại.

Bên ngoài nước Mỹ, phóng viên Ben Nelms (CBC) đưa tin từ Vancouver cũng bị hành hung. Anh đang chụp ảnh một cuộc khẩu chiến giữa những người ủng hộ Trump khi một gã đàn ông phát hiện ra anh và xông tới chửi bới rồi bất ngờ đấm vào quai hàm không chút do dự.

Tại Utah, nhiếp ảnh gia Rick Egan (Salt Lake Tribune) đang chụp ảnh cuộc biểu tình thì nhận những lời chửi rủa chỉ vì anh… đeo khẩu trang. Dù cố phớt lờ, Egan sau đó bị một gã khác xô đẩy và gã “anti-mask” lập tức xịt hơi cay vào mặt.

“Tôi không chụp ảnh hắn ta. Tôi chẳng làm gì kích động hắn,” Egan nói. “Tôi thật sự bị sốc, bạn bị xịt hơi cay bởi một kẻ thậm chỉ còn chẳng thuộc về những gì đang diễn ra.”

Egan đã nghĩ mình khá an toàn khi đến cuộc tuần hành. Thông thường, các cuộc biểu tình chỉ trở nên xấu đi khi cảnh sát đến mang theo dụng cụ chống biểu tình. Thêm nữa các cuộc tuần hành của những người ủng hộ Trump thường không được cảnh sát chú ý, theo kinh nghiệm của Egan.

Phóng viên Sara Gentzler (The Olympian) và nhiếp ảnh gia Ted S. Warren (AP) cũng bị tấn công vô cớ bởi một gã đàn ông có dao găm và cả súng. Họ đang đi bộ đến tòa nhà Thống đốc bang Washington khi hắn ta chạy đến nói những lời tục tĩu, khoe “thành tích” hành hung một nhà báo khác và đuổi họ đi.

“Năm sau chúng tao sẽ bắn chết hết tụi mày,” người đàn ông hăm dọa.

“Tôi cảm thấy đó là một đe dọa thực sự đến sự an tòan của mình và những phóng viên khác”, Gentzler nói. “Điều tôi nghĩ trong đầu là ‘mình phải làm gì đây? phải làm sao để tránh trở thành mục tiêu mà vẫn thực hiện nghĩa vụ phóng viên của mình?”

Dấu biết nhà báo vẫn luôn phải đương đầu với những nguy hiểm rình rập, thế nhưng những gì đã diễn ra tại thủ đô Washing D.C. đã cho thấy một sự an toàn, thậm chí là tính mạng của các nhà báo Mỹ đang bị đe dọa một cách trắng trợn ngay dưới bầu trời xứ sở Cờ hoa.

HÀN NGUYÊN (lược dịch từ Poynter)

Bài mới
Đọc nhiều