+
Aa
-
like
comment

Phóng viên Mỹ: ‘Việt Nam Cộng hòa là tác phẩm méo mó của chúng ta’

Hạnh Văn - 28/03/2021 16:42

Ngay ở nước Mỹ, ít ai nhớ đến rằng ngày 29/3, là ngày Cựu binh chiến tranh Việt Nam. Nhìn lại quá khứ, ký giả Edward Palm của Roanoke Times đã có cái nhìn thẳng thắn về cuộc chiến tranh Việt Nam. Cánh Cò xin trân trọng giới thiệu bài viết:

Nhà báo Edward Palm.

Chỉ mới gần đây, tôi mới biết ngày 29/3 là Ngày Cựu binh chiến tranh Việt Nam. Ai mà ngờ lại có một ngày kỷ niệm như thế? Nhưng khi đã biết về nó, tôi nghĩ những người trong chúng ta, những người từng tham chiến tại Việt Nam, nên để ngày kỷ niệm này sang một bên mà ngẫm nghĩ về cách mà chúng ta nên cảm nhận về nó.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta khi đó không nhận thức được những điều mà giờ đây mình mới tường tận về một cuộc chiến sai trái và phi lý. Hãy quên lời tẩy trắng lịch sử “Chúng ta có động cơ cao cả ở Việt Nam” của Tổng thống Reagan đi. Chúng ta chẳng có gì “cao cả” trong cuộc chiến đó. Trước tiên và trên hết, Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc, người đã mong đợi chúng ta hãy khuyên can nước Pháp đừng tìm cách chiếm lại thuộc địa cũ của mình sau khi Đệ Nhị Thế chiến kết thúc. Sự phân chia Việt Nam thành 2 miền Nam – Bắc, sau thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, chưa bao giờ được dự định là vĩnh viễn, và Việt Nam Cộng hòa là tác phẩm méo mó của chúng ta.

Như cách mà Daniel Ellsberg – người tiết lộ bí mật lịch sử đen tối của chúng ta về Chiến tranh Việt Nam – đã mô tả trong “Báo cáo Lầu Năm Góc”: “Chúng ta không can thiệp từ bên sai trái, chúng ta là những kẻ sai trái.” Tệ hơn nữa, cách mà chúng ta làm hoàn toàn lệch lạc với kết quả mà chúng ta mong đợi ở Việt Nam. Thậm chí có những lúc, chúng ta dường như có ý định hủy diệt cả 1 quốc gia nhân danh “giải cứu”.

Vậy thì, những người trong chúng ta, những người đã tham gia cuộc chiến đó nên cảm thấy thế nào về những thăm tháng quân ngũ của mình? Mặc dù động cơ của chúng ta không hề “cao cả”, đối với đa số chúng ta, sự phục vụ quân ngũ của mình thì có. Như cựu Thủy quân lục chiến Philip Caputo đã đưa nó vào cuốn hồi ký Việt Nam “Lời đồn chiến tranh”, trong cách ứng xử hàng ngày của chúng ta, đôi khi chúng ta giống như “những chiếc áo khoác đỏ bắt nạt” trong cuộc cách mạng của chính mình. Nhưng lịch sử có lẽ sẽ không xếp chúng ta ngang hàng với quân Đức Quốc Xã hay SS trong Thế chiến thứ hai, hoặc thậm chí là quân lính miền Nam trong cuộc Nội chiến. Chúng ta ra trận không nghĩ rằng mình đến để khuất phục hay đô hộ người Việt Nam. Chúng ta đơn giản là nhầm tưởng rằng mình biết tốt đẹp nhất dành cho họ.

Và, giống như một số người đã chiến đấu dưới lá cờ Đức Quốc Xã hoặc Liên minh miền Nam, nhiều cựu binh Việt Nam có lẽ từng đặt câu hỏi liệu động cơ của mình có chính nghĩa hay không. Nhưng, từ xa xưa, những người lính không chiến đấu vì chính nghĩa, mà họ chiến vì nhau. Như một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về Việt Nam từng được dựng thành phim đã nói: “Anh bảo vệ tôi, tôi bảo vệ anh, và cả hai chúng ta sẽ về nhà”.

Cách tra tấn phổ biến của lính Mỹ, Ngụy đối với tù nhân VC
Cách tra tấn phổ biến của lính Mỹ, Ngụy đối với tù nhân VC

Những người theo chủ nghĩa thuần túy của phong trào phản chiến những năm 1960 – hầu hết trong số họ phải không mạo hiểm sinh mạng của mình – tin rằng tất cả chúng ta lẽ ra phải nói, “Không! Tôi sẽ không đi! ” Nhưng đối với hầu hết chúng ta, lớn lên trong nước Mỹ đó, vào thời đó, thật không thể tưởng tượng được việc quay lưng lại với đất nước đã nuôi dưỡng chúng ta và nơi chúng ta vẫn hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp.

Theo tôi, câu trả lời đến từ một cựu binh Thủy quân lục chiến trong cuộc chiến ở Iraq, Phil Klay, người đã xuất bản tuyển tập “Tái điều binh” về những câu chuyện lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của anh. Trong câu chuyện “Lời cầu nguyện trong lò”, một tuyên úy đã chiêm nghiệm về những gì mà những người lính thủy quân lục chiến mà anh đã cố vấn đang phải trải qua ở Iraq. Bất chấp sự điên loạn và thảm họa của chiến tranh, anh cảm thấy “nơi này còn linh thiêng hơn là trở về nhà. Ở nơi đó, sự háu ăn, nạn béo phì, lạm dụng tình dục, làm việc quá tải, tiêu xài hoang phí, và những mái nhà vật chất đã biến chúng ta thành những kẻ lười biếng đến mức không nhận ra tội lỗi của chính mình”.

 

Hạnh Văn (lược dịch từ Roanoke)

Bài mới
Đọc nhiều