Phong trào không đeo khẩu trang lan khắp châu Âu
Dọc theo những ngôi nhà trên phố Portobello ở London, một thông điệp mới được phun đè lên hình vẽ cũ với dòng chữ: “Hãy bỏ khẩu trang ra”.
Thông điệp này được lan truyền khi hàng nghìn người biểu tình không đeo khẩu trang tập trung tại quảng trường Trafalgar ở trung tâm thủ đô London, Anh, hôm 26/9. Ít nhất 4 cảnh sát đã bị thương trong cuộc đụng độ với đám đông biểu tình phản đối biện pháp ngăn Covid-19 này.
Một tuần trước đó, cuộc vận động chống lại các biện pháp hạn chế Covid-19 do chính phủ Anh áp đặt cũng diễn ra. Nhiều người gọi đại dịch là trò lừa bịp, ngay cả khi số ca tử vong toàn cầu vì nCoV đã lên tới hơn một triệu. “Không còn dối trá, không còn khẩu trang, không còn phong tỏa”, một khẩu hiệu người biểu tình mang theo viết.
Theo Daniel Jolley, giảng viên cấp cao về tâm lý học tại Đại học Northumbria, Anh, việc ngày càng nhiều người cho rằng chính phủ của họ không trung thực về Covid-19 không có gì đáng ngạc nhiên.
“Con người thường bị lôi cuốn bởi những thuyết âm mưu trong thời kỳ khủng hoảng. Khi có chuyện gì đó xảy ra, như virus bùng phát, tình hình chính trị thay đổi nhanh chóng, cái chết của người nổi tiếng, hay tấn công khủng bố, các thuyết âm mưu lại trỗi dậy”, Jolley giải thích.
Chuyên gia này nhận định do tính chất kéo dài của đại dịch, cùng khả năng chính phủ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế, đã khoét sâu thêm sự ngờ vực và có thể thổi bùng lửa giận của những người phản đối.
Hồi mùa hè, một y tá tên Kate Shemirani bị Hội đồng Điều dưỡng Anh đình chỉ công tác sau khi bà tuyên bố nCoV là thứ ngụy tạo, hoặc có liên quan tới mạng di động 5G, đồng thời phản đối thẳng thừng việc tiêm vaccine. “Họ muốn tất cả các bạn đeo khẩu trang, nhưng không có bằng chứng khoa học nào. Khẩu trang sẽ khiến bạn phát ốm”, Shemirani nói với đám đông biểu tình tại quảng trường Trafalgar hai tuần trước.
Khoa học lâu nay đã chứng minh việc đeo khẩu trang có thể giúp mọi người phòng ngừa các bệnh lây truyền trong không khí. Những nghiên cứu mới cũng cho thấy khẩu trang bảo vệ được người sử dụng nó. Tuy nhiên, Shemirani và nhiều người khác quyết không thay đổi quan điểm.
Phong trào chống các biện pháp phòng ngừa Covid-19 tại Anh thu hút một số người ủng hộ có tầm ảnh hưởng. Tháng này, ca sĩ nổi tiếng Van Morrison đã phát hành ba bài hát mới phản đối phong tỏa, nhằm chỉ trích những nỗ lực phòng dịch của chính phủ, đồng thời cho rằng giới khoa học “đang bịa ra những thông tin dối trá” về nCoV.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, quan chức y tế Bắc Ireland Robin Swann đánh giá các bài hát này “nguy hiểm”. “Tôi không biết ông ấy tiếp nhận thông tin từ đâu. Tôi hiểu nguồn gốc của cảm xúc này, nhưng tôi phải nói rằng thông điệp đó rất nguy hiểm”, Swann cho biết.
Không dừng lại ở Anh, phong trào bài trừ những biện pháp chống Covid-19 xuất hiện tại các thành phố khắp châu Âu, trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV đang tăng trở lại ở hầu hết khu vực này. Tại Pháp, nơi ghi nhận trung bình 12.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua, nhiều người nghi ngờ hiệu quả của khẩu trang và những biện pháp kiểm soát dịch mới. Một bộ phận thậm chí kêu gọi cộng đồng phớt lờ hướng dẫn của chính phủ.
Theo nghiên cứu công bố hồi đầu tháng của viện Fondation Jean Jaures ở Paris, nhiều người phản đối đeo khẩu trang đánh giá vật dụng này vô ích, đe dọa sức khỏe của họ, hoặc là công cụ đàn áp của chính phủ. 90% người chống khẩu trang, tương đương 43% người Pháp được khảo sát, cho rằng Bộ Y tế nước này đang thông đồng với các hãng dược phẩm để che giấu tác hại của vaccine.
Antoine Bristielle, nhà xã hội học tiến hành nghiên cứu này, cho biết đại dịch tạo ra “mảnh đất vô cùng màu mỡ” cho các thuyết âm mưu bởi còn nhiều điều về nó chưa được chắc chắn.
Tại thủ đô Brussels của Bỉ hồi đầu tháng, khoảng 200 người cũng biểu tình chống các biện pháp ngăn ngừa nCoV, đặc biệt là yêu cầu về khẩu trang. Đây là cuộc biểu tình thứ hai tại Brussels do một nhóm cực đoan có tên Viruswaanzin tổ chức, nhưng nhanh chóng bị cảnh sát giải tán.
Nhóm này còn từng khơi mào các cuộc biểu tình tương tự ở Hà Lan. Họ không chối bỏ sự tồn tại của Covid-19, nhưng tin rằng những biện pháp chính phủ tiến hành là quá mức so với quy mô và mối đe dọa từ đại dịch, theo luật sư Michael Verstraeten, một trong những người tổ chức biểu tình.
Verstraeten đại diện cho một nhóm công dân Bỉ kiện chính phủ vì vi phạm quyền tự do của họ khi áp đặt các biện pháp phòng tránh Covid-19. Thẩm phán chủ tọa đã bác bỏ vụ kiện hồi tháng 7, cho biết “sự thiếu hiểu biết trong khiếu nại của họ thật khó tưởng tượng”.
Phong trào phản đối biện pháp chống Covid-19 còn lan tới Berlin, với cuộc biểu tình gồm khoảng 50.000 người tháng trước, trong đó có những người cực hữu. Tuy nhiên, Querdenken-711, nhóm tổ chức sự kiện này, lại theo xu hướng ôn hòa hơn. Phần lớn người biểu tình tin rằng mức độ nghiêm trọng của Covid-19 đang bị thổi phồng, hoặc đại dịch là “trò lừa bịp”.
Slovakia, nơi ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày cao kỷ lục hôm 25/6, cũng phải chật vật đối phó với các thuyết âm mưu. Bộ Y tế nước này hồi mùa hè phải chỉ định một chuyên gia nhằm chống lại thông tin sai lệch về đại dịch. Vladimir Snidl, nhà báo chuyên về tin giả của tờ Dennik N ở Slovakia, cho biết những người không tin vào nCoV tìm được tiếng nói đồng cảm trong các nhóm vốn phổ biến trên Facebook.
“Trong các nhóm chống vaccine, chống chính phủ và tự nhận ‘yêu nước’, việc nghi ngờ về Covid-19 đang trở thành xu hướng mới”, Snidl cho hay. Điều này dường như dẫn đến kết quả là chỉ 62,5% người Slovakia ủng hộ khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng, trong khi tỷ lệ này hồi tháng 3 là 94%, theo khảo sát của kênh truyền hình Markiza.
Giới chuyên gia cảnh báo sự ủng hộ ngày càng lớn đối với những giả thuyết từng một thời bị gạt ra ngoài lề này cho thấy mối đe dọa đang gia tăng. Theo Jolley, mặc dù các giả thuyết đều dễ dàng bị phản bác, những người tin vào chúng có nguy cơ gây ảnh hưởng thực sự đến sức khỏe cộng đồng.
“Việc họ không tiêm vaccine hoặc đeo khẩu trang sẽ tác động đến tất cả chúng ta, không chỉ vài cá nhân”, Jolley cho hay.
(Theo NY Times)