+
Aa
-
like
comment

Phong tỏa trụ sở app Cashwagon cho vay lãi suất ‘cắt cổ’

04/06/2020 09:12

Sau khi phá đường dây cho vay lãi suất hơn 1.000%, ngày 2-6 cơ quan chức năng đã phong tỏa tòa nhà nơi đặt trụ sở của app cho vay Cashwagon. 

Cashwagon là một trong những app cho vay với lãi suất cắt cổ từng bị nhiều nạn nhân lên tiếng tố cáo về các chiêu trò khủng bố để đòi nợ.

Trao đổi với PV, nhiều người cho biết khi cơ quan chức năng ra quân truy quét thời gian gần đây, nhiều app cho vay tiền đã ngưng hoạt động, ngừng giải ngân mới, thay đổi tên miền và chỉ tập trung thu hồi nợ. Chẳng hạn, các app Vtien, Doctor app, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay… chỉ để lại số tài khoản cho người vay chuyển khoản trả nợ.

Phong tỏa trụ sở app Cashwagon cho vay lãi suất cắt cổ - Ảnh 1.
Tờ rơi vay vốn dán đầy trên đường Nguyễn Đình Chính, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Một số app khác đổi tên miền để không bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan chức năng. Trước đó, các app cho vay mọc lên như nấm sau mưa, đứng sau nhiều app này là người Trung Quốc, cho vay với lãi suất cắt cổ và dùng nhiều chiêu trò khủng bố người vay không trả được nợ. Khi cơ quan chức năng ra quân trấn áp, các app này ngưng cho vay nhưng vẫn không ngừng khủng bố con nợ để đòi tiền.

Chị T.K.U. (Tây Ninh) cho biết vay app Tamo 3 triệu đồng, sau hai tuần phải thanh toán 4,485 triệu đồng. Do công ty đóng cửa vì bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị mất việc nên không có khả năng trả nợ. Ngay lập tức, hình ảnh của chị kèm hình căn cước công dân hai mặt và hình ảnh người thân đã được đưa vào trong thông báo truy tìm con nợ, trong đó chị được gán là đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt tiền của nhiều công ty.

Chị Trang (Hà Nội) cũng rơi vào vòng xoáy vay app sau khi bị lừa tiền. Ban đầu chị vay app Sago và Salobank số tiền 2 triệu đồng nhưng chỉ nhận được 1,4 triệu. Đến hạn trả mà chưa có lương, chị lại tìm đến app sau trả cho app trước và lần lượt vay của app Doctor Đồng và Cashwagon. Các app này đều trừ đầu trừ đuôi, vay 3 triệu nhận 2,2 triệu trong 30 ngày. Cứ thế, chị Trang bị cuốn vào vòng xoáy vay app sau trả app trước không rút chân ra được.

Theo chị Trang, dù xuất hiện dưới nhiều cái tên khác nhau nhưng dường như nhiều app có chung chủ, bởi các app thường xuất hiện rất kịp thời để chào mời khi chị đến hạn trả nợ. Sau 4 app trên, chị vay thêm F668, Senmo, Oneclick money và ATM online. Do số nợ gốc ngày càng lớn nên thường phải vay 3-4 app mới đủ trả các khoản nợ đến hạn.

Đợt dịch vừa qua, chị Trang mất việc nên không có tiền trả nợ, các app đã gọi điện khủng bố, nhục mạ cả gia đình chị và dọa sẽ gọi cho tất cả bạn bè của chị để chị nổi tiếng là kẻ vay tiền trốn nợ…

Phải vào khuôn khổ

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các công nghệ tài chính (fintech) để trình Chính phủ. Theo đó, sẽ áp dụng cơ chế thử nghiệm 1-2 năm với các lĩnh vực mới gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P), hỗ trợ định danh khách hàng, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…

Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có hơn 150 công ty fintech, thực hiện các dịch vụ như thanh toán, ứng dụng xếp hạng, chấm điểm tín dụng… Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý, cơ quan chức năng đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mô hình hoạt động cũng như quản lý các hoạt động của những công ty này, nhất là khi các fintech mở rộng phạm vi hoạt động.

A.HỒNG/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều